Cùng với việc chính quyền Tổng thống Trump áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 24/9, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định giảm thuế xuất khẩu đối với cá da trơn và tôm xuất khẩu từ Việt Nam. Đây được coi là lợi thế kép giúp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng tốc trong những tháng cuối năm 2018.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đạt gần 5,6 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Đáng chú ý, đây cũng là lần đầu tiên Mỹ vượt qua thị trường Châu Âu và Trung Quốc, vươn lên vị trí dẫn đầu về mức tiêu thụ thủy hải sản Việt Nam với kim ngạch 982,9 triệu USD, chiếm 17,6% trong tổng trị giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường châu Âu đứng vị trí thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu đạt 962,21 triệu USD, chiếm 17,28% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 12%.

Chia sẻ với báo giới, đại diện Hiệp hội Chế biến thủy hải sản Việt Nam cho rằng cuộc chiến thuế quan Mỹ – Trung đang tạo ra những lợi thế nhất định cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam do nội lực của doanh nghiệp Trung Quốc có phần suy yếu.

Đặc biệt, trong số 5.800 mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị áp mức thuế 10% từ ngày 24/9 có rất nhiều mặt hàng nông thủy sản.

Quan trọng hơn, những rào cản kỹ thuật ngặt nghèo về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của Mỹ không gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam vốn đã rất có kinh nghiệm và có sự chuẩn bị rất kỹ khi tham gia vào thị trường này. Điều đó đồng nghĩa với chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế thế giới đang giúp các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để gia tăng thị phần tại Mỹ.

Thêm một yếu tố “ngoại lực” quan trọng nữa là Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định giảm thuế nhập khẩu đối với sản phẩm cá da trơn và tôm – hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ ngày 10/9 thông báo áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm của Việt Nam là 4,58% (mức thuế trước đó là 25,39%) và cá da trơn là 2,39 USD/kg (mức thuế trước đó là 3,87 USD/kg).

Ngoài ra, ngày 14/9, Cục Kiểm tra An toàn Thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đề xuất công nhận hệ thống quản lý ngành cá Việt Nam tương đương với Mỹ, đồng nghĩa với việc Mỹ đề xuất công nhận Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu cá tra vào thị trường này.

Những tin này không chỉ tạo sức bật trong hoạt động xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam mà còn góp phần khẳng định thương hiệu và chất lượng sản phẩm Việt Nam tại thị trường thế giới trong thời gian tới.

Theo đại diện Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ, sau một thời gian bị gián đoạn xuất khẩu do Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) áp dụng những quy định mới liên quan đến thủ tục đăng ký xuất khẩu hàng hóa và Luật hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm, hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt kịp yêu cầu quy định mới này và đang nỗ lực gia tăng sự hiện diện tại thị trường Mỹ.

Chia sẻ trên Dân Việt, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam tin rằng với những lợi thế về giá bán thấp, sự có mặt lâu đời tại thị trường Mỹ cộng thêm việc tôm, cá liên tục được giảm thuế chống bán phá giá, Việt Nam có thêm nhiều điều kiện để cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm thủy sản Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.

Xét về “nội lực”, lãnh đạo Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho rằng Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để đáp ứng nhu cầu đang ngày càng tăng về số lượng và cao hơn về chất lượng của các thị trường trên thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ.

Trong đó, thời tiết ở Việt Nam thuận lợi cho việc nuôi tôm quanh năm. Việt Nam cũng có trình độ nuôi tôm ở ngưỡng trên trung bình của thế giới, nhiều trại nuôi đã trình độ cao, đạt chuẩn nuôi quốc tế như ASC, BAP…

Về vấn đề chế biến, Việt Nam có gần trăm nhà máy chế biến tôm với công suất chung 500.000 tấn/năm, có thể mở rộng quy mô gấp đôi trong thời gian ngắn. Trong đó, nhiều nhà máy của Việt Nam có quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu các hệ thống phân phối lớn.

Với những “nội lực” và “ngoại lực” hiện có, nhiều ý kiến cho rằng, thủy sản Việt Nam đang có cơ hội “vàng” để chiếm lĩnh thị phần hàng Trung Quốc tại Mỹ.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu lạc quan từ thị trường Mỹ, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần phải cẩn trọng với rào cản kỹ thuật sẽ được nhiều nước dựng lên dày đặc trong thời gian tới. Hiện doanh nghiệp Việt vẫn đang nằm trong nhóm các quốc gia có số lượng trường hợp nhận cảnh báo và bị trả hàng nhiều từ thị trường châu Âu. Tính riêng ngành thực phẩm, trong năm 2017 có khoảng 92 trường hợp và từ đầu năm 2018 đến nay là 44 trường hợp.

Theo chuyên gia của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), các mặt hàng của Việt Nam bị từ chối nhập khẩu vào châu Âu chủ yếu là do vướng vấn đề an toàn thực phẩm như đóng gói chưa bảo đảm, vượt mức dư lượng kháng sinh theo tiêu chuẩn quy định… Vấn đề này sẽ có tác động tiêu cực đến độ tin cậy của nhiều thị trường khác ngoài châu Âu đến hàng hóa xuất khẩu chung của doanh nghiệp Việt.

(Tổng hợp)