Mục lục bài viết
Quảng Ninh: Điều tra vụ 7 người ở Hạ Long bị tạt axít
Thanh Niên – Tối 20/3, thông tin từ Công an TP.Hạ Long cho biết, đang điều tra vụ tạt axít khiến 7 người bị thương xảy ra tại P.Hà Tu (TP. Hạ Long).
Trước đó, vào khoảng 19 giờ 50 ngày tại tổ 7, khu 2, P.Hà Tu (TP. Hạ Long), ông Trương Đức Quang xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến cãi nhau với bà Nguyễn Thị Tuyên (58 tuổi, đều trú tại tổ 11, khu 5, P.Hà Tu, TP. Hạ Long) và 5 người trong gia đình bà Tuyên.
Sau hồi cãi vã, ông Quang đã vào nhà lấy 2 ca chất lỏng nghi là axít tạt vào những người đang đứng ven đường khiến 7 người bị chất lỏng nghi axít bắn vào người.
Đáng chú ý, trong số các nạn nhân có 2 người: ông Trương Đức Q. (62 tuổi, trú tại tổ 7, khu 2, P.Hà Lầm, TP. Hạ Long) và cháu ngoại là Đ.A.M. (3 tuổi, trú tại tổ 8A, khu 1, P.Hà Phong, TP. Hạ Long) không liên quan đến vụ việc cũng bị axít bắn phải do đứng gần hiện trường.
Sau vụ việc, 2 ông cháu Trương Đức Q. bị bỏng nặng vùng đầu, mặt, cổ, ngực… phải đưa đi cấp cứu tại Hà Nội.
Ngoài ra, còn có ông Lê Hồng Hải (41 tuổi, trú tại tổ 5B, khu 1, P.Hà Lầm, TP. Hạ Long), là người đi cùng ông Quang, bị bỏng ở vùng mặt đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. 4 người còn lại đều bị nhẹ và không phải nhập viện.
Riêng ông Trương Đức Quang không bị thương tích sau vụ việc nhưng hiện bị hôn mê sâu chưa rõ nguyên nhân và đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Dung dịch kit test COVID-19 bị Mỹ cảnh báo ‘độc’
VnExpress – Một số trung tâm chống độc ở Mỹ báo cáo tình trạng nhiễm độc natri azua từ bộ xét nghiệm nhanh Covid-19; các chuyên gia Việt Nam cho rằng liều lượng hóa chất trong kit rất ít nên không quá lo ngại.
Một bộ kit test Covid-19 gồm que lấy mẫu, ống đựng mẫu chiết test, dung dịch thử nghiệm, nút đậy ống, khay test. Dung dịch thử nghiệm trong ống chiết test có chứa natri azua – là chất không màu, không mùi, không vị, mới đây được Mỹ cảnh báo độc hại.
Cuối tháng 2, Trung tâm Thông tin Thuốc và Chất độc của Bệnh viện Nhi đồng Cincinnati, Mỹ, ghi nhận số trẻ nuốt phải hóa chất trong lọ chiết ở test nhanh Covid-19 tăng lên. Nguyên nhân là các lọ chiết trông giống chai chiết hoặc lọ thuốc nhỏ mắt, một số người nhầm lẫn và nhỏ chúng vào mắt hoặc mũi, gây kích ứng hay bỏng hóa chất. Trẻ nhỏ có thể vô tình nuốt phải chất chứa trong lọ, may mắn không gặp nguy hiểm về sức khỏe.
USA Today cho hay Sheila Goertemoeller, dược sĩ kiêm chuyên gia chất độc lâm sàng của Trung tâm Thông tin Thuốc và Chất độc Cincinnati, ước tính có hơn 200 trường hợp ngộ độc natri azua trong bộ kit, trên toàn nước Mỹ. Riêng cơ sở bà làm việc ghi nhận 38 ca nhiễm độc natri azua, nhiều nhất là vào tháng một, khoảng thời gian biến chủng Omicron lây nhiễm mạnh, nhu cầu xét nghiệm tăng cao. Trong đó, một phụ nữ đã nhầm lọ ngâm gạc ngoáy mũi với chai thuốc nhỏ mắt. Người này bị mẩn đỏ và kích ứng, tình trạng thuyên giảm sau khi rửa sạch mắt bằng nước trong 10 phút. Một cặp vợ chồng khác đọc sai hướng dẫn sử dụng, lấy tăm bông ngâm vào dung dịch trước rồi mới đưa vào mũi. Họ bị kích ứng nhẹ, tình trạng thuyên giảm sau khi vệ sinh bằng nước muối sinh lý.
Trả lời VnExpress cuối tuần qua, tiến sĩ Khuất Quang Sơn, Giảng viên trường Đại học Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, cho biết trong dung dịch test nhanh Covid chứa nhiều hóa chất khác nhau, trong đó natri azua là chất đáng quan tâm nhất vì là một chất độc mạnh.
Natri azua (NaN3) còn gọi là sodium azide, natri azit, natriumazid… được sử dụng trong túi khí cứu nạn trên xe hơi và phao cứu nạn đường thủy. Trong bệnh viện và phòng thí nghiệm, NaN3 là một chất diệt khuẩn, chất bảo quản… Đây là chất rất độc, ảnh hưởng đến các cơ quan hô hấp nhiều như tim và não.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, nuốt phải natri azua có thể dẫn đến tình trạng huyết áp thấp, gây chóng mặt, đau đầu hoặc tim đập nhanh. Tiếp xúc lượng lớn natri azua cũng đe dọa sức khỏe, dẫn đến co giật, mất ý thức, tổn thương phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Tuy nhiên, “lượng NaN3 trong một bộ kit test là rất nhỏ”, tiến sĩ Sơn nhấn mạnh. Theo ông, nếu nhỏ nhầm vào mắt người lớn và rửa sạch ngay chỉ gây kích ứng nhẹ, mẩn đỏ. Trường hợp que ngoáy chứa dung dịch chấm vào mũi, bạn chỉ cần rửa sạch và nhỏ dung dịch NaCl 0,9% cũng giải quyết được tình trạng kích ứng nhẹ.
Cùng quan điểm trên, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho rằng trường hợp tiếp xúc trực tiếp với natri azua là rất hiếm, vì dung dịch để trong lọ kín, khi nhỏ chỉ từ ba đến 4 giọt, liều lượng không đáng kể. Khi xét nghiệm nhanh, người dân chỉ cần tuân thủ quy trình, test đúng cách, nhỏ trực tiếp vào khay thì không quá lo ngại. Việt Nam cũng chưa ghi nhận trường hợp nào ngộ độc do tiếp xúc với dung dịch này.
Để tránh tình trạng kích ứng, nhiễm độc hoặc ngộ độc natri azua, các chuyên gia khuyến cáo gia đình cất bộ xét nghiệm ở vị trí cao, trong tủ có khóa, tránh xa tầm tay trẻ em. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng bộ kit.
Xi măng đồng loạt tăng giá từ hôm 20/3
Thanh Niên – Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, giá xi măng đồng loạt tăng từ 100.000 – 150.000 đồng/tấn từ ngày 20/3.
Nguyên nhân được đưa ra là do hiện nay giá nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất xi măng đều tăng, đặc biệt giá xăng dầu và than đá tăng mạnh, nguồn cung khan hiếm dẫn đến giá thành sản xuất xi măng tăng cao. Để ổn định sản xuất, đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm, một số doanh nghiệp sản xuất xi măng thông báo điều chỉnh giá bán sản phẩm xi măng bao và xi măng rời.
Các công ty như Xuân Thành, Vissai Ninh Bình, Tân Thắng, Công Thanh… có mức điều chỉnh tăng 100.000 đồng/tấn. Riêng Công ty cổ phần xi măng Thành Thắng Group gửi thông báo cho các nhà phân phối về việc điều chỉnh tăng giá bán các loại xi măng bao và rời tăng thêm 150.000 đồng/tấn.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng trong lĩnh vực xây dựng cũng tăng giá mạnh. Giữa tháng 3, các doanh nghiệp thép trong nước đồng loạt thông báo điều chỉnh giá thép lần thứ 4 trong tháng 3. Lần tăng mạnh nhất là vào ngày 9.3 khi hàng loạt doanh nghiệp điều chỉnh tăng 600.000 đồng/tấn với thép cuộn và thép cây. Sau điều chỉnh, thép hiện được nhiều đại lý bán với giá cao hơn gần 20.000 đồng/kg.
Trong báo cáo chuyên đề cho rằng cùng với giá dầu, phân bón, giá thép có thể neo ở mức cao do cuộc xung đột Nga – Ukraine. Một số doanh nghiệp ngành thép có thể được hưởng lợi từ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, do Nga và Ukraine là những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, khiến giá bán neo cao và nhu cầu xuất khẩu gia tăng.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng đã gây gián đoạn không nhỏ đến chuỗi cung ứng mặt hàng thép. Theo Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), 2 quốc gia này đã sản xuất 97,4 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 57 triệu tấn thép trong năm 2021. Ngay sau khi xung đột có dấu hiệu leo thang một số nhà sản xuất thép hàng đầu tại Ukraine (bao gồm Metinvest và ArcelorMittal) đã có kế hoạch cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức tối thiểu do hoạt động vận chuyển đường sắt và cảng bị đình trệ. Trong khi các mặt hàng xuất khẩu của Nga đứng trước nguy cơ bị nhiều quốc gia cấm vận. Các nhà xuất khẩu thép hàng đầu của Việt Nam sẽ có cơ hội gia tăng sản lượng trong thời gian tới.
Dàn môtô phân khối lớn bị CSGT vây bắt
VnExpress – 13 chiếc môtô chạy quá tốc độ vào đường cấm trên quốc lộ 1A, TP Thủ Đức bị cảnh sát giao thông vây bắt, chiều 20/3.
Gần 15h, nhóm thanh niên chạy xe phân khối lớn tốc độ cao vào làn ôtô trên quốc lộ 1A, phường Linh Trung, hướng từ Đồng Nai về TP.HCM. Họ liên tục nẹt pô, gây náo loạn khiến các xe khác phải chạy chậm, tấp sát lề để tránh va chạm.
Đội Cảnh sát giao thông Rạch Chiếc cùng nhiều lực lượng bố trí ba lớp để đón lõng nhóm này. 13 chiếc trong đó có xe trên 1.000 phân khối bị đưa về trụ sở.
Nhóm người này cho biết đang trên đường đi từ Nha Trang về lại TP.HCM.
Cảnh sát đã lập biên bản xử phạt nhóm phượt này với ba lỗi: đi vào đường cấm, gắn biển số che khuất tầm nhìn, chạy quá tốc độ với số tiền 500.000 – 5 triệu đồng và tước bằng lái 2 tháng.
Có thể bạn quan tâm: