Ngân hàng Thế giới vừa chỉ ra một số nguyên nhân khiến Việt Nam đang kém cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực, đó là việc kiểm tra chuyên ngành tốn quá nhiều thời gian hay hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập.
 

Trong báo cáo Điểm lại – cập nhất mới nhất về tình hình kinh tế Việt Nam công bố ngày 16/6, World Bank cho biết chi phí thương mại của Việt Nam hiện ở mức rất cao so với mức trung bình của nhóm ASEAN 4 (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines).

Báo cáo cho thấy thời gian tuân thủ kiểm tra chuyên ngành để xuất khẩu trung bình của nhóm ASEAN 4 là 24 giờ, trong khi tại Việt Nam là 50 giờ.

Tại Việt Nam, thời gian tuân thủ tại cửa khẩu đối với xuất khẩu lên tới 55 giờ, cũng cao hơn nhiều so với mức trung bình 37 giờ của nhóm ASEAN 4.

Đáng chú ý, nếu một doanh nghiệp của nhóm ASEAN 4 chỉ mất trung bình 28 giờ để tuân thủ kiểm tra chuyên ngành đối với nhập khẩu, thì tại Việt Nam một doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra gấp gần 3 lượng thời gian trên.

World Bank cho rằng việc kiểm tra chuyên ngành hiện là chi phí lớn nhất trong nhập khẩu khi chiếm tới 55% tổng thời gian, làm gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp và giảm sức cạnh tranh của Việt Nam.

World Bank: Việt Nam kém cạnh tranh trong khu vực vì chi phí thương mại quá cao
Chi phí thương mại của Việt Nam kém cạnh tranh so với khu vực. (Ảnh: TCTC)

Ngân hàng này chỉ ra rằng mặc dù hải quan là đơn vị cuối cùng chịu trách nhiệm về thông quan hàng hóa tại cửa khẩu, nhưng các cơ quan thực hiện kiểm tra chuyên ngành mới là nút thắt lớn trong chi phí thương mại.

Cũng theo World Bank, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Bộ Y tế chiếm tới 74% số biện pháp quản lý và do đó, đây sẽ là những nơi có khả năng đóng góp nhiều nhất vào giảm chi phí.

Một yếu tố nữa khiến năng lực cạnh tranh của Việt Nam kém hơn, đó là hạ tầng kết nối đang có nhiều bất cập như tốc độ tăng trưởng vận tải cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ di chuyển cùng mức tin cậy về dịch vụ vận tải thấp.

Cùng với đó, các khu vực cảng có sự chênh lệch về cung cầu. Trong khi một số cảng có mức tận dụng cao như cảng TP. HCM (94%), một số cảng khác lại quá nhàn rỗi như cảng Cái Mép–Thị Vải dư thừa tới 71%.

Các chuyên gia kinh tế của World Bank đánh giá hệ thống giao thông của Việt Nam có vẻ không đáp ứng đủ nhu cầu thay đổi về mặt hàng, đơn cử như việc mặt hàng điện thoại hiện đã xuất khẩu được 45 tỷ USD nhưng cách đây 6 năm không ai có thể hình dung được việc đó, trong khi mặt hàng này chủ yếu vận chuyển qua đường hàng không.

World Bank khuyến nghị Việt Nam nên có định hướng phát triển giao thông theo chuỗi giá trị mới có thể mang lại hiệu quả.

Minh Tuệ