Nhiều loài vật tuy có bề ngoài nhỏ bé và trông chẳng có gì nổi bật nhưng ẩn chứa sau cái vẻ tầm thường đó là những sức mạnh phi thường mà con người hằng ao ước có được. 

Nếu như chúng ta còn đang loay hoay nghiên cứu và sáng chế những vị thuốc kéo dài tuổi thọ giống như các phương thuốc “trường sinh bất lão” trong các bộ phim kiếm hiệp thì ngoài đời thực đã có những sinh vật không chỉ có tuổi thọ cao lên tới hàng nghìn năm, thậm chí là bất tử. Hoặc bạn vẫn mơ ước được làm một trong những siêu anh hùng trong phim thì ở ngoài tự nhiên lại có những loài vật tuy nhỏ bé nhưng năng lực rất đáng gờm.

Dưới đây là 7 loài động vật sở hữu năng lực phi thường đáng ngưỡng mộ trong tự nhiên sẽ khiến bạn không khỏi bất ngờ:

 1. Tôm bọ ngựa (Mantis shrimp) – Tay đấm siêu tốc

Chúng không phải tôm cũng chẳng phải bọ ngựa nhưng chúng có tên trong tiếng Anh là Mantis shrimp hay tôm bọ ngựa (tôm tít) vì chúng giống cả hai, với cặp càng giống của bọ ngựa.

Là loài sinh vật nhỏ đáng yêu với toàn thân được bao phủ lớp vỏ bảy sắc cầu vồng và đôi mắt ngốc nghếch nhưng mắt của chúng có đến 16 loại thụ thể ánh sáng khác nhau cho phép nhìn được ánh sáng cực tím, ánh sáng phân cực và các màu sắc mà con người không thể tưởng tượng được. Ngoài ra, chúng còn có khả năng di chuyển hai mắt một cách độc lập.

Tôm bọ ngựa. (Ảnh: Scuba Diving)

Điểm nổi bật ở tôm bọ ngựa không phải bề ngoài hay đối mắt mà chính là từ cặp càng của chúng. Tôm bọ ngựa có thể tung ra những cú đấm nhanh và mạnh nhất trong tự nhiên với vận tốc 53 mph (khoảng 23 m/s) cùng với 1 lực nặng gấp 1000 lần cơ thể chúng. 

Càng của tôm bọ ngựa có thể vung với tốc độ của viên đạn 0,22 ly, chúng có thể dễ dàng đập vỡ mai cua và làm bể nuôi cá bằng kính. 

2. Mực nang (Cuttlefish) – Kỹ năng thôi miên

Cũng giống như các loài mực khác, mực nang có một lớp vỏ bên lớn, con ngươi hình chữ W, 8 vòi và 2 xúc tu có các miệng hút có răng cưa để giữ chặt con mồi. 

Mực nang là một thợ săn đặc biệt vì chúng sở hữu một “siêu năng lực” cho phép chúng tạo ra một màn trình diễn ánh sáng để thôi miên con mồi của nó, thường là các loài cá nhỏ, các loài giáp xác. Khi con mồi mất kiểm soát và bị thu hút bởi màn trình diễn ánh sáng, thợ săn chờ đợi cho đến khi rút ngắn được khoảng cách với con mồi, chúng sẽ phóng ra hai xúc tu dài để tóm con mồi.

Mực nang có khả năng thay đổi màu sắc liên tục trong 1 thời gian ngắn để săn mồi. (Ảnh: newatlas.com)

Đây là 1 khả năng vô cùng đặc biệt, trong các loài mực khác chỉ đổi một màu duy nhất lúc ngụy trang để bắt mồi hay chạy trốn, mực nang lại có thể liên tục biến đổi màu sắc trong một khoảng thời gian ngắn. 

3. Chim ruồi – Kỹ thuật bay siêu đẳng

Chim ruồi là loài chim nhỏ nhất hành tinh nhưng chúng lại sử hữu tốc độ và kỹ thuật bay vô cùng ấn tượng. Trung bình mỗi giây, chim ruồi có thể bay được quãng đường dài gấp 385 lần chiều dài cơ thể. Khi bay, chúng đứng nguyên ở một chỗ và vỗ cánh liên tục, đôi cánh của chúng đập trên 70 lần/giây. 

Chim ruồi cũng là loài chim duy nhất có khả năng bay tiến, lùi, lên trên và xuống dưới, với tốc độ đập cánh siêu tốc độ. Chúng có thể đạt vận tốc tối đa lên đến 17m/s trong một lần bay để thu hút con cái và có tốc độ 11m/s trong khi bay thông thường.

Chim ruồi có khả năng bay với tốc độ nhanh và ở mọi tư thế, vị trí. (Ảnh: LiveInternet)

Ngoài ra, chúng cũng có thể bay lơ lửng trong không trung – tức là đứng yên trong không khí trong khi vẫn đập cánh, điều này giúp chúng có thể hút mật hoa dễ dàng.

4. Cá cung thủ (cá mang rổ) – “Mũi tên xanh của biển cả”

Sở dĩ chúng có tên gọi như vậy là vì khả năng bắt mồi bằng luồng nước phun trí mạng. Nhờ chiếc miệng có cấu tạo đặc biệt, nó có thể tạo ra áp suất lớn trong miệng để phun những tia nước mạnh vào mục tiêu. Cá mang rổ có thể thực hiện những cú bắn chính xác ở khoảng cách đến 2m, có thể hạ gục con mồi đang trên cây và rơi ngay xuống nước. 

Cá mang rổ có khả năng chọn vị trí chính xác và bắn luồng nước cực mạnh làm con mồi rơi xuống mặt nước từ trên cao. (Ảnh: congnghe.vn)

Cá mang rổ đã tận dụng động lực học của nước để tạo ra lực phun chứ không đơn thuần là dùng những phần cơ nội tại trên cơ thể. Cụ thể khi phun nước, cá mang rổ đã điều chỉnh vận tốc tia nước trong lúc phun để biến đổi hình dạng tia nước khi di chuyển trên không. Luồng nước phun ra mạnh gấp 6 lần so với lực cơ hàm của cá.

5. Sứa bất tử – Sinh vật duy nhất “trường sinh bất lão”

Loài sứa có tên khoa học là Turritopsis Nutricula có thể sống thọ hơn bất kì loại động vật nào khác với tuổi thọ kéo dài đến vô cực. Nó là một loài động vật gần như hoàn toàn bất tử nếu không có một tác động bên ngoài giết nó.

Sự bất tử này là nhờ vào khả năng quay ngược vòng đời của chúng từ thời kỳ trưởng thành trở lại thời kỳ sinh vật đơn bào và từ đó lại tiếp tục phát triển. Điều này được thực hiện thông qua một quá trình phát triển tế bào, mà được gọi là “sự chuyển dịch tế bào”, theo đó một dạng tế bào này có thể chuyển đổi thành dạng tế bào khác. 

Sứa bất tử có khả năng quay ngược vòng đời của chúng từ thời kỳ trưởng thành trở lại thời kỳ sinh vật đơn bào để phát triển. (Ảnh: dkhlak.com)

Về mặt lý thuyết, quá trình này diễn ra vô hạn, và dẫn đến việc loại sứa này bất tử. Mặc dù, trên thực tế sứa bất tử hay bất cứ loài sứa nào khác có thể đối mặt với nhiều vấn đề, như phải chống chọi với việc bị săn bắt hay mắc bệnh trong giai đoạn sinh vật phù du. 

6. Chim cầm điểu – Giả giọng siêu việt

Chim cầm điểu hay còn gọi là chim đàn Li-a (Lyrebird), loài động vật bản địa của Australia. Loài chim này có khả năng bắt chước tuyệt vời một dải âm thanh nào mà nó đã nghe, điều này được chúng sử dụng như một cơ chế tự vệ để đe dọa và chạy trốn khỏi các kẻ thù. 

Chim càm điểu có thể “nhái” giọng của 20 loài chim khác nhau để thu hút con cái và hót liên tục những bài hát của riêng mình. Không chỉ có thế, chúng bắt chước y hệt cả tiếng “Click” của máy ảnh và tiếng cưa máy, tiếng báo cháy, hoặc thậm chí cả xe lửa.

Chim cầm điểu có khả năng nhái giọng tài tình. (Ảnh: Mynet)

Đối với loài vẹt chỉ có thể bắt chước được một vài âm thanh hay “nhái” lại nhiều lần 1 câu nói so với chim cầm điểu chỉ là hàng tép riu. 

7. Chuột chũi không lông – “Trẻ mãi không già”

Tên gọi khác là chuột chũi hoang mạc, phân bố ở vùng Đông của Châu Phi (vùng Sừng châu Phi). Chúng có lớp da nhăn nhúm màu hồng, trụi lông và hàm răng kiếm, có xúc giác rất nhạy cảm, có thể để thay thế đôi mắt gần như mù của chúng. 

Điểm nổi bật ở loài chuột này là hầu như không có biểu hiện của sự lão hóa. Chúng loài có tuổi thọ cao hàng đầu trong họ động vật gặm nhấm và sức khỏe luôn trong tình trạng tốt nhất. Da của chúng không hề có cảm giác gì trước axit hay ớt.

Chuột chũi không lông có khả năng chống lại sự lão hóa. (Ảnh: lacienciameencanta.com)

Khả năng tuyệt vời này là nhờ chuột cũi không lông có thể loại bỏ những protein bị tổn thương một cách hiệu quả, đồng thời giữ lại những protein ổn định và có chất lượng cao. Nhờ đó mà chúng không mang những biểu hiện thông thường của sự lão hóa như suy giảm chức năng não. 

Một số nhân tố khác cũng góp phần làm tăng tuổi thọ của loài chuột dũi này phải kể đến nữa là tốc độ trao đổi chất trong cơ thể chúng rất thấp, giúp làm giảm quá trình ôxy hoá (quá trình phá huỷ tế bào). Chuột tuy rất bé nhỏ nhưng có thể sống lâu tới 26 năm hoặc hơn nữa và điều đặc biệt nhất là chúng vẫn có thể sinh sản ở tuổi rất già.

Sơn Tùng