Có lẽ ít ở đâu như Việt Nam chuyện thực phẩm bẩn tràn lan, thậm chí bày bán công khai, thật giả lẫn lộn, người tiêu dùng khó có thể phân biệt sạch bẩn. Thực phẩm bẩn vẫn hàng ngày đi vào bữa cơm gia đình và hủy hoại sức khỏe chúng ta.

Ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục thú y TP HCM, tại buổi họp tổng kết đã khẳng định: nầm heo giả nầm dê đang là sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lớn nhất hiện nay thuộc ngành nông nghiệp quản lý. Trong một tháng qua, cơ quan thú y TP HCM đã phát hiện 3 vụ vận chuyển, kinh doanh nầm từ Trung Quốc về với số lượng hơn 4 tấn.

Dựa vào thông tin tiếng Trung Quốc trên những thùng xốp chứa sản phẩm này cho thấy, nầm có nguồn gốc tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) thẩm lậu về Sài Gòn bằng đường bộ qua quãng đường dài hàng ngàn cây số. Việc bảo quản không phải bằng xe lạnh chuyên dụng nhưng vẫn không hư hỏng, chứng tỏ đã được tẩm ướp những loại hóa chất độc hại. Không loại trừ có đường dây cung cấp sản phẩm này về TP.HCM,” ông Phát nói.

Bẩn, nhưng nầm heo từ Trung Quốc từ giá nhập chỉ vài chục nghìn đồng/kg khi về đến TP HCM bán lại cho các nhà hàng, quán nhậu lên tới 160.000-170.000 đồng/kg.

Một sản phẩm khác cũng thuộc nhóm có nguy cơ cao là thịt trâu đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ giả thịt bò bán ra thị trường. Một số vụ phát hiện gần đây cho thấy, thịt trâu đã được nhúng sunfit (loại chất cấm sử dụng cho thịt) để giúp thịt đỏ tươi như thịt bò. Tương tự như nầm heo, thịt trâu đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ giá nhập khẩu cũng chỉ vài chục nghìn đồng nhưng sau khi nhúng hóa chất để giả thịt bò, loại này được bán cho các quán ăn, nhà hàng 170.000-200.000 đồng/kg.

Chưa hết, giao thừa đêm 31/12/2015, trên chiếc xe giường nằm chạy liên tỉnh, Trạm kiểm dịch thú y Thủ Đức (TP.HCM) phát hiện gần 200 con heo sữa đựng trong những bao tải lớn giấu ở hầm xe còn nguyên nội tạng, đã trương sình, tím tái, rỉ dịch kèm mùi hôi thối. Sau khi gia giảm, quay vàng ươm, mỗi chú heo thối này bán được hàng trăm nghìn, thậm chí cả triệu đồng.

Ở Hà Nội cũng không khá hơn. Ngày 7/1, phát hiện kho lạnh không được cấp phép cũng như chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, có chứa 5 tấn hàng gồm thịt bò Úc, thịt lợn Hàn Quốc, bạch tuộc, rong biển, kim chi, các loại cá… đã hết hạn sử dụng. Mà thịt ngoại chẳng bao giờ rẻ cả.

 Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sơ sơ mỗi ngày cơ quan nhận được 15 tin tố giác thực phẩm “bẩn.”

Vậy là, mâm cơm của người Việt sạch chừng nào, khó biết được. Nhưng ít ra khi mua cũng là hàng tươi sống, về nhà chế biến kỹ, may chăng vi khuẩn cũng chết hết.

Điều đáng ngại hơn cả là chuyện, ăn quán đã trở thành cái thú của người Việt. Người ngày nay “Ăn nhậu là đầu câu chuyện,” người ta bàn chuyện làm ăn trên bàn nhậu, bàn chuyện trăm năm trong quán ăn, buôn đủ thứ chuyện bên các quán lấn ra cả vỉa hè. Chẳng thế mà, chỉ số giá tiêu dùng cho ngành hàng thực phẩm, ăn uống, hầu như toàn số dương cả.

Thế nhưng, một sự thật đáng buồn thay: Các đối tượng sau khi bị xử lý sẽ thay đổi địa điểm kinh doanh và tiếp tục vi phạm. Đó là lời thừa nhận từ các cơ quan chức năng luôn bám lấy muôn vàn khó khăn khách quan để biện minh. Ngay cả chuyện tiêu thụ nhanh quá cũng lấy ra làm bằng được.

Nhưng một sản phẩm trước khi ra thị trường luôn phải có dấu chứng nhận là sạch và an toàn. Một cơ sở sản xuất dù chui nhủi thì vẫn phải thải ra một lượng rác thải khổng lồ và chắc chắn, nằm trong một khu vực địa lý nào đó có sự quản lý từ tổ trưởng tổ dân phố, trưởng làng, trưởng xóm đến cơ quan xã, phường.

Một quán nhậu bình dân bụi ở vỉa hè, với bàn ghế thấp tè, với bụi bặm, khói xăng ồn ã, với 1 chậu nước rửa tất cả các thực phẩm, với những thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc; khách hàng nhìn thấy, mọi người nhìn thấy, nhưng vẫn ăn nhậu vô tư. Thực phẩm bẩn, rượu, bia, thuốc lá đang hợp sức tàn phá sức khỏe người lao động Việt.

Theo Songmoi.vn
Thành Long tổng hợp

Xem thêm: