Sau vụ việc một nữ đại gia bị mất 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại Eximbank gây hoang mang dư luận, Ngân hàng Nhà nước vừa ra chỉ thị mới nhằm đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi của khách hàng.

Theo Dân trí, ngày 23/2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản số 1126/NHNN-TTGSNH gửi các Tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là TCTD) yêu cầu nghiêm túc triển khai, thực hiện việc đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm tại các TCTD.

Văn bản nêu rõ, để đảm bảo an toàn trong giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm tại các TCTD, NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, chấp hành nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, Chỉ thị số 07/CT-NHNN ngày 11/10/2017 về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính và các chỉ đạo của NHNN liên quan đến giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm, an toàn, bảo mật trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các quy định về quy trình, thủ tục, địa điểm giao dịch.

Thứ hai, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ đảm bảo ban hành đầy đủ các quy định nội bộ theo đúng quy định của pháp luật về giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm.

Thứ ba, phổ biến, quán triệt, triển khai tới tất cả các đơn vị của TCTD, các cán bộ nghiệp vụ để thống nhất thực hiện, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và quy định nội bộ về giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm; Thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ, đào tạo nâng cao kỹ năng, ý thức tuân thủ pháp luật cho cán bộ, nhân viên của TCTD.

Thứ tư, đẩy mạnh đổi mới công nghệ để tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng; xem xét áp dụng biện pháp xác thực các giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm.

Thứ năm, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng nắm bắt thông tin, kịp thời thông báo, cảnh báo trong hệ thống để có các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra đối với TCTD. Thực hiện tốt công tác truyền thông để khách hàng nắm, tuân thủ các quy định, quy trình, bảo mật thông tin khách hàng và thực hiện các giao dịch tại TCTD đúng quy định.

Thứ sáu, tăng cường công tác tự kiểm tra (nhất là kiểm tra chéo), kiểm soát, luân chuyển cán bộ làm công tác giao dịch về tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm nhằm ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, quy trình, quy định nội bộ của TCTD.

Thứ bảy, kịp thời báo cáo NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng khi xảy ra các vụ việc sai phạm, các vi phạm quy định của pháp luật; đồng thời triển khai các biện pháp xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Liên quan đến vụ việc bà C.T.B – khách hàng thân thiết của Ngân hàng Eximbank bị mất 245 tỷ đồng trong tài khoản tiết kiệm gửi tại ngân hàng này, qua quá trình điều tra, đầu tháng 2/2018, cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại ngân hàng nói trên.

Mới đây, đại diện ngân hàng đã khẳng định ưu tiên hàng đầu của ngân hàng là bảo vệ lợi ích chính đáng của khách hàng nhưng chưa thể giải quyết việc bồi hoàn tiền cho khách trước khi có phán quyết chính thức của tòa án về trách nhiệm của các bên.

Chia sẻ trên Lao động, luật sư Trương Anh Tú (Trưởng VP Luật sư Trương Anh Tú – Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội), phát biểu này có sự mâu thuẫn, và có dấu hiệu ngân hàng muốn “phủi tay” để quy trách nhiệm cho cá nhân Lê Nguyễn Hưng – Phó Giám đốc Ngân hàng EximBank chi nhánh Tp.HCM vì đã làm giả hồ sơ, giấy uỷ quyền để chiếm đoạt khoản tiền hơn 245 tỷ đồng từ tài khoản khách hàng lâu năm.

Theo luật sư anh Tú, khi tiền gửi của khách bị thất thoát, ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường và bà B hoàn toàn có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu ngân hàng thanh toán số tiền thất thoát cho mình.

Nguyễn Trang