Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh muốn rời Liên đoàn, Tổng cục TDTT lập tức vào cuộc

Dantri – Theo dự kiến, Đại hội khóa VII Liên đoàn bắn súng Việt Nam được tổ chức trong tháng 6. Đại hội này đã bị trì hoãn gần 2 năm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, nguyên nhân chính được cho là thời gian qua nội bộ của Liên đoàn không tốt đẹp.

Đó là lý do mà Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung và HLV trưởng Hoàng Xuân Vinh đồng loạt không tham gia nhiệm kỳ VII (2022-2026).

Được biết, không chỉ có hai nhân vật rất quan trọng nói trên rút lui, mà nhiều thành viên ban chấp hành khóa VI cũng không muốn tiếp tục làm việc ở Liên đoàn trong nhiệm kỳ mới.

Liên đoàn bắn súng Việt Nam từng là một trong những Liên đoàn kiểu mẫu, nhưng vài năm trở lại đây xuất hiện nhiều chuyện mâu thuẫn nội bộ không thể giải quyết.

Thậm chí một thành viên ban chấp hành Liên đoàn mới đây đã nói thẳng trước báo chí về sự mất đoàn kết của đội ngũ lãnh đạo, điều này gây ảnh hưởng tới gần như mọi quyết sách, gây tâm lý hoang mang với những người trong cuộc.

Cả Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung và HLV trưởng Hoàng Xuân Vinh đều là những người có công rất lớn với bắn súng Việt Nam, mà đỉnh cao là tấm HCV, HCB Olympic 2016. Tuy nhiên cả hai đã không còn mặn mà cống hiến khi chuyện nội bộ có nhiều vấn đề.

Mới đây lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể Thao (Tổng cục TDTT) đã lập tức vào cuộc, muốn tổ chức một cuộc làm việc giữa Chủ tịch Liên đoàn bắn súng Việt Nam là ông Đỗ Văn Bình, với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, HLV Nguyễn Thị Nhung.

Mục đích của cuộc làm việc này là tìm được tiếng nói chung giữa các bên, qua đó cùng vì sự phát triển của môn bắn súng – một trong những thế mạnh của Việt Nam và có cửa tranh huy chương ở Olympic.

Vì sao có con số 72% phụ huynh ‘đồng ý’ tăng học phí

Laodong – Theo Khảo sát của ngành Giáo dục và đào tạo Hà Nội mới đây cho thấy, hơn 53.700 người được khảo sát đồng ý với dự kiến mức thu học phí, chiếm hơn 72%. Con số này đang khiến dư luận hoài nghi về tính xác thực của việc “lấy ý kiến”

Theo dõi tin tức trên các kênh thông tin truyền thông đại chúng, chị Nguyễn Thị Minh Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ sự nghi ngờ:

Chị hương nói, “Tỉ lệ 72% đồng ý tăng học phí lấy ở đâu ra? Nếu được hỏi, lớp các con tôi chỉ 1-2 phụ huynh đồng ý việc tăng học phí, còn lại đều phản đối. Và chị khẳng định, chị chưa hề nhận được bất kỳ thông tin nào từ phía nhà trường về việc lấy ý kiến phụ huynh. Mọi con số, thông tin chỉ do đọc báo mà biết. 

Chị Hoàng Thị Hiên (Phúc Thọ, Hà Nội) cũng khẳng định, trong số 72% người đồng ý kia chắc chắn không có gia đình chị và rất nhiều phụ huynh khác trong lớp. 

“Dịch bệnh vừa đi qua, chúng tôi còn rất nhiều khoản phải chi trả. Hơn nữa, mức học phí tăng như vậy không phù hợp với những gia đình nông thôn.

Vậy nên việc 72% người dân đồng tình với dự kiến mức thu học phí khiến tôi khá ngạc nhiên. Dựa vào đâu để có con số như vậy?” – chị Hiên băn khoăn.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội, kết quả lấy ý kiến này được thực hiện theo hình thức các phòng giáo dục, các trường công lập thực hiện. 74.000 người tham gia ý kiến là cha mẹ có con học tại cơ sở giáo dục công lập và cán bộ giáo viên các trường.

Quy trình thực hiện khảo sát diễn ra như sau: Sở GDĐT xây dựng mẫu phiếu lấy ý kiến gửi đến các phòng giáo dục các quận huyện, thị xã. Các phòng giáo dục gửi phiếu lấy ý kiến đến các nhà trường. Sau khi hoàn thành xong, các trường gửi lên phòng giáo dục. Các phòng giáo dục là đơn vị cuối cùng tổng hợp, xác nhận và gửi Sở GDĐT.

 Đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho hay,Sở GDĐT chỉ yêu cầu khảo sát đối với cấp mầm non và THCS, lấy tối thiểu 15 đơn vị cho mỗi cấp. Mỗi cơ sở giáo dục công lập lấy tối thiểu 20 ý kiến đóng góp.

Theo số liệu thống kê của Phòng GDĐT huyện Hoài Đức, việc khảo sát được thực hiện đối với 15 trường mầm non, 15 trường THCS, mỗi trường khảo sát 20 giáo viên, 20 phụ huynh. Tỉ lệ đồng ý với dự thảo tăng học phí là 60%”.

Tại nhiều quận, huyện khác, việc lấy ý kiến cũng được thực hiện với số lượng mẫu rất ít. Lý giải về việc tại sao việc lấy mẫu khảo sát không thực hiện trên diện rộng, lấy ý kiến tất cả phụ huynh ở các trường công lập, lãnh đạo 1 phòng GDĐT cho rằng, đơn vị chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Sở GDĐT và “Sở chỉ yêu cầu lấy số lượng mẫu như vậy”. 

Dù nói là “lấy ý kiến” nhưng thực tế, việc khảo sát chỉ diễn ra với số lượng mẫu rất ít. Điều này khiến không ít phụ huynh băn khoăn, hoài nghi về độ chính xác của dữ liệu.

Thêm 2 đại học tăng học phí khoảng gấp đôi

VnExpress – Học phí tại hai đại học Luật và Dược Hà Nội đều tăng khoảng gấp đôi so với năm ngoái.

Theo đề án tuyển sinh chính thức, được trường Đại học Luật Hà Nội công bố ngày 21/6, học phí năm học 2022-2023 được chia thành ba mức tương ứng với ba chương trình.

Chương trình đại trà 20 triệu đồng một năm, tương đương 572.000 đồng/tín chỉ, chương trình chất lượng cao 50 triệu đồng (1,6 triệu đồng/tín chỉ). Chương trình liên kết với Đại học Arizona (Mỹ) có học phí cao nhất: 233,3 triệu đồng.

Với các khóa tuyển sinh trước 2022, học phí mỗi tín chỉ dao động 429.000-438.000 đồng, tương đương 15 triệu đồng một năm.

Năm ngoái, học phí của Đại học Luật Hà Nội từ 280.000 đến 290.000 đồng/tín chỉ học tập chuyên môn, 990.000-1.015.000 đồng/tín chỉ thuộc các môn cơ sở ngành, tin học, ngoại ngữ. So với năm nay, học phí năm ngoái thấp hơn gần một nửa.

Đại học Dược Hà Nội cũng vừa thông báo học phí mới trong đề án tuyển sinh. Tại chương trình đại trà, học phí được thực hiện theo Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ; cụ thể ngành Dược 24,5, ngành Hóa dược 18,5, hai ngành Công nghệ sinh học và Hóa học 13,5 triệu đồng một năm.

Với hệ chất lượng cao, học phí năm học tới là 45 triệu đồng một năm. Nhà trường lưu ý, mức học phí hàng năm có thể được điều chỉnh để phù hợp với chi phí đào tạo thực tế. Mức tăng không quá 10% so với năm liền trước trong ba năm đầu, và 5% cho hai năm sau.

Năm 2021, trường Dược Hà Nội không quy định học phí với hệ chất lượng cao trong đề án tuyển sinh, hai chương trình còn lại là Dược học và Hóa dược 14,3 triệu đồng, thực hiện theo quy định của chính phủ với khối ngành y dược.

Trước đó vào đầu tháng 4, trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng công bố học phí dự kiến của năm 2022 là 42 triệu đồng một năm, cao hơn mức thu năm 2021 khoảng 0,7-1,3 triệu đồng, tương đương tăng 20-37%.

Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, học phí tính theo tín chỉ. Trừ các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị được miễn, học phí hệ đại trà dự kiến 440.000 đồng/tín chỉ, hệ chất lượng cao 1,32 triệu đồng/tín chỉ. Hai mức này tăng lần lượt gần 60% và hơn 70% so với học phí năm 2021 với 276.000 (hệ đại trà) và 771.000 (hệ chất lượng cao).

Theo lý giải của các trường, học phí tăng bởi các đại học phải xây dựng khung mới, theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ.

Trung Quốc xôn xao về mức tăng xuất khẩu của Việt Nam

Tuoitre – Theo báo South China Morning Post ngày 24-6, tranh cãi đang dấy lên tại Trung Quốc sau khi Việt Nam công bố xuất khẩu quý đầu năm 2022 đạt 88,58 tỉ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Truyền thông Trung Quốc quy đổi kim ngạch xuất khẩu quý 1-2022 của Việt Nam thành 564,8 tỉ nhân dân tệ, vượt xa so với 407,6 tỉ nhân dân tệ kim ngạch xuất khẩu của thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) trong 3 tháng đầu năm.

Theo South China Morning Post, Trung Quốc đang lo lắng mất đi danh hiệu “công xưởng thế giới” giữa bối cảnh các áp lực từ bên ngoài tăng lên, trong đó có thể kể đến chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và chiến sự Ukraine.

Các xung đột địa chính trị này đang buộc các nước đánh giá lại nguy cơ phát sinh từ việc chuỗi sản xuất quá phụ thuộc hay tập trung tại một vài địa điểm nhất định.

Sự lo lắng tại Trung Quốc đã tăng thêm sau thông tin về tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong quý 1-2022.

Ông Tang Jie – giáo sư kinh tế và là cựu phó thị trưởng Thâm Quyến, cho hay các ngành công nghiệp sẽ chuyển sang Đông Nam Á khi khoảng cách phát triển kinh tế giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ngày càng mở rộng.

Ngoài ra, ông Peng nhận định việc so sánh Việt Nam với Thâm Quyến có phần khập khiễng. Dân số của Việt Nam bằng khoảng 78% của tỉnh Quảng Đông, lớn hơn nhiều so với Thâm Quyến.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Yao Yang của Đại học Bắc Kinh nhận định năng lực sản xuất tăng lên của Việt Nam vẫn chưa thể ảnh hưởng đến danh hiệu “công xưởng thế giới” của Trung Quốc, ít nhất là trong vòng 30 năm tới.

Theo chuyên gia này, các hoạt động sản xuất đang rời Trung Quốc đến Đông Nam Á chủ yếu là hàng hóa có giá trị gia tăng thấp. Và việc này đã diễn ra trong vài năm qua, không có gì mới lạ.

Có thể bạn quan tâm: