Nhà tâm lý học nổi tiếng người Thụy Sĩ, Carl Gustav Jung, đã đặt ra thuật ngữ “ đồng phương tương tính ” (synchronicity) nhằm diễn tả về những sự vật, sự việc xảy ra một cách trùng hợp đến khó tin với những suy nghĩ trong tâm trí của chính chúng ta vào thời điểm đó, mặc dù không có mối liên hệ rõ ràng nào được tìm thấy.

“Đây là một loại sự kiện rất có ý nghĩa và sự suy tưởng của Jung về điều này là một bước tiến lịch sử quan trọng trên con đường phát triển của ngành khoa học về sự trùng hợp” , BS. Bernard D. Beitman, giáo sư thỉnh giảng tại trường Đại học Virginia kiêm cựu Chủ tịch Khoa Tâm thần học tại Đại học Missouri-Columbia cho biết.

Bernard D. Beitman chia sẻ, “ Khi tôi phát triển bộ môn Nghiên cứu về Hiện tượng trùng hợp, tôi xem xét tính hữu dụng của những hiện tượng đó. Tôi đã phân tích vai trò của mọi người trong quá trình kiến tạo ra các hiện tượng trùng hợp của chính họ. Trong quá trình định hình về cái chủ đề – vốn khá trừu tượng và có vẻ mang tính triết lý này thành một ngành khoa học chặt chẽ hơn, tôi đã không đánh mất bản chất kỳ diệu của nó. Trên thực tế, chính cái cảm nhận lạ thường từ các hiện tượng trùng hợp đã khởi nguồn cho chuyến hành trình tìm kiếm của tôi. Tôi cho rằng ở một chừng mực nhất định nào đó, điều tương tự cũng đã xảy ra với đối với các khám phá khoa học.

Hồi gần 30 tuổi, tôi giống như một cậu bé đã tìm ra đường hầm dẫn đến một miền đất mới kỳ lạ dường như chưa được nhiều người biết đến. Đó là ‘Khu rừng của Sự trùng hợp’. Giống như các loài chim muông và cây cối mới ở trong rừng, có đủ các loại hiện tượng trùng hợp ở đó. Điều kỳ diệu đã vang vọng ở khắp nơi. Tôi bắt đầu miêu tả và phân loại chúng. Tôi đã chạy ngược trở lại đường hầm này để kể cho mọi người những điều tôi đã nhìn thấy. Phần lớn trong số họ không hiểu tôi đang nói đến cái gì. Có lẽ tôi đã không miêu tả chúng đủ rõ ràng, và rồi tôi tìm thấy Carl Jung (một bác sĩ tâm thần và là tâm lý trị liệu người Thụy Sĩ) và những những tác giả khác, những người biết được điều gì đó về những cái này, những thứ được họ gọi là đồng phương tương tính, hay cơ duyên” .

Theo BS. Bernard D. Beitman, Carl Jung đã nhìn thấy phép màu trong các hiện tượng trùng hợp, nhưng lại không mấy chú ý đến tính hữu dụng tiềm năng của chúng. Ông chủ yếu tập trung vào những khía cạnh vượt trên phạm trù ý thức tự thân con người. Ông đã không xem xét vai trò của chúng ta trong quá trình kiến tạo các hiện tượng trùng hợp của chính mình mà chỉ coi hiện tượng này như một cách thức để đạt được mục đích trị liệu.

Carl Jung đã kể lại một phiên trị liệu trong đó ông đã sử dụng một hiện tượng trùng hợp có ý nghĩa để giúp đỡ một bệnh nhân. Tôi sẽ tóm tắt trải nghiệm của Carl Jung rồi tiến hành phân tích nó (cùng với sự trợ giúp của GS Roderick Main), như một xuất phát điểm để khám phá thế giới của các hiện tượng trùng hợp.

Carl Jung đã mở ra cánh cửa vào thế giới của sự trùng hợp

Theo đó, có một lần, một người phụ nữ trẻ có học vấn cao và thái độ nghiêm túc bước vào văn phòng của Carl Jung. Ông nhận ra rằng cuộc hành trình thay đổi tâm lý đối với bệnh nhân này sẽ thất bại nếu ông không thể làm mềm lớp vỏ bọc lý trí của cô bằng “một thứ gì đó vượt trên hiểu biết của con người”. Ông cần đến phép thuật của sự trùng hợp. Ông đã ‘yêu cầu’ nó xuất hiện, và tìm kiếm nó ở xung quanh mình. Ông tiếp tục lưu tâm đến người phụ nữ trẻ trong khi hy vọng một điều gì đó bất ngờ và phi lý sẽ hiện lên. Và thật bất ngờ, khi cô miêu tả về một con bọ hung bằng vàng – một món đồ trang sức quý giá – mà cô nhận được trong một giấc mơ đêm hôm trước, ông bỗng nghe thấy một tiếng gõ vào cửa sổ. Ông quay ra và thấy một tia sáng lấp lánh màu vàng-lục. Ông đã mở cửa sổ để cho ‘sự trùng hợp’ được bay vào và đó là một con bọ hung. Con bọ, trông khá giống với con bọ hung bằng vàng nói trên, chính là thứ mà ông cần – hay cũng chính là thứ người phụ nữ cần. “ Con bọ hung của cô đây ”, ông nói với người phụ nữ, trong khi đưa cho cô xem một cầu nối giữa những giấc mơ của cô và thế giới hiện thực.

Điều này có nghĩa gì?

Carl Jung đã nhìn thấy được sự cần thiết của một “thứ gì đó vượt trên hiểu biết của con người” để phá tan sự kháng cự trong tâm trí của người phụ nữ đối với việc trị liệu. Tuy rằng không rõ cái “vượt trên hiểu biết của con người” đã được Carl Jung định nghĩa như thế nào trong trường hợp này, nhưng chúng ta có thể suy đoán rằng nó chắn hẳn phải đối nghịch với cái lý trí thái quá mà Carl Jung nhìn nhận là đặc điểm tính cách của cô bệnh nhân.

Rõ ràng, ông coi hiện tượng trùng hợp như một cách thức để đạt được mục đích trị liệu của mình.

“ Trong thế giới quan của Carl Jung, đồng phương tương tính đã làm được cái việc mà bản thân ông không thể, dù ông biết là cần phải làm điều đó. Theo một cách hiểu nào đó, nó bổ sung cho kỹ thuật của Jung nhưng lại không làm giàu thêm cho vốn kiến thức của ông”, BS. Bernard D. Beitman  chia sẻ.

Hiện tượng trùng hợp thường xuất hiện nhiều hơn đối với một tâm trí đã được chuẩn bị trước.

Trong nghiên cứu của tôi về các hiện tượng trùng hợp, tôi phát hiện ra rằng hiện tượng trùng hợp thường xuất hiện dễ dàng hơn với một tâm trí đã được chuẩn bị trước. Tôi hy vọng có thể giúp mọi người tìm ra những hiện tượng trùng hợp có ý nghĩa trong cuộc sống với tần suất lớn hơn, như cách mà Carl Jung đã làm để đạt được mục đích của mình.

“Nhân tố bên trong của hiện tượng trùng hợp được hình thành bởi tâm lý mong chờ điều bất ngờ sẽ xảy đến của Carl Jung, còn phương diện bên ngoài của hiện tượng này thực sự xuất hiện dưới dạng một sự kiện ‘bất ngờ và không giải thích nổi’- một con bỏ hung tình cờ bay vào cửa sổ” , Bernard D. Beitman nhận định.

Trong các phiên trị liệu tâm lý, theo lẽ thường các nhà trị liệu sẽ không nghe điện thoại hay trả lời khi có người gõ cửa (trừ phi trong các trường hợp đặc biệt). Tuy nhiên Carl Jung đã phá vỡ các mô thức trị liệu quen thuộc, cũng như mô thức tư duy của bệnh nhân.

“Có nhiều dấu hiệu cho thấy Carl Jung đã không luôn bám cứng vào những ‘điều kiêng kỵ’ trong quy trình phân tích tâm lý, vốn là đặc trưng của một nhà phân tích tâm lý hiện đại điển hình”, GS Main cho biết. “Jung đã kể lại ở đâu đó việc hát cho bệnh nhân nghe một giai điệu đột nhiên nảy lên trong đầu ông trong phiên trị liệu và trong một trường hợp khác, Jung đã cho bệnh nhân xem một cuốn sách trong thư viện của ông. Dường như Jung đã làm bất cứ điều gì trực giác mách bảo là có thể sẽ có hiệu quả về mặt điều trị” .

Thông qua phương pháp của Jung, Bernard D. Beitman phát hiện ra rằng, việc thoát ra khỏi lối mòn của lối tư duy quen thuộc có thể giúp chúng ta gia tăng tần suất gặp phải những hiện tượng trùng hợp hữu ích trong cuộc sống.

trung hop
Một con bọ hung. (Ảnh: Chrumps/CC BY-SA)

Cuối cùng, chúng ta sẽ thảo luận về tính hữu ích của hiện tượng trùng hợp. Carl Jung từng tuyên bố rằng hiện tượng trùng hợp nói trên đã phá tan sự kháng cự trong tâm trí của cô bệnh nhân ‘kiêu kỳ’ đó, và chỉ khi đó việc trị liệu mới có thể được tiếp tục và cho ra các kết quả ưng ý. Ông không cung cấp thêm chi tiết về quá trình trị liệu cũng như kết quả của nó. Và hàm ý ở đây là, chính sự can thiệp này đã khiến mọi việc tiến triển dễ dàng hơn. Mặc dù việc lý tưởng hóa quá trình trị liệu này làm cho nó giống với chuyện cổ tích hơn là đời thực nhưng quả thật, cách mà hiện tượng kỳ diệu này xuất hiện vẫn là một điều chưa thể giải thích.

“ Tôi hy vọng rằng, thông qua ‘Nghiên cứu về Hiện tượng trùng hợp’, chúng ta sẽ có thể hiểu rõ hơn về các hiện tượng đồng phương tương tính và khiến chúng hữu dụng hơn trên một phạm vi rộng”, Bernard D. Beitman nói.

Trong chuyên mục Khoa học Huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưởng có thể kích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ để có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.

Hoàng Sâm biên dịch (theo The Epoch Times)