Sau khi hoãn, dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc khu) sẽ được trình Quốc hội cho phép xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV dự kiến khai mạc tháng 10-2018.

Trước đó, văn phòng Quốc hội sáng 9-6 ra thông cáo về việc lùi thời gian thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc khu).

“Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các tầng lớp Nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý Dự án Luật theo hướng không quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm”thông báo của Văn phòng Quốc hội nêu rõ.

Theo đó, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đặc khu.

Vân Đồn là một trong ba khu vực được chọn để xây dựng đặc khu kinh tế. (Ảnh: Vnexpress)

Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý dự án luật theo hướng không quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm.

Đồng thời, để tiếp tục hoàn thiện dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội cho phép xem xét, thông qua dự án luật này tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV theo quy trình xem xét, thông qua dự án luật tại 3 kỳ họp.

Tại kỳ họp thứ 5 này, sau khi tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước, Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua dự án Luật đặc khu từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV (dự kiến khai mạc tháng 10-2018) để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bảo đảm dự án luật khi trình Quốc hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia.

Riêng về vấn đề thời hạn cho thuê đất, sẽ xem xét, trình Quốc hội cho áp dụng như các quy định của Luật Đất đai, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm.

Dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc gồm 6 Chương 85 Điều, dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua vào 15/6.

Quá trình thảo luận, nhiều ý kiến băn khoăn về quy định cho nhà đầu tư thuê đất với thời hạn lên đến 99 năm (quy định hiện hành tối đa là 70 năm) và một số ưu đãi được cho không cần thiết. Giải trình ý kiến đại biểu tại phiên thảo luận ngày 23/5, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị “cho phép giữ nguyên như dự thảo, vì đây là một chính sách vượt trội”.

Chỉ trong bốn ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hai lần trao đổi với báo giới về một số vấn đề được dư luận quan tâm trong dự luật.

Ngày 4/6, Thủ tướng nói thời hạn cho thuê đất 99 năm không phải là điểm mấu chốt trong dự Luật mà với đặc khu, điều quan trọng là tạo cơ chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Sáng 7/6, Thủ tướng cho hay, sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để có điều chỉnh phù hợp với tình hình; cùng với các giải pháp khác “đảm bảo quốc gia trường tồn, độc lập, phát triển bền vững”.

“Chúng tôi sẽ trình Quốc hội theo hướng điều chỉnh giảm thời hạn cho thuê đất xuống một cách hợp lý để đảm bảo nguyện vọng mà bà con kiến nghị; còn xuống bao nhiêu năm thì Quốc hội sẽ xem xét”, Thủ tướng nói.

Tùng Anh (TH)