Giữa trưa ngày 28/1/2009, gia đình của ông Giang Tích Thanh đã nhận được một cuộc điện thoại từ Trại cải tạo lao động Tây San Bình ở Trùng Khánh, thuộc tây nam Trung Quốc, thông báo rằng cha của họ đã đột ngột qua đời.
“Nhồi máu cơ tim (cấp tính)” là lời giải thích chính thức cho cái chết của người đàn ông 66 tuổi này. Nhưng họ vẫn nhìn thấy cha của họ vào ngày hôm trước, và sức khỏe của ông lúc đó rất tốt.
Bốn người con của ông và ba thành viên khác trong gia đình cùng lên một chiếc xe và chạy đến trại cải tạo. Ngay sau khi đến nơi, họ bị một vài lính canh người đầy mùi rượu đẩy họ vào khách sạn Yuxun gần đó.
Chờ đợi trong nhiều giờ đồng hồ, cuối cùng, họ được đưa tới nhà xác và nhìn thấy thi thể của cha mình trong một ngăn tủ đông lạnh, họ lao đến bên ông.
“Bố tôi chưa chết, ông ấy còn sống!” cô Giang Hồng, con gái lớn của ông hét lên. Họ cảm thấy mặt và ngực của ông ấm hơn bàn tay họ.
Hoảng loạn, các lính canh bắt đầu la hét và hành hung các thành viên của gia đình. “Đối mặt với cuộc tấn công bất ngờ này và đám đông lính canh, chúng tôi đau khổ, phẫn nộ, và bất lực”, con gái út của ông, Giang Lệ, đã viết trong một bản khiếu kiện trong một nỗ lực kéo dài để tìm lại công lý cho cha mình.
Điều diễn ra trong 6 năm tiếp theo là một chuỗi ngày tìm kiếm không có kết quả về cái chết của ông, và để buộc tội các quan chức Trung Quốc có liên quan. Có thời điểm, gia đình được biết rằng nội tạng của ông đã bị mổ cướp và trở thành “mẫu thử y tế.”
Cô Giang Lệ và gia đình không thể có ngày nào yên lòng, còn vụ việc thì chuyển biến theo kịch bản kinh điển của lực lượng cảnh sát: Các luật sư tham gia bào chữa đều bị theo dõi, tra tấn, đánh đập, và mua chuộc bằng những khoản tiền lớn.
Ông Giang Tích Thanh chỉ mới bị giam giữ trong trại cưỡng bức lao động được một nửa thời gian của bản án 1 năm cải tạo lao động trước khi ông qua đời; tội duy nhất của ông đó là tập Pháp Luân Công, một môn tu luyện cổ truyền bị đàn áp ở Trung Quốc trong 16 năm qua.
Nỗ lực của gia đình nhằm tìm ra sự thật về cái chết của ông Giang Tích Thanh, cùng với sự sách nhiễu mà họ phải chịu đựng, là một trường hợp điển hình trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Vào thời điểm đó, vụ án của ông Giang Tích Thanh đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, một phần vì các luật sư tham gia bào chữa đã nói với giới truyền thông và các tổ chức nhân quyền nước ngoài về sự lạm dụng quyền lực của cảnh sát Trung Quốc.
Đại Kỷ Nguyên đã xem xét một loạt các tài liệu để viết bài báo này, bao gồm: báo cáo pháp y chính thức của Viện Pháp y Trùng Khánh; một văn bản dài 43 trang bằng thổ ngữ Trùng Khánh về cuộc gặp mặt giữa các thành viên của gia đình ông Giang và các quan chức Trùng Khánh; văn bản lời khai của gia đình về hoàn cảnh dẫn đến cái chết của ông Giang Tích Thanh; và bộ hồ sơ khiếu kiện đệ trình lên các cơ quan chính quyền.
Cô Giang Lệ hiện đang sống ở New York, cô vẫn còn đau buồn và phẫn nộ, nhưng hầu hết tất cả đều bất lực về cái chết bí ẩn của cha cô. Dưới đây là câu chuyện của cô.
Chân, Thiện, Nhẫn
Trong những năm 1980 và 1990, hàng triệu người dân Trung Quốc đã đi đến các công viên, quảng trường công cộng để tập khí công, một môn rèn luyện sức khỏe của người Trung Quốc giống như Thái Cực Quyền. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ủng hộ khí công như là một phương pháp tập luyện hiệu quả mà không tốn kém khi giúp người dân trở nên khỏe mạnh, từ đó giảm bớt sự căng thẳng tài chính đối với các dịch vụ y tế nhà nước.

Pháp Luân Công, một môn thực hành khí công gồm có 5 bài tập, đã nhanh chóng trở thành một trong những môn tập phổ biến nhất sau khi nó bắt đầu được truyền ra công chúng vào năm 1992. Điểm chính của Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là khả năng nâng cao các tiêu chuẩn đạo đức: các học viên tự mình tuân thủ theo các nguyên tắc về tính trung thực, lòng từ bi và khoan dung (Chân-Thiện-Nhẫn) trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Bà Lạc Tắc Huệ, vợ của ông Giang Tích Thanh, cũng giống như nhiều người Trung Quốc khác: bà đã bắt đầu thử tập Pháp Luân Công vào năm 1996 để cải thiện các vấn đề sức khỏe. Sức khỏe và tinh thần của bà đã được cải thiện đáng kể sau đó. Trong khi giúp đỡ người vợ mù chữ của mình đọc “Chuyển Pháp Luân”, cuốn sách chính của Pháp Luân Công, ông Xiqing đã hiểu được các nguyên lý và bắt đầu tập luyện. Cặp vợ chồng già sau đó đã giới thiệu Pháp Luân Công cho con cái của họ.
Trước năm 1999, Pháp Luân Công đã rất phổ biến ở Trung Quốc – một cuộc điều tra chính thức cho thấy 70 triệu người dân Trung Quốc thường xuyên tập luyện nơi công cộng. Nguồn tin của Pháp Luân Công cho biết số lượng người tham gia tập luyện ở Trung Quốc lúc đó là hơn 100 triệu người.
‘Quá tàn ác!’
Nhưng trong con mắt của nhà lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, những người tu luyện ôn hòa này là một mối đe dọa đối với “sự ổn định xã hội”, và sự tồn tại của Đảng. Ngày 20/7/1999, ông Giang đã ra lệnh cho các lực lượng an ninh trên toàn Trung Quốc “tiêu diệt” Pháp Luân Công. Các học viên đã bị đuổi khỏi nơi làm việc, bị đưa đến các trại cải tạo lao động để chuyển hóa hệ tư tưởng, và bị tra tấn cho đến khi họ từ bỏ đức tin của mình và tuyên bố trung thành với Đảng.
Theo thống kê chưa đầy đủ của trang web chuyên đưa tin về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, Minghui.org (Minh Huệ), hơn 3.900 học viên đã bị giết chết do tra tấn và ngược đãi, và hàng trăm nghìn học viên đang phải sống cùng cực trong các trại giam. Trên 2 triệu học viên Pháp Luân Công đã bị mổ sống để lấy nội tạng, theo kết luận của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) ngày 20/6/2015.
“Cha tôi chưa chết, ông ấy còn sống!”
– Giang Hồng, con gái của ông Giang Tích Thanh
Sau khi chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu, ông Giang và bà Lạc đã đi đến Bắc Kinh để phản đối cuộc bức hại này. Ở Trùng Khánh, họ giải thích cho chính quyền về các nguyên lý của Pháp Luân Công và phản đối chiến dịch tuyên truyền kiểu Cách mạng Văn hóa như thế này của ĐCSTQ nhằm kích động sự hận thù chống lại Pháp Luân Công.
Cặp vợ chồng già đã bị bắt giữ vì đứng ra bảo vệ môn tập và bị đưa đến các lớp tẩy não ở cấp độ nhẹ. Do tuổi đã cao, nên ban đầu họ đã thoát khỏi sự đánh đập tàn bạo và cưỡng bức lao động khổ sai mà nhiều học viên Pháp Luân Công đã trải qua.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi vào năm 2008. Thế vận hội Mùa hè diễn ra tại Bắc Kinh, và thế giới đã ca ngợi Trung Quốc với sự kiện tầm cỡ quốc tế này.
Cô Giang Lệ khóc trong một buổi thắp nến tưởng niệm tại Los Angeles vào ngày 15/10/2015, trên tay cô là bức ảnh của một học viên nữ đã chết trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc. (Benjamin Chasteen / Đại Kỷ Nguyên)
Bà Lạc Tắc Huệ đã bị cảnh sát Trùng Khánh bắt vào ngày 13/5/2008, khi bà đang phân phát tài liệu về Pháp Luân Công trên đường phố. Sau đó, cảnh sát đã đột kích vào nhà của họ, lôi ông Giang Tích Thanh ra khỏi nhà khi ông đang xem bản tin cập nhật về trận động đất lớn xảy ra ở Tứ Xuyên một ngày trước đó.
Ông Giang đã bị kết án lao động khổ sai 1 năm tại Trại lao động cưỡng bức Tây San Bình. bà Lạc đã bị kết án 8 năm tù tại trại giáo dưỡng phụ nữ Vĩnh Xuân nơi bà đã bị đánh bất tỉnh ít nhất ba lần.
“8 năm! Thật là độc ác dã man”, ông Giang Tích Thanh lẩm bẩm, khi ông biết án phạt của vợ mình. Ông đã khóc.
Đó là ngày mồng 2 tết âm lịch, ngày lễ quan trọng nhất đối với các gia đình Trung Quốc.
“Cha tôi vẫn còn sống”
Vào ngày 27/1/2009, một ngày trước khi ông Giang Tích Thanh bị chết ở trong tù, gia đình ông vẫn thấy ông khỏe mạnh trong một lần hiếm hoi được vào thăm. Jiang Guiyu, cháu gái hai tuổi rưỡi của ông, đã cố gắng đưa cho ông một bắp ngô, nhưng lính canh đã không cho ông nhận. Vì vậy, đứa trẻ đã lấy một nắm lạc từ trong túi ra và đưa cho ông.
Khi họ rời đi – chuyến thăm bị dừng ngay lập tức bởi tiếng quát của lính canh – ông Giang đã hôn tạm biệt cháu gái qua khe cửa nhỏ xíu. “Chúng tôi hoàn toàn không biết rằng đây là lần cuối nhìn thấy cha mình”, gia đình kể lại trong đơn khiếu kiện.
Ngày hôm sau vào lúc 3:40 chiều, họ nhận được một cuộc điện thoại thông báo rằng ông Giang đã chết một giờ trước đó. Cuối cùng gia đình đã được đưa tới nhà xác gần trại lao động vào khoảng 10 giờ đêm.
Điều đầu tiên họ nhận thấy và là một chi tiết quan trọng của cái chết bí ẩn – đó là hơi ấm của cơ thể người cha.
Điều đầu tiên họ nhận thấy và là một chi tiết quan trọng của cái chết bí ẩn – đó là hơi ấm của cơ thể người cha, da dẻ của ông vẫn mềm ngay cả khi đã được đưa vào tủ lạnh nhà xác tới 7 giờ đồng hồ.
“Hãy đến và cứu cha của chúng tôi! Ông ấy vẫn còn sống! “, Một thành viên trong gia đình hét lên, theo trang web Minh Huệ. Họ đã cố kéo cơ thể của ông ra để bắt đầu những nỗ lực hồi sức. Số lính canh lúc đó đông hơn số thành viên trong gia đình nên họ đã bị đẩy thô bạo ra khỏi phòng, thậm chí họ không biết chắc liệu ông còn sống hay không.
Cô Giang Lệ đã chạy ra khỏi nhà xác và gọi cho cảnh sát. Khi cô gác máy, một trong những lính canh đứng cạnh quay lại, và nói: “Chẳng ích gì. Cảnh sát ở ngay đây chứ đâu.”
Không làm theo mong muốn của gia đình, cảnh sát đã hỏa táng ngay thi thể của người cha.

Che đậy
Những tháng ngày sau đó, chính quyền Trùng Khánh đã bắt đầu che đậy một cách có hệ thống.
Đầu tiên, họ đưa ra các thông báo đầy mâu thuẫn về cái chết của ông Giang. Những lời giải thích ban đầu đã nói rằng ông bị nhồi máu cơ tim do cạo gió (“gua sha”), một phương pháp điều trị y học dân gian của Trung Quốc để thông những kinh mạch bị tắc bằng cách cạo nhẹ trên bề mặt da, làm da trở nên đỏ sậm.
Sau này một chi tiết rắc rối khác được đưa thêm vào: khi các thành viên của gia đình gặp một số quan chức Trùng Khánh để có được báo cáo khám nghiệm tử thi chính thức vào ngày 27/3/2009, Zhou Bailing, một giám sát viên Viện kiểm soát tỉnh Trùng Khánh, nói rằng nội tạng của ông Giang đã bị mổ và lấy làm “vật phẩm y tế”.
Đây là bản ghi chép chính mà gia đình ghi lại trong cuộc họp. Gia đình đã đưa ra một báo cáo 43 trang về cuộc họp, cũng như dữ liệu thu âm, đã được Đại Kỷ Nguyên xem xét, cùng với báo cáo pháp y chính thức.
“Đây là hành vi vô lại”
– Zhang Kai, một luật sư nhân quyền
Trong một cuộc họp với 2 thành viên của gia đình vào tháng 6, khoảng 20 quan chức của ĐCSTQ từ Phòng 610 thành phố Trùng Khánh, Sở Công an, và các phòng ban khác bấy giờ đã khẳng định rằng không có vết thâm tím nào trên thi thể ông Giang, điều này mâu thuẫn với câu chuyện “cạo gió” mà họ từng đưa ra.
Sau đó, các quan chức đưa ra cách giải quyết vấn đề bằng tài chính, nếu gia đình dừng theo đuổi vụ kiện. Trong một cuộc đàm phán riêng cùng năm đó, Chen Jiurong, phó giám đốc sở cảnh sát Trùng Khánh, hứa sẽ đưa 300.000 NDT cho gia đình cô Giang (tương đương 47.000 USD) cộng với sự tự do tạm thời của mẹ cô nếu họ từ bỏ theo đuổi vụ kiện, cô Giang Lệ nói.
Vào năm 2012, hai cảnh sát thuộc Sở cảnh sát Trùng Khánh đã đề nghị cô Giang Lệ “đưa ra mức giá” để từ bỏ vụ kiện.
Cô Giang Lệ và gia đình không chấp nhận thỏa thuận này, và thay vào đó họ gửi đơn khiếu kiện đến các cơ quan trung ương ở Bắc Kinh để điều tra cái chết không rõ nguyên nhân của người cha.
“Việc các quan chức đề xuất trả một khoản tiền để đổi lấy sự im lặng của họ là rất phổ biến ở Trung Quốc, bởi vì những kháng nghị của người dân đến các cấp cao hơn trong bộ máy chính quyền của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự thăng quan tiến chức”, bà Sarah Cook, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Freedom House, Mỹ cho hay.
Bà Cook cho biết vấn đề ở Trung Quốc đó là:
“Chính quyền không đặt ra quy định hay xem trọng chút nào đối với mạng sống của các học viên Pháp Luân Công giống như ông Giang Tích Thanh”.
Sống dưới áp lực
Khi thấy cô Giang Lệ không chấp nhận lời đề nghị tiền bạc, thì các lực lượng an ninh Trung Quốc quay sang tấn công, đe dọa và quấy rối gia đình và cấp trên của cô.
Vào tháng 12/2009, người quản lý của cô Giang Lệ tại Shanghai Airlines đã sa thải cô. Ngay sau đó, chồng cô là một nhân viên bảo vệ nhà máy, đã đệ đơn xin ly hôn vì những áp lực không ngừng từ chính quyền.
Những người khác giúp đỡ cô cũng bị liên lụy. Ông Zhang Kai và Li Chunfu, hai luật sư tại Bắc Kinh, đã bị 20 người đàn ông phục kích tại nhà của gia đình ông Giang tại Trùng Khánh vào ngày 13/5/2009. Vụ án này đã thu hút sự chú ý rộng rãi của cộng đồng nhân quyền Trung Quốc.
Tại một đồn cảnh sát, các luật sư đã bị thẩm vấn và bị đánh đập trong nhiều giờ. Cảnh sát cũng đe dọa sẽ truy tố họ vì tham gia vào vụ việc này.
“Đây là một kiểu hành vi vô lại phổ biến. Họ chỉ muốn bắt chúng tôi và buộc chúng tôi phải rút ra khỏi vụ kiện. Họ rất sợ hãi; họ muốn che giấu điều gì đó, ” ông Zhang Kai cho biết, theo một báo cáo của tổ chức Nhân quyền ở Trung Quốc (Human Rights in China) có trụ sở tại New York.
Gần đây, cả hai luật sư này đã mất tích vào tháng 8/2015 trong một chiến dịch đàn áp quy mô lớn của chính quyền Trung Quốc nhắm vào các luật sư nhân quyền.
Liang Xiaojun, một luật sư nhân quyền ở Trung Quốc và là bạn [của gia đình Giang], cho biết trong một cuộc điện thoại vào ngày 2/11: “Họ đã bị đưa đi, tôi cũng không biết họ đang ở đâu. Tôi không thể liên lạc với họ, anh cũng không thể liên lạc với họ”.
Trong khi việc bạo hành các luật sư nhân quyền ở Trung Quốc thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, thì những vụ án chết bất thường mà họ tham gia biện hộ đã ngấm ngầm bị gạt sang bên lề.
Bà Cook nói rằng sự chú ý của cộng đồng quốc tế và nỗi sợ sự thật phơi bày có thể là nguyên nhân khiến cảnh sát trả tiền để mua sự im lặng của gia đình ông, và cũng giúp gia đình ông không bị bắt giữ.
Trong một thay đổi bất thường, cô Giang Lệ và em gái của cô đạt được bảo đảm rằng mẹ cô sẽ được thả tự do vào tháng 1/2010, đây là lần đầu tiên một học viên Pháp Luân Công ở Trùng Khánh được thả tự do sớm.
Với việc mẹ cô không còn trong tay của các lực lượng an ninh của ĐCSTQ, cô Giang Lệ đã tập trung nỗ lực để lấy lại công bằng cho cha mình.
6 năm đi khiếu kiện
Nhưng 5 năm nay vẫn chưa có kết quả. Cô Giang Lệ đã phải đi lòng vòng giữa các cơ quan chính quyền vô trách nhiệm, và bị nhốt trong nhà tù ở Thượng Hải và Bắc Kinh từ vài ngày đến vài tuần.
Sự cảm thông hiếm thấy từ 2 cán bộ Văn phòng Quốc hội vào tháng 9/2012, hầu như không giúp được gì. Khi được hỏi tại sao cô không chấp nhận khoản tiền bồi thường, Giang Lệ trả lời: “Bởi vì mạng người là vô giá.”
“Ông Giang Tích Thanh chỉ là một trường hợp nhỏ trong một loạt các vi phạm tồi tệ nhất mà các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã phải chịu đựng dưới bàn tay của chính quyền Trung Quốc, và họ cũng bị đối xử tồi tệ nhất trong số các nạn nhân trong tù”, bà Cook nhận xét.
“Điều này làm nổi rõ những nghịch lý của Trung Quốc ngày nay – một mặt là một nền kinh tế hiện đại, nhưng mặt kia lại là sự tàn sát và tra tấn dã man như thời trung cổ”, bà nói.
Năm nay, cô Giang Lệ đã được cấp thị thực du lịch và đến New York vào ngày 19/7. Cô hy vọng một ngày nào đó sẽ đưa vụ án của cha mình ra trước Liên Hợp Quốc.

Hiện cô đang sống tại khu cộng đồng người Hoa ở Flushing, Queens. Cô thường kể lại câu chuyện của mình cho khách du lịch Trung Quốc đi bộ qua Quảng trường Thời đại.
“Tôi kể câu chuyện của mình cho tất cả mọi người,” cô Giang nói. “Những gì tôi nói là sự thật. Tất cả là sự thật.”
Cô Giang cũng là 1 trong số gần 190.000 học viên Pháp Luân Công đã nộp đơn khiếu kiện hình sự đối với cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, người chủ mưu phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Nhưng có khả năng phải đến khi Trung Quốc không còn sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc nữa thì cô mới nhận được câu trả lời về cái chết của cha mình.
Frank Fang, Juliet Song, and Matthew Robertson cùng đóng góp cho bài viết này.
Tâm Minh biên dịch
Xem thêm: