Chuyên mục TIN TỐT ĐẸP ngày 8/10 xin gửi tới quý độc giả bản tin ‘Cậu bé miền núi 7 năm làm đôi chân đưa bạn đến trường’

Dù hoàn cảnh cũng khó khăn nhưng Khanh vẫn ngày ngày kiên trì đưa người bạn tật nguyền đến trường. Hai cậu bé người Thái đã dệt nên câu chuyện cổ tích về tình bạn đẹp ở huyện miền núi Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.

Chuyện cổ tích giữa đời thường: Lá rách đùm lá rách hơn 

Sinh ra không được may mắn như bao bạn nhỏ khác, Vi Nhật Cảnh (sinh năm 2005, xã Châu Hạnh, Quỳ Châu) bị căn bệnh bại não khiến chân tay co quắp, đi lại hết sức khó khăn.

Chị Vi Thị Hồng, bác của Cảnh cho biết: Cảnh mồ côi bố, mẹ đi bước nữa nhưng mẹ Cảnh đi lại cũng rất khó khăn. Lên 6 tuổi, Cảnh cũng đòi đi học như các bạn. Thương cháu, bác Hồng hàng ngày đưa Cảnh đến lớp rồi nháo nhào trở về, lo cho những đứa con của mình.

Hết giờ học, Tuấn Khanh giúp bạn xếp sách vở vào ba lô rồi khoác cả hai ba lô lên người mình. Nhật Cảnh bám vào tay bạn, bước khó nhọc xuống sân trường để về nhà. (Ảnh: Dân trí) 

“Thương cháu lắm nhưng tôi còn công việc, còn nhà cửa, còn các con, các cháu nữa. May có cháu Tuấn Khanh giúp đưa Cảnh đi học, nếu không tôi cũng không biết phải làm sao”, chị Hồng nói.

Báo GD&TĐ đưa tin, cũng không khá hơn hoàn cảnh của Cảnh là bao, nhà Khanh thuộc diện khó khăn nhất bản. Bố mẹ Khanh vì bệnh tật quanh năm đau yếu triền miên. Là con đầu nên dù mới 11 tuổi, Khanh đã phải cùng bà nội 75 tuổi cáng đáng việc nhà.

Thế nhưng số phận không dập tắt được niềm đam mê cái chữ của hai cậu bé, dù đường tới trường có gập ghềnh đến đâu. Từ nhà Cảnh tới trường dài khoảng 1,5 cây số. Để có thể đến trường, Khanh cùng bạn phải mất tầm 30 phút đi bộ. Tất nhiên, với những học sinh vùng cao, việc hằng ngày phải cõng bạn trên lưng đến trường thì chẳng hề dễ dàng.

Làm đôi chân đưa bạn đi học, 7 năm không để bạn nghỉ học 1 buổi nào

Ngày nắng cũng như ngày mưa, Khanh vẫn miệt mài cõng bạn đến trường. (Ảnh: Thế Giới Mới)

Đôi chân đi như lết, bước một cách xiêu vẹo, khó nhọc, thậm chí có những lúc đang đi bỗng khuỵu cả xuống nhưng suốt 7 năm học vừa qua, Cảnh vẫn đều đặn đến trường. Con đường đến trường của Cảnh in dấu chân của cậu bạn cùng bản Vi Tuấn Khanh.

Sáng sớm, lót dạ bằng bát cơm nguội, Tuấn Khanh sang nhà, chở Cảnh đi học. Nếu chặng đường từ nhà đến Tiểu học Châu Hạnh khoảng 2km thì lên cấp 2, nhà cách trường đến gần 10 cây số nhưng chưa bao giờ Tuấn Khanh để bạn phải nghỉ học vì mình, theo báo Dân Trí.

Vi Tuấn Khanh: “Cháu thương bạn nên muốn giúp bạn đi học. Giờ cháu lớn rồi, cõng hay chở bạn không thấy nặng nữa”. (Ảnh: Dân trí)

“Thấy bạn cảnh như thế, em thương lắm. Mẹ em cũng thương bạn Cảnh. Mẹ nói em giúp bạn ấy đi học. Hồi học lớp 1, còn bé, chưa đủ sức cõng bạn Cảnh thì em dìu bạn đi. Trường gần nhà nên chỉ cần đi học sớm một tí cũng kịp giờ lên lớp.

Lên lớp 3, em khỏe hơn bạn Cảnh nên em cõng bạn ấy. Sau đó thì mẹ bạn Cảnh mua cho một chiếc xe đạp, ngày ngày em chở Cảnh đến trường. Năm ngoái lên cấp 2, phải vòng lên thị trấn học, đường xa hơn nên bố mẹ bạn Cảnh mua một chiếc xe đạp điện để chúng em đến trường”, cậu bé có khuôn mặt khôi ngô và đôi mắt rất sáng, kể.

Bằng tuổi Khanh nhưng bệnh tật hành hạ khiến Cảnh trông bé như cậu học trò lớp 5, lúc nào cũng khép nép bên bạn. Trái lại, Tuấn Khanh luôn thể hiện là một người anh trai, bao bọc, che chở và giúp đỡ người bạn của mình. 6 năm qua, cậu bé Nhật Cảnh chưa một lần phải nghỉ học nếu không vì sức khỏe quá yếu.

Dù đôi chân tật nguyền nhưng Vi Nhật Cảnh chưa phải nghỉ học buổi nào. 7 năm nay, cậu học trò này đến trường bằng đôi chân của người bạn cùng bản Vi Tuấn Khanh. (Ảnh: Dân trí)

“Tuấn Khanh ít ốm lắm, mà có ốm cũng toàn ốm vào dịp nghỉ hè thôi. Còn mùa đông hay mùa hè, trời mưa hay nắng, bao giờ bạn ấy cũng đến nhà đưa em đi học, hết giờ lại về. Hồi còn bé, đường xấu quá, có hôm chúng em ngã lăn quay ra đường. Chẳng thấy đau gì đâu, hai đứa lồm cồm bò dậy, nhìn nhau cười ngặt nghẽo”, Nhật Cảnh vui vẻ kể.

Khanh được mẹ sắm xe đạp điện để tiện đưa bạn đi học (Ảnh: Dân Trí)

Hiện, Cảnh và Khanh đang học lớp 7A4, Trường THCS Hạnh Thiết (thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu, Nghệ An). Lên cấp 2, đường xa hơn, chương trình học nặng hơn nên thành tích học tập của Vi Tuấn Khanh và Vi Nhật Cảnh không còn được như những năm học tiểu học. Hai cậu bạn buồn lắm, động viên nhau cố gắng hơn nữa.

Hỏi về ước mơ, cả Tuấn Khanh và Nhật Cảnh đều cười. Hai em chưa nghĩ xa đến thế mà chỉ mong có sức khỏe để cùng nhau đi hết chặng đường học THCS rồi học lên THPT.

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!

———–

DKN.TV
Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News