Đây là những ảo ảnh kỳ lạ đánh lừa thị giác nổi tiếng trong tự nhiên khiến không ít người không khỏi kinh ngạc khi lần đầu chứng kiến. 

1. Thác nước “ngầm” ở Ấn Độ Dương

Một cảnh tượng hoàng tráng, sức gió quá mạnh khiến dòng thác chảy ngược lên trời, tạo nên khung cảnh ngoạn mục chưa từng thấy. Đó chính là đảo Mauritius – hòn đảo xanh mướt tọa lạc tại phía Tây Nam Ấn Độ Dương và gần đó là một thác nước kì ảo, tạo nên cảnh quan không khác gì chốn bồng lai tiên cảnh cho nơi này.

Dòng thác ngầm kỳ ảo tại quốc đảo Mauritius, Ấn Độ Dương. (Ảnh: Social Gazette)

Tuy nhiên theo các nhà khoa học, đây không phải là thác nước ngầm thực sự mà chỉ là 1 cú lừa thị giác. Thực chất hiện tượng này được tạo thành từ cát và vùng lõm với dòng nước từ khu vực đại dương này sang một khu vực khác sâu hơn rất nhiều, nằm ở phần cực Nam của đảo Mauritius. Cộng thêm màu sắc đen và trắng của cát và bùn kết hợp với các sắc độ xanh của nước biển tạo ra một ảo giác “hố sâu” dưới đáy biển. 

2. Mặt Trời giả ( Sundog)

Tên gọi khác là Mặt Trời bóng ma, chúng là những điểm sáng ở 2 bên Mặt Trời thật hay thậm chí có trường hợp tạo thành quầng sáng mờ hình vòng cung. Hiện tượng này xuất hiện khi ánh sáng Mặt Trời bi khúc xạ bởi các tinh thể băng trong không khí. 

Mặt trời giả rực rỡ trên Fargo, Bắc Dakota, Hoa Kỳ. (Ảnh: IFLScience)

Mặt Trời giả có thể được nhìn thấy ở bất cứ đâu trên thế giới trong bất cứ mùa nào nhưng chúng không luôn luôn rõ ràng hoặc sáng. Hiện tượng này thường xuất hiện khi Mặt Trời mọc hoặc lặn và dễ thấy nhất khi Mặt Trời ở vị trí thấp.

3. Ảo ảnh Fata Morgana

Điểm nổi bật của hiện tượng ảo ảnh này là sự xuất hiện của tàu thuyền, thành phố, đường bờ biển đang lơ lửng trên không phía đằng xa. 

Ảo ảnh Fata Morgana. (Ảnh: Grunge)

Nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do  ánh sáng bị bẻ cong khi đi qua lớp không khí ấm hơn so với bề mặt dưới của nó. Cụ thể; sức nóng từ Mặt Trời khiến không khí tại biển hoặc đất liền bốc hơi, khi lên cao gặp nhiệt độ càng giảm tạo thành môi trường không khí có nhiều mức nhiệt khác nhau. Lúc ánh sáng đi vào khu vực đó, chúng sẽ bị bẻ cong theo nhiều góc khác nhau. 

4. Cánh đồng muối Salar de Uyuni, Bolivia

Salar de Uyuni hay Salar de Tunupa là tên của cánh đồng muối lớn nhất thế giới nằm tại Bolivia. Hồ muối cạn này có diện tích 10582 km2 gần dãy Andes với độ cao 3650 mét. 

Nhìn từ xa, cánh đồng muối này giống như một chiếc gương phản chiếu khổng lồ khiến bầu trời và mặt đất hòa vào làm một vậy. Nền trời xanh, mây trắng và khung cảnh cảnh thiên nhiên được phản chiếu trên tấm gương ấy tạo nên một vẻ đẹp kỳ ảo nhưng cũng rất sống động, chân thực đến từng chi tiết. 

Cánh đồng muối Salar de Uyuni, Bolivia. (Ảnh: Wattpad)

Với những ai thích chụp ảnh nghệ thuật ảo giác, địa điểm này quả là nơi lý tưởng nhất để thực hiện. 

5. “Thác lửa” Horsetail, Hoa Kỳ

Thác nước Horsetail nằm ở Công viên quốc gia Yosemite ở California là thác nước chảy theo mùa vào mùa đông và đầu mùa xuân, dòng thác đổ xuống qua mặt phía Đông của núi El Capitan. Vào thời gian từ giữa đến cuối tháng 2, khi điều kiện thời tiết phù hợp, Mặt Trời lặn sẽ chiếu sáng thác nước làm cho nó phát sáng màu cam và đỏ giống như một dòng dung nham đỏ rực đang chảy xuống vách núi.

Thác Horsetail như đang đổ dung nham từ núi xuống. (Ảnh: Daily Express)

Khi hoàng hôn buông xuống, ánh sáng Mặt Trời chiếu rọi vào dòng nước đổ xuống vách đá và nhờ hiện tượng khúc xạ ánh sáng đã tạo nên màu đỏ rực cháy như ngọn lửa. Tuy vậy không phải lúc nào có ánh sánh Mặt Trời thì ngọn thác sẽ chuyển màu, chỉ khi nhiệt độ ngoài trời phải đủ ấm khiến tuyết tan, trời quang đãng và đám mây không che khuất ánh sáng thì hiện tượng tuyệt vời này mới xuất hiện.

6. “The Wave”, Arizona, Hoa Kỳ

The Wave (làn sóng) là tên của những ngọn núi hình sóng uốn lượn nằm trên sườn núi Coyote Buttes, ranh giới giữa bang Arizona và Utah, miền Tây Nam nước Mỹ. Nó mang vẻ đẹp kỳ vĩ khiến người xem tưởng rằng đó là một địa điểm ngoài Trái Đất.

(Ảnh: picbear.online)

Những cồn cát kiên cố xếp chồng lên nhau tạo thành những dải sóng uốn lượn mềm mại. Bên cạnh đó, mưa, gió và những kiến tạo địa chất còn tạo nên những kẽ nứt và hang động đầy bí ẩn.

Muối và canxi sau khi lắng đọng tạo thành những lớp đá nhiều màu sắc như đỏ, cam, vàng… Ánh sáng Mặt Trời ở từng thời điểm khác nhau sẽ tạo ra những mảng màu khác nhau. Khi ánh nắng chiếu rọi vào khe núi sẽ tạo ra một khung cảnh lung linh, huyền ảo khiến du khách như lạc vào một thế giới khác.

7. Ảo ảnh trên sa mạc

Trên sa mạc có một hiện tượng kỳ lạ mà chúng ta thấy rất nhiều trên phim là đột nhiên xuất hiện 1 ốc đảo với nước, cây cối và không khí rất mát mẻ giữa thời tiết nóng nực giữa ban ngày nhưng khi đến gần thì chẳng có gì hết. Đó là hiện tượng ảo giác tạo thành như vậy.

Ảo ảnh hồ nước trên sa mạc. (Ảnh: instazu.com)

Giống Fata Morgana, ảo ảnh sa mạc xảy ra do ánh sáng uốn cong khi di chuyển qua vùng không khí ấm, có mật độ thấp hơn. Ở sa mạc, không khí nóng nhất gần bề mặt và mát dần lên theo độ cao (do bề mặt cát nóng với mặt biển lạnh), vì thế khi ánh sáng bị khúc xạ xuống phía dưới khiến mắt chúng ta quan sát thấy màu xanh da trời (hay nước biển) bên dưới đường chân trời.

8. Mặt đường đầy nước khi trời nắng

(Ảnh: deviantart.com)

Cũng giống như hiện tượng ảo giác trên sa mạc, hiện tượng đường ướt khi trời nắng cũng là do ánh sáng bị khúc xạ tạo thành. Mặt đường giữ nhiệt và làm ấm không khí ngay phía trên nó. Não bộ của chúng ta sẽ nhận thức nhầm hình ảnh phản chiếu của đám mây trên trời là nước trên mặt đất khi phản xạ ánh sáng.

9. DEADVLEI

Ban đầu nhiều người sẽ nhầm tưởng rằng đây là một bức tranh sơn dầu thông thường nhưng thật ra không phải. Chính xác hơn là bức ảnh chụp rừng cây ở khu đất sét trắng Deadvlei, gần hồ muối nổi tiếng Sossusvlei ở Namibia, thuộc châu Phi.

(Ảnh: GreatDaily)

Deadvlei có rất nhiều cây bụi gai vẫn chưa bị phân hủy bởi vì nhiệt độ quá cao nơi đây. Bức ảnh được chụp ở góc máy thấp, bãi cát phía xa trở thành ánh mặt trời màu vàng cam rực rỡ.

10. Bóng ma Brocken

Được đặt theo tên đỉnh núi cao nhất dãy Harz, Đức; hiện tượng này thực chất là một hình người giống bóng ma tỏa ánh hào quang sắc cầu vồng hiện lên trong màn sương mù phía xa. Bóng ma chính xác là bóng của họ thôi.

Hình ảnh bóng ma Brocken. (Ảnh: Digi24)

Hiện tượng xảy ra khi ánh sáng Mặt Trời từ phía sau người quan sát đổ bóng của họ lên mây hoặc sương mù phía trước, vừa đẹp lúc đó xuất hiện cầu vồng khiến cái bóng được bao bọc trong một vầng hào quang nhiều màu sắc.

11. Cột sáng (trụ cột ánh sáng)

Là một hiện tượng quang học trong khí quyển dưới dạng một dải ánh sáng chiếu thẳng lên bầu trời.

Hiệu ứng này được tạo ra bởi sự phản xạ ánh sáng từ vô số tinh thể băng nhỏ lơ lửng trong bầu khí quyển hoặc mây, các tinh thể băng thường có hình bẹt và nằm ngang, giúp quá trình phản chiếu ánh sáng được liên tục. Hiện tượng này thường xảy ra vào mùa đông ở những vùng đất có khí hậu lạnh.

Những cây cột sáng về đêm, Cambridge Bay, Nunavut, Canada. (Ảnh: Writing is Fun-damental)

Ánh sáng có thể đến từ Mặt Trời trong trường hợp đó hiện tượng này được gọi là trụ cột mặt trời. Nó cũng có thể đến từ mặt trăng hoặc từ các nguồn trên mặt đất như đèn đường.

12. Bướm đêm

Loài bướm đêm. (Ảnh: Reddit)

Đây là ảo ảnh duy nhất từ động vật trong bài vết này. Khi bị đe dọa, bướm đêm sẽ rơi xuống đất và vỗ cánh. Cánh của chúng có hình dạng giống với đầu của loài rắn và khi chuyển động nó giống như đầu của một trong những loài bò sát nguy hiểm nhất tự nhiên đang đứng thẳng lên để đe dọa kẻ thù.

Sơn Tùng