Mục lục bài viết
Người xưa dạy “Bách thiện hiếu vi tiên” (trong trăm điều thiện thì hiếu đứng đầu), bởi vậy văn hóa truyền thống từ bao đời nay vẫn luôn đề cao chữ “hiếu”.
“Hiếu kinh” viết rằng: “Hiếu là kinh của trời, là nghĩa của đất và là đạo hạnh của con người”. “Hiếu” là lẽ thường của thiên đạo xoay vần, là cái lý của đất nâng đỡ vạn vật, là đức hạnh mà con người nhất định phải thực hành.
Một người con hiếu thảo không những được người đời kính phục ca ngợi, mà còn được quỷ thần âm thầm bảo hộ, giúp đỡ. Trong sách cổ không thiếu những ghi chép về việc Thiên thượng bảo hộ người có hiếu.
Câu chuyện 1: Thề chết bảo hộ linh cữu của mẫu thân, được Thượng thiên bảo hộ
Trong “Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký” của tác giả Kỷ Hiểu Lam thời nhà Thanh có kể lại một câu chuyện như vậy: Vào năm Giáp Thìn (năm 1784) thời vua Càn Long, không biết vì nguyên nhân gì mà vùng Tế Nam, tỉnh Sơn Đông trong năm này thường xuyên xảy ra hỏa hoạn. Vào cuối tháng 4, cổng phía Nam phố Tây Hoành trong thành Tế Nam lại xảy ra một trận hỏa hoạn lớn, thế lửa thiêu rụi từ đông sang tây, vì ngõ hẻm ở phố Tây Hoành khá hẹp, cộng thêm gió mạnh lửa lớn, chỉ chốc lát cả vùng đều chìm trong biển lửa.
Ở phía bắc của con hẻm này có ba gian nhà tranh của một người họ Trương. Khi lửa lớn chưa kịp lan đến, Trương mổ vốn dĩ có thể đưa vợ và con cái chạy thoát, nhưng linh cữu của mẫu thân vừa mất vẫn còn nằm trong nhà, vì vậy ông dự tính tìm người giúp đỡ đưa linh cữu ra ngoài. Nào ngờ, mọi việc còn chưa thu xếp xong thì ngọn lửa đã vù vù kéo đến, trong nháy mắt đã chặn đứng con đường thoát thân. Vợ chồng Trương mổ cùng với 4 người con không cách nào chạy thoát, đành ôm quan tài mà khóc lớn, quyết định tuẫn táng cùng với mẫu thân.
Lúc này thuộc hạ của Tuần phủ Tế Nam đang chỉ huy việc cứu hỏa, bỗng loáng thoáng nghe thấy tiếng khóc, liền hạ lệnh cho quân sĩ trèo lên mái nhà ở con hẻm phía sau lần theo tiếng khóc để cứu người. Quân sĩ theo tiếng khóc tìm được cả nhà họ Trương, sau đó từ trên nóc nhà buông xuống sợi dây thừng rồi bảo cả nhà buộc chặt thân mình vào sợi dây thừng để tiện bề kéo lên.
Tuy nhiên, vợ chồng Trương mỗ lại lớn tiếng với quân sĩ cứu viện rằng: “Linh cữu của mẫu thân vẫn chưa được di dời, chúng tôi sao có thể bỏ mặc chỉ lo nghĩ cho bản thân được chứ?”. Quân sĩ ngỏ ý đưa 4 đứa trẻ đi trước,nhưng 4 đứa trẻ cũng lại nói vọng lên rằng: “Cha mẹ đã quyết tuẫn táng theo bà nội, chúng tôi cũng nguyện chết chung với cha mẹ”. Đang lúc do dự thì lửa lớn ập đến, quân sĩ nhanh chóng nhảy sang mái nhà của hàng xóm bên cạnh mới may mắn thoát nạn. Mọi người đều cho rằng cả nhà Trương mỗ sẽ chẳng thoát được, bởi vậy mà than tiếc không thôi…
Sau khi ngọn lửa được dập tắt, mọi người kiểm tra hiện trường trận hỏa hoạn thì bất ngờ lại phát hiện ba gian nhà tranh của nhà họ Trương vẫn còn nguyên vẹn. Thì ra lúc ngọn lửa lan đến nhà họ Trương thì bất ngờ quay đầu chuyển sang hướng Bắc, ngọn lửa sau khi vòng qua căn nhà tranh của gia đình họ Trương thì thiêu rụi nhà kho của nhà hàng xóm, sau đó lại tiếp tục cháy lan sang hướng Tây. Chuyện thần kỳ như vậy, nếu không có sự bảo hộ của quỷ thần thì làm sao có thể xuất hiện được?
Về việc này, Kỷ Hiểu Lam đã cảm thán rằng: Cả nhà 6 người vợ chồng con cái có thể làm được một lòng một dạ, thề chết bảo hộ linh cửu của mẹ già, điều này thật là hiếm thấy. Người ta thường nói rằng, “vợ chồng đồng lòng tát bể Đông cũng cạn”, huống hồ là cả nhà cha mẹ, con cái 6 người này. Lòng chân thành có thể cảm động đến thiên địa thần linh, dù cho mệnh số đã định, thì quỷ thần cũng sẽ cứu vãn họ.
Câu chuyện 2: Trời xanh điểm hóa chàng trai họ Từ tìm hài cốt của cha
Triều Thanh có một người tên là Từ Húc Linh, người huyện Tiền Đường, phủ Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Năm Thuận Trị thứ 2 (năm 1655), ông đỗ Tiến sĩ vị trí thứ 22 khoa thi năm Ất Mùi, sau đó đảm nhiệm chức Chủ sự Hình bộ, sau đổi thành Lại bộ. Dưới triều vua Khang Hy, ông làm quan thanh liêm chính trực, trước sau lần lượt đảm nhiệm các chức quan như Hồ Quảng Đạo Ngự Sử, Thái Thường tự Thiếu Khanh, Thiêm Đô Ngự Sử, Công Bộ Thị Lang v.v…Năm 1687 ông bị bệnh qua đời, hưởng thọ 58 tuổi, sau khi mất được Thụy hiệu là “Thanh Hiến”.
Trong sử sách có ghi chép rằng, Từ Húc Linh là người con chí hiếu. Cha ông là Từ Nhất Hồng sống ở Ngọc Sơn là nơi cư ngụ của mấy đời tổ tiên, về sau mới chuyển đến huyện Tiền Đường, nhưng ông vẫn dạy học ở một trường tư thục tại quê nhà. Năm 1648, Từ Nhất Hồng đang trên đường đi dạy học thì bị giặc cướp giết hại, cả nhà không ai biết thi thể ông ở đâu.
3 năm sau, Từ Húc Linh lúc này 21 tuổi lên đường đi tìm hài cốt của cha. Anh đi khắp đồng ruộng làng quê và thị trấn, nhưng vẫn không tìm thấy, do vậy mà đau đớn khóc suốt cả dọc đường. Một hôm vào lúc chập tối, anh gặp một vị tiều phu và trú nhờ một đêm ở nhà của ông ấy. Tiều phu biết được ý muốn của Từ Húc Linh,nói rằng ông có quen biết với cha của anh, nếu muốn tìm được di cốt của cha thì tốt nhất tìm đến núi Quản Bình ở ngôi làng phía Tây để cầu xin giúp đỡ.
Từ Húc Linh đi về hướng theo lời chỉ bảo của tiều phu. Tối hôm đó, anh thấy cha mình báo mộng cho anh biết vị trí của hài cốt, và căn dặn anh rằng, “hãy hỏi Mao Niệm Bát” .
Từ Húc Linh sau khi tỉnh dậy lập tức theo ánh trăng đi về nơi có di cốt. Trên đường anh gặp một bà lão, bà lão nói với anh rằng: “Có phải cậu là con trai của Từ tiên sinh không? Từ tiên sinh bị hại ở Lỗ Gia Thương”. Từ Húc Linh đến Lỗ Gia Thương, bất ngờ trời đổ mưa to, đành ngồi trú trong sơn cốc khóc lóc thảm thiết.
Đột nhiên, trong sơn cốc xuất hiện một đứa trẻ đang ngồi ngân nga hát trên lưng trâu, Từ Húc Linh ngay lập tức hỏi nơi ở của Mao Niệm Bát, đứa trẻ liền dẫn anh đến một ngôi nhà tranh gặp một ông lão, đó chính là Mao Niệm Bát. Ông lão rất ngạc nhiên, Từ Húc Linh đem những lời của cha nói trong giấc mộng kể lại cho ông lão. Ông lão bỗng hiểu ra sự việc, liền chỉ cho anh nơi mai táng Từ Nhất Hồng. Từ Húc Linh thấy khung cảnh này hệt như những gì mình đã thấy trong giấc mộng, sau khi nhỏ máu để xác định quan hệ huyết thống thì anh dùng áo ngoài của mình để gói di cốt của cha rồi đem về quê nhà.
Lòng hiếu thảo của Từ Húc Linh đã cảm động đến trời xanh, và được điểm hóa. Người thời đó cảm thấy sự việc này rất kì lạ, có người còn vẽ một bức tranh, tựa đề là “Từ tử phụ cốt đồ”.
Câu chuyện thứ 3: “Đừng làm hiếu tử bị thương”
Vào thời nhà Minh, tại huyện Kiến Ninh, tỉnh Phúc Kiến có một người tên gọi Trần Vinh, thờ mẹ rất có hiếu. Mẹ của anh hai mắt bị mù, đã uống rất nhiều thuốc nhưng đều không có tác dụng. Sau này anh nghe người ta nói rằng nếu dùng đầu lưỡi liếm vào hai mắt thì có thể trị khỏi bệnh, do đó mỗi ngày anh chia ra nhiều lần liếm mắt cho mẹ. Hơn 1 năm sau, mắt của mẹ anh đã có thể nhìn thấy ánh sáng, có lẽ hiếu hạnh của anh đã cảm động trời xanh.
Một ngày nọ, nhà hàng xóm xảy ra hỏa hoạn, lửa lan đến nhà của Trần Vinh. Trần Vinh lao vào biển lửa để cứu mẹ, nhưng khi tìm được mẹ rồi thì hai người lại không thể thoát thân, anh ôm mẹ khóc lóc thảm thiết, dùng thân mình che chắn cho mẹ, không nỡ nhìn thấy mẹ chịu nạn này. Đột nhiên, trên không trung vọng đến một giọng nói rằng:“Đừng làm hiếu tử bị thương”, lời nói vừa dứt thì ngọn lửa cũng tắt. Hai mẹ con Trần Vinh được thoát nạn. Hai nhà hàng bên cạnh đều bị thiêu rụi không còn gì, còn nhà của Trần Vinh thì chỉ bị tổn hại chút ít.
Vào năm Thiên Khải, huyện thành lại xảy ra nạn lụt, rất nhiều nhà đều bị ngập nước, nhiều người bị nước lũ cuốn trôi. Trần Vinh và mẹ cũng bị tách ra, mỗi người ôm một cây gỗ nổi trên mặt nước.
Thái Thú lúc này đang ở trên thuyền tuần sát tình hình thiên tai, nửa đêm bỗng nằm mộng thấy Thần hiện ra nói với ông rằng: “Ngày mai sẽ cứu một hiếu tử”, Thái Thú liền cho thuyền dừng ngay bờ để chờ đợi. Trưa ngày hôm sau, quả nhiên trông thấy một người đang bám lấy một khúc gỗ nổi trên mặt nước theo dòng nước trôi đến, Thái Thú lệnh cho người cứu lên, rồi hỏi anh rằng rốt cuộc anh đã có những hiếu hạnh gì. Trần Vinh đáp: “Tôi làm gì biết hiếu hay không hiếu, tôi chỉ biết tôi có một mẹ già, và không bao giờ dám quên bà mà thôi” .
Rất mau, Trần Vinh tìm được mẹ, mẹ anh cũng đã được cứu sống. Trần Vinh tiếp tục hết lòng phụng dưỡng già cho đến khi bà qua đời.
Câu chuyện 4: Người phụ nữ ăn xin noi gương hiếu thảo
Húc Thăng, anh họ của Kỷ Hiểu Lam kể rằng: Có một người phụ nữ ăn xin nọ, cô rất hiếu thảo với mẹ chồng. Có lần cô ấy đói đến nỗi ngã bên lề đường nhưng vẫn cố giữ bát thức ăn vừa xin được để không bị rơi vãi. Cô lẩm bẩm: “Mẹ chồng chưa được ăn!”.
Một vài người tới giúp cô ấy và hỏi chuyện ra sao. Người phụ nữ ăn xin nói rằng trước khi đi ăn xin cùng mẹ chồng, cô chỉ làm những việc phụ sau lưng mẹ, lắng nghe lời mẹ chồng sai bảo. Một đêm, họ cùng nhau ngủ qua đêm dưới mái hiên của một ngôi miếu cổ. Giữa đêm, họ nghe tiếng giận dữ của ai đó trên mái: “Các ngươi thật đốn mạt! Sao không tránh người phụ nữ hiếu thảo kia? Các ngươi khiến cô ấy bị âm khí làm cho nóng lạnh từng hồi, đầu óc nhức nhối quay cuồng!”.
Sau đó, cô nghe thấy một giọng khác phân trần: “Tại lúc đó con phải làm việc khẩn cấp quá nên không rõ ai đã ở đó”. Cô lại nghe giọng nói đầu tiên trở nên nghiêm trọng hơn: “Thật ngu ngốc! Phàm là bề tôi trung thành và con cái có hiếu, trên đầu đều có hào quang mấy thước tỏa sáng. Các ngươi bị mù hay sao mà không thấy?”. Rồi cô nghe một loạt tiếng roi quất và la hét. Phải một lúc lâu sau âm thanh mới lắng xuống.
Ngày hôm sau, khi người phụ nữ và mẹ chồng vào làng thì nghe nói có một người phụ nữ thôn quê bị gió xoáy tấn công khi đang mang đồ ăn tới đồng ruộng. Đầu cô ấy vẫn còn đau nhức. Khi nhắc tới người phụ nữ đó, ai cũng ca ngợi đạo đức và lòng hiếu thảo của cô. Người phụ nữ ăn xin này cảm thấy rất xúc động vì điều này. Kể từ đó, cô chăm sóc mẹ chồng với tất cả tấm lòng thành.
Theo Epochtimes
Vũ Dương biên dịch