Chuyên mục TIN TỐT ĐẸP ngày 28/12 xin gửi tới quý độc giả bản tin: ‘Chàng trai xứ Thanh dựng cơ nghiệp từ nghề làm ống hút bằng tre’

Trong câu chuyện với VnExpress về hành trình vươn lên từ “lũy tre làng”, chàng trai Lê Xuân Hà (xã Tân Thành, Thường Xuân, Thanh Hóa) không giấu diếm thu nhập hiện tại của anh đang ở mức trên 50 triệu đồng một tháng. Điều đáng nói, để có thu nhập mức “không tưởng” với rất nhiều người, Hà chỉ dựa vào… tre nứa.

“Tháng 11 hàng năm khi thời tiết chuyển lạnh là lúc cây tre ngừng sinh trưởng. Thời tiết khô hanh nên thân cây ít nước, ít dưỡng chất, rắn chắc, không bị mối mọt”, Hà cho biết. (Ảnh: VnExpress)

Ý tưởng dùng tre, nứa chế tạo ra các sản phẩm hữu dụng cho con người mà lại thân thiện với môi trường được Hà ấp ủ từ lâu. Học giỏi nhưng vì hoàn cảnh gia đình, nên Hà phải hai lần bỏ dở đại học. Nhưng chính quãng thời gian chông chênh đó, chàng trai này đã tìm hiểu để làm ra chiếc thìa bằng tre nứa đầu tiên. Nhiều sản phẩm sau đó ra đời và phát triển mạnh nhất là ống hút bằng tre.

Nguyên vật liệu mua từ người dân đi khai thác về sẽ được phơi khô và tập kết lại nơi thoáng mát để tránh mối mọt. (Ảnh: VnExpress)

Nguyên liệu dùng chế tạo khá sẵn, chủ yếu mọc ngoài bìa rừng, ven suối. Khóm cây nứa trồng hoặc mọc tự nhiên sau 7 năm có thể khai thác, thân cây to bằng ngón tay, dài 3-5 mét.

Một chiếc ống hút tre phải trải qua 10 công đoạn, hoàn toàn thủ công. Mỗi ngày có gần 10 người thực hiện đánh bóng ống trên máy. (Ảnh: VnExpress)

Có lượng khách đông đảo, Hà mở xưởng lớn, có cả chục người làm. Mỗi nhân công được anh trả 20.000 đồng/giờ.

Chiếc nồi hơi được xếp ống hút, đổ đầy nước và thêm muối để phòng chống mối mọt. (Ảnh: VnExpress)

Hiện có ba loại ống phân theo cấp 1-2-3 và giá thành từ 1.000 đến 5.000 đồng/ống. Hà cho biết, hiện xưởng có 10 sản phẩm từ tre, nứa. “Mỗi tháng xưởng làm ra 50.000-100.000 ống. Doanh thu từ ống hút là 50 triệu đồng/tháng”.

Các sản phầm từ tre, nứa trong xưởng của Hà. (Ảnh: VnExpress)

Cách Lê Xuân Hà hơn nghìn cây số, cũng có một chàng trai làm giàu từ thứ chẳng mấy ai nghĩ tới, thậm chí là “cả làng vứt đi”. Đó là Trần Văn Quyết (sinh năm 1990, quê ở xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, Bình Phước).

Đang làm ở TP.HCM với mức lương 10 triệu đồng, Quyết về quê mở công ty chế biến dầu điều. Tuy nhiên, sản phẩm mà anh hướng đến không phải dầu ép từ hạt mà là… vỏ hạt điều.

“Trong một lần lên mạng, tình cờ tôi được biết dầu chiết xuất từ vỏ hạt điều là nguyên liệu quý để sản xuất những sản phẩm có giá trị cao như vật liệu kết dính, chất chống ăn mòn kim loại, vật liệu cách điện, bo mạch các sản phẩm điện tử, chế phẩm bảo quản lâm sản, ngâm tẩm xử lý gỗ xây dựng”, Quyết chia sẻ với Báo Bình Phước.

Vỏ hạt điều đã giúp chàng trai 9X thành tỷ phú. (Ảnh: Báo Bình Phước)

Đầu tư hơn 3 tỷ vào nhà xưởng, máy móc, trải qua những thất bại ban đầu, đến nay Quyết đã có trong tay nhà xưởng rộng 2.000m2, kho chứa nguyên liệu hơn 1.000 tấn, bể chứa dầu điều hơn 200 tấn cùng hệ thống máy ép, máy xúc, máy lật, trạm cân…; năng lực sản xuất tăng từ 40 tấn/ngày lúc mới thành lập lên hơn 100 tấn/ngày, trung bình mỗi ngày công ty xuất 20 tấn dầu điều thô.

Anh Trần Văn Quyết giới thiệu hệ thống máy ép dầu điều của công ty. (Ảnh: Báo Bình Phước)

Mỗi năm, công ty của anh thu về hơn 1 tỷ đồng lợi nhuận; đồng thời giải quyết việc làm cho 5 lao động với mức thu nhập 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!

DKN.TV
Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News