Ngày 7/11, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong đã có buổi gặp gỡ lần thứ 2 với đại diện gần 35 hộ dân có nhà, đất nằm trong ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT), thuộc phường Bình An và Bình Khánh, quận 2 đã bị giải tỏa.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Trong buổi gặp gỡ các hộ dân khiếu nại liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm lần thứ 2, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, TP. HCM đã tập trung lắng nghe ý kiến người dân và hoàn chỉnh, bổ sung chính sách bồi thường. Liên quan đến khu vực tái định cư 160 ha cho người dân Thủ Thiêm, Thanh tra Chính phủ đã lập tổ công tác, phối hợp với nhiều bộ, ngành để kiểm tra.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tại buổi gặp gỡ người dân Thủ Thiêm lần 2. (Ảnh: Hữu Khoa)

Báo Khoẻ 365 thông tin, tại buổi tiếp dân, có hơn 10 ý kiến của đại diện các hộ dân, nội dung chủ yếu xoáy vào những tồn tại trong quá trình triển khai quy hoạch, đền bù, giải tỏa nhà đất…

Cụ thể:

  1. Điều chỉnh thời điểm tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Không điều chỉnh theo thời điểm Nghị định 34 có hiệu lực nữa, mà tính theo thời điểm thu hồi đất từ 10/5/2002.

  2. Bồi thường, hỗ trợ đối với đất do dân khai phá, canh tác. Mức hỗ trợ về chi phí bồi thường và tái định cư được tính từ năm 1997.

  3. Hỗ trợ chi phí bồi thường đối với đất có nguồn gốc lấn chiếm đất công, sông rạch, chuyển mục đích đất ở từ 15/10/1993 đến trước 16/9/1998.

  4. Hỗ trợ các trường hợp đất có nguồn gốc lấn chiếm đất công, sông rạch, mục đích sử dụng đất ở từ 16/9/1998 đến trước 10/5/2002.

  5. Hỗ trợ các trường hợp thuê đất do Nhà nước trực tiếp quản lý với mục đích kinh doanh nhưng chuyển mục đích thành đất ở trước ngày 15/10/1993.

  6. Hỗ trợ chính sách hỗ trợ các trường hợp thuê đất do nhà nước trực tiếp quản lý với mục đích kinh doanh nhưng chuyển mục đích thành đất ở từ 15/10/1993 đến trước 10/5/2002. Đồng thời xét hỗ trợ về đất cũng như hạn mức xét hỗ trợ về đất ở.

  7. Hỗ trợ các trường hợp nhà ở đất ở bị giải tỏa một phần.

  8. Hỗ trợ các trường hợp đã chuyển mục đích thành đất ở nhưng không trực tiếp ở mà cho thuê, làm kho, chuồng trại, cho người khác ở nhờ. Trước đây nhóm này tính là đất nông nghiệp không dùng để ở, đề nghị xem xét điều chỉnh.

  9. Hỗ trợ điều chỉnh đơn giá đất nông nghiệp xen kẽ khu đất ở.

  10. Hỗ trợ các trường hợp tự chuyển mục đích đất nông nghiệp thành đất ở sau ngày 10/5/2002.

Báo Công An Nhân Dân cho biết, theo xác định ban đầu, trong các diện này đã có khoảng 2.000 hộ sẽ được hỗ trợ.

Người dân nêu kiến nghị với Trưởng ban Tiếp công dân T.Ư Nguyễn Hồng Điệp sau buổi tiếp dân. (Ảnh: Thanh niên)

Về yêu cầu cung cấp các bản đồ Thủ Thiêm, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP. HCM cho hay, TP có hơn 10 bản đồ liên quan đến quy hoạch, hạ tầng…, nhưng đều làm từ cách đây 20 năm nên rất thô sơ và không có tính thống nhất về ranh. Tuy nhiên, hiện TP cơ bản đã hình dung được ranh của khu vực 4,3 ha thuộc KP.1 (P.Bình An) và đang xin ý kiến các cơ quan T.Ư trước khi công khai, tổ chức cắm mốc giới trên thực địa.

Theo báo Thanh Niên, tại buổi tiếp dân, ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND Q.2, Tổ trưởng Tổ công tác về chính sách bồi thường Thủ Thiêm, lần đầu tiên công bố đề xuất chính sách tái bồi thường, hỗ trợ nhà đất bị giải tỏa ở Thủ Thiêm với 10 nội dung chính. Theo đó, tổ công tác đang tính toán điều chỉnh thời điểm để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với nhà đất đã bị thu hồi qua các giai đoạn; có nguồn gốc lấn chiếm đất công, sông rạch và chuyển mục đích sử dụng qua các thời kỳ; các trường hợp thuê đất do nhà nước quản lý; nhà đất bị giải tỏa một phần; điều chỉnh đơn giá đất nông nghiệp xen kẽ đất ở… với khoảng 2.000 hộ dân.

Những người dân ngồi phía ngoài hội trường để nghe thông tin. (Ảnh: CAND)

Sau buổi tiếp dân, một cán bộ UBND Q.2 cho biết, khu 4,3 ha dự kiến có chính sách riêng theo nguyên tắc hoán đổi đất và bù chênh lệch giá vào thời điểm thực hiện. Còn chính sách đề xuất tại buổi tiếp dân dự kiến áp dụng chung cho các khu vực còn lại ở Thủ Thiêm. Lý do thực hiện chính sách mới, theo vị cán bộ, là qua rà soát nhận thấy có một số bất cập về chính sách bồi thường, hỗ trợ đã thực hiện trước đây và tổ công tác đề xuất chính sách để xem xét điều chỉnh, bổ sung.

Trong số khoảng 15.000 hộ dân toàn Thủ Thiêm, có khoảng 2.000 hộ trước đây bị ảnh hưởng bởi một số bất cập về chính sách bồi thường, hỗ trợ đã thực hiện. Việc xem xét cũng chỉ tính đến số hộ bị ảnh hưởng do chính sách bất cập, còn các trường hợp còn lại đã thực hiện đúng chính sách nên không thay đổi, bổ sung đền bù, hỗ trợ. Do chính sách mới đang trong giai đoạn xem xét, thông qua nên chưa xác định được tổng kinh phí cần phải chi thêm là bao nhiêu.

Khôi Minh (tổng hợp)