Giá tiêu của Campuchia đạt 15 USD/kg, Thái Lan 6 USD, trong khi Việt Nam chỉ được 5,04 USD/kg. Đáng chú ý, không chỉ thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, giá tiêu Việt Nam có thể xem là rẻ nhất thế giới dù chiếm đến 60% sản lượng giao dịch toàn cầu (năm 2017).

Theo thông tin từ hội chợ ThaiFex 2018 (Thái Lan), tiêu đen Kampot của Campuchia có giá lên tới 15 USD/kg. Đây là mức giá “trong mơ” của người trồng tiêu Việt Nam bởi giá tiêu nước ta xuất khẩu đạt mức cao nhất cũng chỉ khoảng 9,521 USD/kg (năm 2015). Nếu lấy mức giá cao nhất này so với giá tiêu hiện tại của Campuchia, giá tiêu Việt Nam vẫn thấp hơn gần 5,5 USD/kg.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xuất đến 108.000 tấn tiêu, gần bằng sản lượng tiêu của cả năm 2015. Tuy nhiên, giá tiêu bình quân hiện nay chỉ còn 3.500 USD/tấn (3,5 USD/kg). Giá xuất khẩu lao dốc, kéo theo giá tiêu nội địa hiện chỉ còn 56.000-57.000 đồng/kg, thấp nhất trong 5 năm qua.

Nguyên nhân chính khiến tiêu rớt giá thê thảm trong thời gian qua là do diện tích trồng tiêu tăng, dẫn đến mất kiểm soát cung vượt cầu.

Ngoài ra, ở khâu thương mại, khách hàng của tiêu Việt Nam chủ yếu là các nước Mỹ, Ấn Độ, Pakistan. Đáng chú ý, khách hàng Ấn Độ cũng là nước xuất khẩu tiêu lớn thứ 2 thế giới. Việc bán tiêu cho các nhà bán buôn tất nhiên khó có được giá cao.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), giá tiêu trên thị trường Ấn Độ hiện 335 Rupee/kg (tương đương trên 5 USD), cao hơn của Việt Nam hơn 1,5 USD/kg. Để hạn chế tiêu giá rẻ của Việt Nam tràn vào nước này, cuối năm ngoái Ấn Độ đã ấn định mức giá nhập khẩu tối thiểu là 500 Rupee/kg đồng thời cấm bán tiêu dưới mức 500 rupee/kg.

Liên quan đến chất lượng hạt tiêu, tờ Thanh niên  dẫn lời ông Đỗ Hà Nam, cựu Chủ tịch VPA, than phiền rằng chất lượng hồ tiêu Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính. Số lượng tiêu của Việt Nam vào châu Âu rất ít.

Ngoài ra, chia sẻ trên Vnexpress, ông Pascal Billaud, Giám đốc điều hành Central Food Retail Group kiêm Đại sứ châu Á về Chỉ dẫn địa lý của Liên Hiệp Quốc, cho biết sở dĩ tiêu Việt Nam giá thấp như vậy là do Việt Nam chưa làm tốt lợi ích của chỉ dẫn địa lý trong việc tăng năng suất cho người trồng. Các lợi ích khác về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhãn hiệu thông qua sản phẩm có chỉ dẫn địa lý cũng chưa được khai thác triệt để.

Trong khi đó, Campuchia thu hoạch được 102 tấn tiêu mang thương hiệu Kampot năm 2017, với 70% xuất khẩu và 30% bán tại các cửa hàng đặc sản phục vụ du lịch. Thương hiệu tiêu Kampot được chăm sóc rất chu đáo. Cuối tháng 3/2018 vừa qua, đích thân Bộ trưởng Thương mại Campuchia – Pan Sorasak – đã có chuyến công du tìm kiếm thị trường cho mặt hàng này ở châu Âu.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, hiện Việt Nam có 66 sản vật được Cục sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, Việt Nam thiếu một “đạo diễn” chung để phát huy gia tài này, trong khi Thái Lan, và gần đây là Campuchia đang tận dụng tốt.

“Với chỉ dẫn địa lý, tôi nghĩ Việt Nam nên đẩy mạnh phát triển nhận thức của người dân, tạo ra nhiều hình thức đào tạo, giáo dục con người . Ở Thái Lan, chúng tôi giáo dục người dân về tác động, lợi ích của chỉ dẫn địa lý. Họ cập nhật được tình hình, các chỉ số, cách bảo vệ… Vì thế, họ làm cho khách hàng tin tưởng và mua sản phẩm từ những khu vực này”, ông Pascal Billaud nói.

Nguyễn Trang