Là một nước nông nghiệp, có 70% dân số sống ở nông thôn, nhưng sau 30 năm mở cửa, 40 năm độc lập, 70 năm khởi nghĩa Tháng Tám, Nông nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa bền vững, tính cạnh tranh của sản phẩm với khu vực và thế giới còn thấp, đời sống nông dân vẫn còn khó khăn.

Từ sau khoán 10, tăng trưởng nông nghiệp liên tục sụt giảm

Việt Nam luôn xác định nông nghiệp và nông dân có vai trò quan trọng đối với đất nước nông nghiệp, có 70% dân số làm nông nghiệp, trước đây nông nghiệp còn được coi là mặt trận hàng đầu. Nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước trong những năm qua. Khi kinh tế suy thoái, nông nghiệp trở thành bệ đỡ cho tăng trưởng, là nơi nương tựa và trở về cho lao động thất nghiệp…

Nhưng mấy chục năm nhìn lại, nông nghiệp, nông dân đang còn có nhiều thiệt thòi và ngày càng thấy đã thua thiệt, sẽ còn thua thiệt, với nhiều tổn thương hơn. Nông nghiệp đã dần suy giảm, hết động lực, năng suất và hiệu quả rất thấp, tiêu thụ sản phẩm ngày một khó. Đời sống nông dân vẫn còn khó khăn, nhiều nơi không có điện; hầu hết là không có nước sạch; đời sống văn hóa tinh thần chưa được cải thiện; y tế, giáo dục chưa được đáp ứng.

Tính từ khi thực hiện “đổi mới” và thực hiện khoán 10 năm 1988 đến nay, có thể chia sự phát triển nông nghiệp thành các giai đoạn sau:

  • Thời kỳ thực hiện khoán 10, từ 1988-2000: Sức lao động, đất đai, cơ chế thị trường được cởi mở, thoát khỏi trói buộc của cơ chế hợp tác xã nên nông nghiệp đã khởi sắc mạnh mẽ. Từ chỗ thiếu đói, phải nhập khẩu lương thực, dân phải ăn hạt mỳ, hạt bo bo, ngô khoai sắn, đến đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Thời kỳ này ngành nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt bình quân 4,5%/năm, nhưng sau đó tốc độ tăng trưởng nông nghiệp diễn biến theo chiều hướng giảm dần.
  • Thời kỳ 2001-2005: Tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp giảm còn 3,8%/năm, do các lợi thế của khoán 10 không còn, cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp gay gắt ngay tại nội địa với các nước láng giêng như Trung Quốc, Thái Lan.
  • Thời kỳ 2006 – 2010: Tăng trưởng ngành nông nghiệp lại tiếp tục giảm xuống 3,34%/năm và từ năm 2011 đến 2014, tăng trưởng của ngành giảm còn 3,3%/năm”.

Lợi thế so sánh của nông nghiệp giảm thấp

(Ảnh Internet)
(Ảnh Internet)

Đến nay, các lợi thế của ngành nông nghiệp, thủy sản Việt nam gần như không còn, những vựa lúa gạo, tôm cá của Đồng bằng Sông Cửu Long không còn hấp dẫn, vì giá thành sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam rất cao, mà năng suất lao động thấp.

Năm 2014, năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng một phần mười tám của Singapore, một phần sáu của Malaysia, một phần ba của Thái Lan và Trung Quốc.

Tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản ở mức cao; chất lượng nguồn lao động thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; doanh nghiệp áp dụng công nghệ thấp và trung bình chiếm phần lớn, trình độ tổ chức quản lý còn yếu, cùng với hiệu quả sử dụng các nguồn lực thấp là những nguyên nhân làm cho năng suất lao động của nước ta đạt thấp so với các nước trong khu vực.

Chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong ngành nông nghiệp còn chậm, trong đó, thủy sản đang đi xuống, chăn nuôi chưa trở thành ngành chính, lâm nghiệp tăng trưởng chậm. Chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình, chỉ có 1% doanh nghiệp Việt Nam trong ngành nông nghiệp.

Cần thay đổi tư duy sản xuất theo nhu cầu thị trường

Để đưa sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, có thể cạnh tranh với khu vực, thế giới thì cần nhiều thay đổi, sản xuất những sản phẩm thị trường cần, sản xuất các mặt hàng có lợi thế theo từng vùng, từng tỉnh. Trong sản xuất cần phải liên kết theo chuỗi từ giống, quy trình nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm, cần tạo ra những sản phẩm mới chất lượng cao, liên kết nông hộ với các doanh nghiệp, gắn sản xuất tiêu thụ với chế biến và xuất khẩu.

Nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học cần chung tay với nhà nông để cứu vãn nền nông nghiệp, có vậy mới đảm bảo tốt cho cuộc sống của 50 triệu nông dân.

Thành Long

Xem thêm: