Lực lượng chức năng vừa thu giữ hơn 108 tấn bột ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc và Thái Lan, được Công ty TNHH Saigon Ve Wong chiết thành bột ngọt A-One ghi sản xuất tại Việt Nam để bán ra thị trường.
Vào ngày 26/1, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, đơn vị này hiện đang niêm phong và tạm giữ hơn 108 tấn bột ngọt có dấu hiệu vi phạm nhãn mác bao bì, giả mạo nguồn gốc xuất xứ của Công ty TNHH một thành viên Saigon Ve Wong (số 1707, quốc lộ 1A, quận 12), theo báo Người Đưa Tin.
Trước đó, vào ngày 21/1, lực lượng chức năng đã kiểm tra đột xuất và phát hiện công nhân của Công ty Saigon Ve Wong đang trong quá trình đóng gói sản phẩm bột ngọt.
Quy trình được thực hiện là thay đổi bao bì bột ngọt nhập từ Thái Lan và Trung Quốc loại 25 kg/bao chiết ra bao bì nhỏ loại 100 – 500g, nhãn mác bên ngoài ghi hàng hóa xuất xứ tại Việt Nam.


Công ty này không hề có dây chuyền sản xuất bột ngọt mà chỉ có máy đóng gói, sang chiết từ bao lớn sang bao nhỏ; nguyên liệu nhập khẩu được đóng gói trực tiếp chứ không sản xuất như công bố.
Từ đầu tháng 1/2016 đến nay, Công ty Saigon Ve Wong đã nhập tới 1.200 tấn nguyên liệu bột ngọt từ Trung Quốc để đóng gói, sản xuất bột ngọt, bột nêm, phụ gia mì ăn liền.
Hiện, lực lượng chức năng đã lập biên bản vụ việc, cho tạm giữ toàn bộ lô hàng trên để xử lý.

Được biết, vào năm 1990, Công ty Ve Wong (Đài Loan) và Công ty Lương thực TPHCM hợp tác thành lập Xí nghiệp liên doanh Saigon Ve Wong tại Việt Nam.
Sau đó, năm 2007, Saigon Ve Wong chuyển đổi thành Công ty TNHH Saigon Ve Wong, 100% vốn nước ngoài, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bột ngọt, thực phẩm ăn liền, rau quả sấy khô…
Công ty này có nhà xưởng sản xuất trên khu đất có diện tích rộng 15 hecta tại quận 12, sản xuất bột ngọt, mì ăn liền, chế phẩm gạo, bột canh, với các nhãn hiệu là A-One, Kung Fu, Sức Sống…
Từ Ân tổng hợp
Xem thêm:
- Giải mã toàn tập: Vì sao người Trung Quốc trở nên xấu xí? (Phần 5)
- Sau Đại hội Đảng XII, ông Tập Cận Bình cử đặc phái viên tới Việt Nam
- Mổ sống cướp nội tạng ở Trung Quốc – Tội ác kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại