“Trở về nơi hoang dã”, cuốn sách kể về hành trình thú vị của cô gái 9x, nhỏ bé, vượt qua nỗi sợ, khó khăn, thử thách và cả căn bệnh ung thư tới một nơi hoàn toàn xa lạ để bảo vệ các loài động vật hoang dã. 

‘Trở về nơi hoang dã’ và hành trình quả cảm của cô gái nhỏ Trang Nguyễn
Cuốn sách là hành trình bảo vệ động vật hoang dã của cô nàng 9x Trang Nguyễn tại Châu Phi. (Ảnh: Nhã Nam)

Trở về nơi hoang dã ghi lại hành trình năm năm theo đuổi đam mê của nhà bảo tồn động vật hoang dã Trang Nguyễn. Bắt đầu từ lời hứa năm nào với chú gấu tội nghiệp bị nhốt lấy mật, cô gái 9x nhỏ bé quả cảm đã thực hiện những những chuyến đi xuyên địa cầu, đương đầu với những khó khăn cả về vật chất và tinh thần, thậm chí cả căn bệnh ung thư khi đơn độc ở đất khách quê người.

Trở về nơi hoang dã không chỉ kể về hành trình của Trang Nguyễn mà còn đầy ắp thông tin về môi trường và tình cảm dành cho mẹ thiên nhiên. Cuốn sách sẽ là một cẩm nang thiết thực về việc bảo vệ Trái đất thân yêu cho mỗi người.

Trở về nơi hoang dã được minh họa bởi họa sĩ Đào Văn Hoàng, một người tâm huyết và gắn bó sự nghiệp nghệ thuật với công tác bảo tồn động vật hoang dã.

‘Trở về nơi hoang dã’ và hành trình quả cảm của cô gái nhỏ Trang Nguyễn
Cô bạn 9x Trang Nguyễn với tình yêu vô hạn dành cho thiên nhiên và các loài động vật hoang dã. (Ảnh: Nhã Nam)
‘Trở về nơi hoang dã’ và hành trình quả cảm của cô gái nhỏ Trang Nguyễn
Trang Nguyễn trong thời gian tham gia bảo vệ động vật hoang dã tại Châu Phi. (Ảnh: Nhã Nam)
‘Trở về nơi hoang dã’ và hành trình quả cảm của cô gái nhỏ Trang Nguyễn
Cuốn sách Trở về nơi hoang dã còn cho biết rất nhiều thông tin về thiên nhiên, các loài động vật và cả con người Châu Phi. (Ảnh: Nhã Nam)

Cách viết, lối kể chuyện giản dị nhưng vẫn đầy màu sắc, đôi khi lại rất dí dỏm, và đôi khi ngập tràn cảm xúc mãnh liệt, làm cho người đọc cứ bị cuốn hút để lật tiếp hết trang này tới trang khác, chắc chắn không phải là một kỹ năng mà nhà khoa học, nhà bảo tồn nào cũng có được.” – Hồng Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) nhận định.

Trang cũng quý hiếm như thiên nhiên hoang dã mà cô yêu, không chỉ bởi cô là một người Việt Nam với bộ hồ sơ đáng ngưỡng mộ với nền tảng giáo dục quốc tế và kinh nghiệm thực tế, mà còn bởi cô là phụ nữ. Không chịu khuất phục trước những định kiến xã hội, những gì Trang làm được có tính tiên phong và lan tỏa. Để ngành bảo tồn tiến xa hơn ở Việt Nam trong việc bảo vệ những loài quý hiếm đang bị đe dọa, không thể thiếu được những người như Trang.” – Josh Kempinski, Giám đốc Chương trình Việt Nam, Fauna & Flora International .

Tác giả Trang Nguyễn sinh năm 1990, là một nhà bảo tồn động vật hoang dã. Bắt đầu tham gia các hoạt động về bảo tồn động vật hoang dã từ năm 16 tuổi, Trang Nguyễn là người sáng lập và điều hành tổ chức WildAct tại Việt Nam.

Trang Nguyễn đang thực hiện các dự án bảo tồn động vật hoang dã ở Nam Phi, Campuchia và Việt Nam. Cô hiện đang là đại sứ cho quỹ United for Wildlife của Hoàng gia Anh.

Năm 2018, Trang Nguyễn được nhận giải thưởng Future for Nature cho các nhà bảo tồn động vật hoang dã quốc tế, lọt vào danh sách 30 Under 30 Forbes Vietnam và Women of the Future – South East Asia.

Trong Tuần lễ nâng cao nhận thức về tê giác năm 2014, theo ý tưởng của Hoàng tử Anh William, Trang Nguyễn được dựng thành nhân vật trong trò chơi điện tử RuneScape, thu hút hơn 2 triệu lượt người chơi chỉ sau một tuần ra mắt.

Một trong những trích đoạn tiêu biểu trong cuốn sách Trở về nơi hoang dã:

“Lúc ấy, mới 8 tuổi, tôi vẫn chưa thực sự hiểu họ tra tấn chú gấu như thế để làm gì. Nhưng cái mùi hôi, trộn lẫn mùi phân và nước tiểu, tiếng rên rỉ, và gào thét trong đau đớn, hình ảnh chú gấu bị trói nằm giữa sân ngày hôm đó, cho đến bây giờ vẫn luôn hiện lên trong tâm trí. Tôi không thể nào quên.

Buổi tối ngày hôm đó, tôi trèo lên sân thượng, nhìn về phía căn nhà có nuôi giữ gấu ấy, thầm xin lỗi chú gấu vì không biết phải làm gì, và không thể làm được gì. Tôi tự hứa, khi lớn lên, nhất định tôi sẽ không để con người hành hạ gấu, hay bất cứ loài động vật nào như thế nữa. Nhất định, tôi sẽ làm bảo tồn động vật hoang dã.”

“Đoàng… Đoàng…Đoàng…

Đoàng…

– Cái gì thế?

– Chị Blaire chạy ra từ khu lều đất chính, hốt hoảng.

– Hình như là… – Tôi trả lời, nghe tiếng tim mình đập thình thịch.

– Tiếng súng! – Chú Malcolm tiếp lời, nhìn đăm đăm về hướng hai giờ.

Tất cả chúng tôi đứng đó, ngay giữa sân chung trong khu lều đất dành cho những người làm nghiên cứu, đắm mình trong ánh trăng sáng vằng vặc. Ừ, hôm nay là đêm trăng 17, trăng vẫn còn tròn, vẫn còn sáng lắm. Ở những nơi khác trên Trái đất, đêm trăng sáng thật là đẹp, ai cũng có thể ngắm nhìn ánh sáng này mà ngưỡng mộ sự dịu dàng, man mác màu bạc của trăng. Nhưng ở đây, ở lục địa Châu Phi này, chúng tôi gọi những đêm trăng sáng như thế là huyết nguyệt.

Vì vào những đêm trăng như thế này, lượng tê giác hay voi bị giết có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba ngày thường. Chỉ ở riêng vườn quốc gia Kruger tại Nam Phi thôi, một đêm trăng sáng có thể dẫn đến 8 chú tê giác bị giết hại…”

“Niềm hy vọng có thể cho ta sức mạnh để tiếp tục bước tới. Vì vậy mà, ngay cả trong những lúc tuyệt vọng, buồn chán nhất, tôi vẫn tin rằng có một niềm hy vọng dành cho sự sinh tồn của các loài động vật và thiên nhiên hoang dã trên Trái đất này. Niềm hy vọng ấy cần được nuôi dưỡng, không phải chỉ bởi những người làm bảo tồn như chúng tôi, mà còn là cả từ những hành động tưởng chừng như nhỏ bé của tất cả các bạn nữa.”

Như Quỳnh