Đề xuất tăng tuổi hưu của lao động nam từ 60 lên 62 và nữ từ 55 lên 60 tuổi đang là chủ đề nóng thu hút sự quan tâm của dư luận. Hiện tại, đề xuất này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến nhóm ngành, độ tuổi cũng như thời gian thực hiện…

Tăng tuổi hưu do tuổi thọ tăng và xu hướng già hóa dân số

Ông Nuno Cunha chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) lý giải về việc tăng tuổi hưu: Tuổi thọ trung bình ở Việt Nam đang tăng và có xu hướng già hóa dân số. Phụ nữ Việt Nam khi đạt đến tuổi 60 thì có tuổi thọ trung bình đến 81,6. Nếu nghỉ hưu ở tuổi 55, phụ nữ Việt Nam sẽ nhận lương hưu hơn 26 năm.

Giả dụ người này tham gia lao động sớm nhất từ năm 25 tuổi thì cũng chỉ đóng bảo hiểm xã hội trong 30 năm, việc đóng bảo hiểm 30 năm và lĩnh lương hưu 26 năm là không hợp lý, theo VOV .

Tăng tuổi nghỉ hưu: Người mừng, kẻ lo và nhiều ý kiến trái chiều
Ông Nuno Cunha có khá nhiều ý kiến ủng hộ việc tăng tuổi nghỉ hưu. (Ảnh: VOV)

Ngoài thách thức về việc tuổi thọ dân số tăng và già hóa, ông Nuno Cunha cho rằng, tỷ lệ dân số lao động trên 1 người già sẽ giảm từ 6,6 xuống còn khoảng 2, vì vậy việc điều chỉnh độ tuổi hưu của lao động cũng nhằm giúp tăng nguồn lao động cho xã hội.

Do vậy ông Nuno Cunha ủng hộ việc tăng tuổi hưu một cách từ từ theo lộ trình: mỗi năm tăng 3 tháng và bắt đầu tăng từ 2020, nghĩa là đến tận 2024 mới có người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 56 và đến tận 2028 mới nghỉ ở tuổi 57.

Việc tăng tuổi nghỉ hưu từ từ như vậy cho phép người dân và nền kinh tế điều chỉnh theo, Nuno Cunha cho biết.

Nên điều chỉnh theo nhóm ngành, tránh áp đặt

Trưởng nhóm đánh giá tác động giới của Bộ luật Lao động, bà Dương Thị Thanh Mai cho biết: Đề xuất tăng tuổi hưu nhận được ý kiến rất khác nhau ở những nhóm lao động khác nhau. Trong khi lao động thuộc khối hành chính, cơ quan nhà nước, người có trình độ cao… ủng hộ việc nâng tuổi nghỉ hưu thì những lao động trực tiếp như công nhân, kỹ thuật, lao động nặng nhọc, lao động ngành dệt may… đều phản đối đề xuất này, theo Người Lao động .

Tăng tuổi nghỉ hưu: Người mừng, kẻ lo và nhiều ý kiến trái chiều
Người lao động ở những nhóm ngành lao động trực tiếp hầu hết đều không muốn tăng độ tuổi hưu, kéo dài thời gian lao động. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Theo bà Thanh Mai cho rằng, việc quy định độ tuổi nghỉ hưu cần phải linh hoạt, không thể áp đặt một mức cho tất cả mọi người lao động. Người muốn tiếp tục cống hiến thì để họ có quyền lựa chọn tuổi nghỉ hưu trong khung quy định phù hợp với điều kiện sức khỏe, kinh tế, hoàn cảnh gia đình hay nguyện vọng.

Đối với vấn đề tuổi nghỉ hưu theo nhóm ngành Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết: Bộ LĐ-TB-XH cũng đã tính đến việc có các mức khác nhau về tăng tuổi nghỉ hưu giữa các nhóm ngành sao cho mức chênh lệch không quá 5 năm. Những ngành nghề nặng nhọc, độc hại mà đến độ tuổi nào đó người lao động không còn phù hợp làm việc thì tuổi nghỉ hưu có thể sớm hơn. Những ngành nghề đòi hỏi lao động chất lượng cao, những chuyên gia giỏi thì có thể nâng tuổi nghỉ hưu nhiều hơn. Việc đánh giá những ngành nghề độc hại đang được thực hiện, theo VOV .

Cần cân nhắc kỹ

Tăng tuổi nghỉ hưu: Người mừng, kẻ lo và nhiều ý kiến trái chiều
Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu cần được cân nhắc kỹ lưỡng và có tầm nhìn dài hạn. (Ảnh: An ninh thủ đô)

Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam): Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều chủ thể, lĩnh vực vì vậy cần phải được cân nhắc kỹ. Ngoài các yếu tố đã được tính toán, cân nhắc như năng suất lao động, tuổi thọ của người Việt, … cũng phải tính toán kỹ vấn đề sức khỏe người lao động; điều kiện-môi trường làm việc; đặc thù ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng lao động; sức cung của thị trường lao động; việc lắng nghe đầy đủ ý kiến của các bên liên quan (người lao động và cả người sử dụng lao động)… theo Dân trí .

Ông Hiểu cho rằng, không nên tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt và trong tương lai gần. Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ với tầm nhìn dài hạn, không nên vội vàng.

Quy định về độ tuổi nghỉ hưu 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ đã được áp dụng từ năm 1961 và tới nay đã duy trì hơn 50 năm.

Thanh Thanh