Với dự báo tăng trưởng 30-50%/năm, thương mại điện tử Việt Nam được xem là đang ở giai đoạn phát triển rực rỡ. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định làm giàu từ lĩnh vực này ở Việt Nam không hề dễ dàng.
 

Việt Nam có tiềm năng đặc biệt về thương mại điện tử

Chia sẻ trên Forbes, ông Miguel Warren, Giám đốc Payoneer Đông Nam Á, nhận định: “Châu Á đang nổi lên như người tiên phong trong xu hướng số hóa toàn cầu nhờ sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử và đổi mới sáng tạo”.

Payoneer là một công ty thanh toán điện tử đang nhắm mục tiêu gia nhập vào cả thị trường Trung Quốc và các nước láng giềng tại Đông Nam Á. Trong một báo cáo mới đây, Payoneer xác định Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Philippines là những thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp này phát triển.

Thương mại điện tử Việt đang ở thời 'bình minh rực rỡ' nhưng không dễ làm giàu
Thương mại điện tử Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng 30-50%/năm (ảnh minh họa).

Theo ông Warren, những năm gần đây, các công ty như Lazada, Rakuten, Flipkart và Shopee đã giúp cho những nhà kinh doanh Việt Nam dễ dàng bán hàng trực tuyến, đồng thời cho họ những kinh nghiệm để mở rộng hoạt động kinh doanh ra thế giới.

Ngoài ra, chuyên gia này đánh giá Việt Nam có tiềm năng đặc biệt về thương mại điện tử nhờ nền tảng sản xuất lâu dài. Bên cạnh đó, hai yếu tố bổ trợ rất quan trọng khác là tỷ lệ kết nối Internet cao và lực lượng lao động đang phát triển.

Cũng theo đánh giá của Payoneer, lực lượng lao động tại Việt Nam có trình độ học vấn cao, am hiểu về công nghệ và hoàn toàn đáp ứng được kỹ năng kinh doanh cần thiết để thành công trong thị trường thương mại điện tử. Đó là chưa kể nền kinh tế đang phát triển của Việt nam với chi phí sản xuất thấp tạo lợi thế cho các doanh nghiệp nội địa gia nhập và gặt hái thành công ở các thị trường tiêu dùng lớn hơn trên thế giới.

Với những tiềm năng để phát triển trên, thương mại điện tử Việt Nam được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng 30-50% mỗi năm.

Nhưng làm giàu ở Việt Nam không dễ

Theo ông Warren, dù có sự nhiệt tình của giới trẻ đối với mua sắm trực tuyến, hành trình làm giàu nhờ lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam không chỉ trải toàn hoa hồng. Hiện chỉ có 30% người Việt kết nối Internet mua hàng trực tuyến.

“Thách thức luôn đi cùng với cơ hội tại Việt Nam. Cho dù người tiêu dùng Việt Nam dễ đón nhận thương mại điện tử hơn nhiều thị trường khác, vẫn còn con đường dài để phát triển ở phía trước”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Ông Warren cho rằng các thương hiệu muốn thành công ở Việt Nam sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để gây dựng niềm tin, loại bỏ sự hoài nghi của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Muốn làm được điều này, họ cần đặc biệt chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hậu cần và thanh toán.

So với các thị trường khác trong khu vực châu Á về doanh số thương mại điện tử, Việt Nam vẫn còn kém xa. Tuy nhiên, khi các “gã khổng lồ” thương mại điện tử như Alibaba hay Amazon liên tục tấn công, rõ ràng sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam mới chỉ mới bắt đầu.

Nguyễn Trang