Theo qui định của pháp luật, tiền thưởng Tết không mang tính bắt buộc mà phụ thuộc vào từng doanh nghiệp. Vậy tiền thưởng tết năm 2019 của các doanh nghiệp sẽ được tính thế nào?

Theo đó, tiền thưởng Tết không mang tính bắt buộc mà phụ thuộc vào từng doanh nghiệp, kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mức độ hoàn thành công việc của từng người lao động, dẫn tin từ báo Dân Việt.

Như vậy, tiền thưởng tết Nguyên đán sẽ dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động với doanh nghiệp thông qua Quy chế khen, thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc và có sự tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

Trên thực tế, một số hình thức thưởng Tết mà các doanh nghiệp Việt Nam thường thực hiện đó là: Thưởng theo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp; Thưởng theo kết quả công việc của người lao động; Thưởng lương tháng 13 theo xếp loại công việc/phòng ban hoặc theo mức lương thực nhận mỗi tháng.

Ngoài ra, thâm niên công tác tại doanh nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng để xác định thưởng Tết. Các doanh nghiệp cũng có thể kết hợp nhiều yếu tố nói trên để xác định mức thưởng Tết cho người lao động của mình.

Thưởng Tết 2019 sẽ được doanh nghiệp chi trả ra sao?

Báo Dân Trí dẫn lời ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho hay, hình thức thưởng tháng thứ 13 được các doanh nghiệp áp dụng nhiều nhất để tính thưởng tết.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn áp dụng thêm một hình thức mức thưởng theo hiệu quả sản xuất kinh doanh của năm vừa qua.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: “Loại hình thưởng thứ 2 chủ yếu dựa vào kết quả sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Mức thưởng sẽ hấp dẫn khi có kết quả sản xuất – kinh doanh tốt. Đặc biệt đối với các cá nhân có đóng góp lớn cho hoạt động của doanh nghiệp”.(cụ thể)

Thưởng Tết có nên được quy định “cứng” khi sửa Luật Lao động 2012?

Trong lộ trình sửa Bộ Luật lao động 2012, liệu có nên quy định cụ thể về thưởng Tết nhằm tránh diễn ra tình trạng doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động bằng hiện vật hoặc thậm chí chỉ đưa mức thưởng Tết chỉ từ… 20.000-50.000 đồng/người.

Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng: “Điều này rất khó và phải đánh giá tác động từ nhiều phía”.

Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân khi tham gia xây dựng dự thảo Luật Lao động năm 2012, ông Phạm Minh Huân cho biết: Trước năm 2012, Luật Lao động năm 1994 đã có quy định “người sử dụng lao động có trách nhiệm trích từ lợi nhuận hàng năm để thưởng cho người lao động đã làm việc tại doanh nghiệp từ một năm trở lên …”.

Tuy nhiên tới thời điểm xây dựng dự án Luật Lao động năm 2012, bộ phận soạn thảo tiếp cận với nhiều quan điểm khác nhau, đặc biệt có nhiều quan điểm cho rằng không nên quy định “cứng” như trên. 

Bên cạnh đó, người lao động cũng sẽ được hưởng các quyền lợi khác vào dịp Tết theo qui định của pháp luật.

  • Làm thêm vào ngày Tết

Điểm c khoản 1 Điều 97 Bộ luật trên quy định, người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, được trả lương ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương.

Như vậy, nếu người lao động làm thêm giờ trong dịp Tết Âm lịch sẽ được hưởng tối thiểu 400% tiền lương ngày làm việc bình thường.

  • Làm thêm vào ban đêm Tết Âm lịch

Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 97 Bộ luật Lao động, người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương của ngày làm việc bình thường; Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.

  • Hưởng nguyên lương

Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2012 nêu rõ, Tết Dương lịch (1/1), Tết Âm lịch là hai dịp mà người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương. Cụ thể, Tết Âm lịch 2019, NLĐ làm việc tại cơ sở có chế độ nghỉ 01 ngày/tuần (nghỉ vào ngày Chủ nhật hằng tuần) sẽ được nghỉ 06 ngày liên tục.

Còn NLĐ làm việc tại cơ sở có chế độ nghỉ 02 ngày/tuần (nghỉ vào ngày Thứ bảy và Chủ nhật hằng tuần) sẽ được nghỉ 09 ngày liên tục

Thanh Thanh (Tổng hợp)