Khác với không khí khá ảm đạm tại các quầy bán bánh Trung Thu của nhiều hãng có tên tuổi, tại những cửa hàng bán bánh Trung Thu truyền thống ở Hà Nội, khách hàng tới mua bánh tấp nập từ sáng sớm, có khi còn xếp hàng dài đợi đến lượt để mua bánh.


Cứ mỗi dịp Trung Thu về, trước cửa hiệu bánh Bảo Phương (số 183 đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) lại tấp nập người mua bánh Trung Thu. Khách hàng xếp thành hàng dài, kiên nhẫn đợi mua bánh.





Ông chủ cửa hàng với hơn 60 năm lưu giữ hương vị bánh Trung Thu truyền thống này chia sẻ trên báo Dân Việt: “Tôi sống từ thời Pháp thuộc, trải qua hai chế độ nên tôi rất thấm cái chữ “tín”. Giả dụ tôi cho con cháu một ôm tiền cũng không bằng cái tín nhiệm của cửa hàng mà tôi cho chúng. Có chữ tín đã khó, giữ nó còn khó hơn. Các cụ đã dạy: “Có của không bằng giữ của” là thế. Giờ khách hàng khắp nơi đều tìm về mua bánh của tôi”.
Một tiệm bánh Trung Thu lâu đời và nổi tiếng khác là tiệm bánh Bà Dần ở 52 Hàng Bè. Nhiều người sành ăn tìm đến đây bởi hương vị thơm ngon của các loại bánh nướng, bánh dẻo.

Ban đầu chỉ là người nội trợ thường làm bánh nướng, bánh dẻo cho gia đình, người thân thưởng thức, được mọi người khuyến khích, bà Dần “mạnh dạn” làm bánh để bán, rồi dần dần bánh Trung Thu thương hiệu Bà Dần được khách hàng biết đến ngày càng nhiều và từ lâu đã trở thành thương hiệu bánh truyền thống có uy tín.
Bánh Trung Thu Bà Dần có mùi thơm nhẹ, vị bánh không ngọt sắc cũng không quá ngấy, nhiều thực khách cho rằng bánh có hương vị thơm ngon đặc biệt.

Một tiệm bánh Trung Thu truyền thống nổi tiếng khác với người Hà Thành là tiệm bánh cổ truyền Phương Soát ở Hàng Chiếu. Bánh ở đây được làm hoàn toàn thủ công từ khâu làm bánh, nhào bột, làm nhân đến đóng gói, bao bì, nhãn hiệu. Với nhân bánh đa dạng và hương vị riêng, bánh Trung Thu Phương Soát cũng nức tiếng tại phố cổ Hà Nội.

Mặc dù, tiệm không có cửa hàng mặt tiền, phải đi vào trong ngõ nhỏ tại số 75 Hàng Chiếu, rồi qua chiếc cầu thang cũ kỹ lên tầng 2, nhưng khách hàng xa gần vẫn lặn lội tìm đến mua cho bằng được để làm quà biếu ông bà hay thưởng thức bánh sau khi bày mâm cỗ trông trăng của gia đình.

Tại tiệm bánh Ninh Hương (Số 22 Hàng Điếu, Hoàn Kiếm), khách hàng cũng tới tấp nập để mua bánh truyền thống cho lễ hội trăng rằm. Là tiệm chuyên bán mứt sen, trà ướp hương sen, hương nhài nhưng cứ đến sát rằm tháng 8 thì nơi đây lại trở thành địa chỉ tìm đến quen thuộc được người dân phố cổ yêu thích.
Không cầu kỳ, hào nhoáng, những chiếc bánh Trung Thu truyền thống với các nguyên liệu “chân quê” như hạt sen, hạt dưa, đậu xanh, bí đỏ,… vẫn giữ được giá trị riêng trong tâm thức người Việt mỗi dịp Trung Thu về.
Hòa An tổng hợp
Xem thêm:
- Tại sao cổ nhân xem trọng sự trung thực và danh dự đến vậy?
- Gian nan lắm hành trình đến với con chữ của trẻ em vùng cao
- Mù Cang Chải – Chon von giữa những bậc thang lúa mùa
- Mưu sinh trong lòng cống – Nghề nạo vét cống
- Cuộc sống và hy vọng đã quay trở lại: Câu chuyện của một bệnh nhân ung thư tụy đã sống sót