Theo các nhà khoa học, nếu đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy  (tỉnh Attapeu, Lào) vừa bị vỡ có sức chứa 5 tỷ m3 nước thì hậu quả của thảm họa này sẽ rất kinh khủng, không chỉ với Lào mà cả ở Việt Nam.

Trao đổi với báo Dân Việt chiều 24/7, PGS.TS Đào Trọng Tứ – nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban sông Mekong cho rằng, nếu hồ thuỷ điện Xe Pian-Xe Namnoy chứa 5 tỷ m3 nước, thì ảnh hưởng sẽ kinh khủng. Vì sát với Lào, nên Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng rất lớn. Chỉ cần 3-4 ngày sau nước từ hồ đập này sẽ về đến đồng bằng sông Cửu Long, lúc đó các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửa Long nước lên rất nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, giao thông, nông nghiệp và nhiều tác động xã hội khác.

Video: Vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy

Nhưng, 5 tỷ m3 đã là con số chính xác? Số liệu về đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy có sức chứa 5 tỷ m3 nước được hãng thông tấn Lào LNA công bố. Cũng theo LNA, hàng trăm người mất tích và nhiều người ở 6 làng thuộc huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, đông nam Lào, được cho là đã thiệt mạng. Hiện hơn 6.600 người rơi vào tình cảnh mất nhà cửa do nước lũ.

Ông Tứ cho rằng số liệu trên chưa chính xác, bởi Lào không có hồ nào lớn để chứa được 5 tỷ m3 nước.

“Theo thông tin tôi nắm được, đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy cao 73 mét và dung tích khoảng 1 tỷ m3.

Vì chưa đi vào hoạt động, nên đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy có thể chưa tích đủ nước. Nếu cùng một lúc cả 1 tỷ m3 nước đó mà đổ xuống thì không biết hậu quả sẽ lớn như thế nào cho người dân sống ở xung quanh đó”, ông Tứ nói.

 Vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở Lào, Việt Nam có bị ảnh hưởng lớn?
Người dân bỏ chạy trước thảm họa. (Ảnh: DV)

Cũng bác thông tin “bom nước” Xe Pian-Xe Namnoy chứa tới 5 tỷ m3, GS.TSKH Phạm Hồng Giang – Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam cho rằng: “Đây là đập không lớn nằm ở nhánh sông của Lào, và cách Việt Nam khoảng 800km, dọc theo dòng sông. Chính vì vậy việc vỡ đập này sẽ không có nhiều tác động tới nước ta”.

5 ngày tới nước đổ về đến Việt Nam

Trong buổi trao đổi riêng với báo Người Lao Động tối 24/7, ông Hoàng Văn Thắng – Thứ trưởng Bộ NN&PTNN, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai khẳng định: “Dung tích toàn bộ của thủy điện này (Xe Pian-Xe Namnoy) là 1,034 tỷ m3. Đây là thông tin chính xác tuyệt đối”.

Cụ thể, đây là đập đang trong quá trình thi công và đã bắt đầu tích nước. Tuy nhiên, lượng nước tích được hiện nay chưa ai xác định rõ nên chưa thể có thông số chính xác.

Theo ông Thắng, các cơ quan khoa học của Việt Nam đã tính toán từ lưu lượng nước về từ thủy điện chặn dòng. Theo đó, các nhà khoa học đánh giá khi nước về đến Tân Châu, Châu Đốc (An Giang) có thể mực nước ở khu vực này sẽ dâng lên khoảng 5 cm so với hiện nay.

“Với khoảng cách 650 km, theo tính toán, thời gian sẽ nước từ thủy điện Xe Pien-Xe Namnoy bị vỡ về đến Việt Nam khoảng 5-6 ngày”- ông Thắng thông tin.

“Rất ít khả năng người Việt bị nạn”

Theo báo Lao Động, đến 20h tối 24/7, vẫn chưa có thông tin nào về thiệt hại đối với Việt kiều tại tỉnh Attapeu, Lào sau vụ vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy.

Tổng lãnh sự Việt Nam tại Pakse (tỉnh Champasack, Lào) thông tin, lúc này vẫn chưa có thông tin nào cho biết bà con Việt kiều bị ảnh hưởng sau sự cố vỡ đập.

 Vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở Lào, Việt Nam có bị ảnh hưởng lớn?
Nước ngập mênh mông ở tỉnh Attapeu. (Ảnh: Attapeu Today)

Ông Nguyễn Văn Thanh, một chủ doanh nghiệp ở quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng có nhiều dự án tại các tỉnh Nam Lào nói với Lao Động, rất ít khả năng người Việt bị nạn trong sự cố vỡ đập. Bởi khu vực bị ngập lũ sau sự cố vỡ đập chủ yếu người Lào sinh sống. Người Việt Nam tại Lào nói chung và Attapeu nói riêng thường chỉ sang buôn bán, khai khoáng, làm các dịch vụ liên quan đến khai thác, chế biến gỗ… nhưng thời gian gần đây đa số đã về nước.

 Vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở Lào, Việt Nam có bị ảnh hưởng lớn?
Người dân trèo lên nóc nhà chờ lực lượng cứu hộ sau khi đập thủy điện vỡ gây lũ lớn ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, đông nam Lào. Ảnh (Attapeu Today)

Tuy nhiên, theo Phóng viên TTXVN tại Lào, hiện có 26 công nhân của Công ty Hoàng Anh Gia Lai bị cô lập trong tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm tại huyện Paksong, tỉnh Champasak do ảnh hưởng của vụ vỡ đập thủy điện.

Phía công ty Hoàng Anh Gia Lai đang liên hệ để thuê trực thăng đưa các công nhân ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng sớm nhất là trong sáng mai 25/7.

Việt Anh