Một cuộc điện thoại được bí mật ghi âm bởi một nhóm điều tra những vi phạm nhân quyền ở Trung quốc có thể làm sáng tỏ một vấn đề quan trọng: Liệu cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc có trực tiếp ra lệnh tiến hành cuộc diệt chủng một nhóm tôn giáo, bằng những cách bất thường và tàn bạo hay không?
Vào năm 2000, một việc đáng chú ý bắt đầu xuất hiện trong ngành cấy ghép nội tạng của Trung Quốc: tỉ lệ cấy ghép nội tạng tăng vọt, các trung tâm cấy ghép mới được mở ra và một loạt các trang web mời chào rằng thời gian chờ đợi cho việc cấy ghép một cơ quan nội tạng trọng yếu chỉ là một tuần, điều mà chưa từng được nghe nói đến ở các nước phát triển, nơi mà thời gian chờ đợi cho các lá gan hay quả tim thay thế thường được tính bằng hàng năm.
Ẩn đố về nội tạng
Trong một thời gian, đây là một ẩn đố. Trung Quốc không có hệ thống hiến tạng tự nguyện (như ở các nước phát triển) và điều này thường được hiểu là tất cả các nội tạng dùng cho việc cấy ghép được lấy từ các tử tù – tức là, những người bị tuyên bố phạm tội và bị kết án tử hình. Ở Trung quốc, các cơ quan nội tạng của họ đơn thuần là bị lấy đem đi bán.
Nhưng không như tỉ lệ cấy ghép, tỉ lệ tử hình không hề tăng đột biến trong năm 2000. Trên thực tế, dữ liệu từ Duihua, một nhóm nhân quyền tập trung vào Trung quốc, cho thấy là số trường hợp tử hình nói chung là giảm theo các năm.
Những năm sau, bắt đầu từ năm 2006 và 2007, các nhà nghiên cứu đã luận ra điều giải thích cho việc tăng đột biến số ca cấy ghép nội tạng: một nguồn nội tạng mới đã xuất hiện vào năm 2000 – được thu hoạch từ những người thực hành Pháp Luân Công, một môn tập luyện tinh thần.

Pháp Luân Công, một hệ thống các bài tập thiền và bài giảng đạo đức truyền thống, đã trở nên phổ biến vô cùng rộng rãi ở Trung Quốc trong những năm 1990. Tuy nhiên, vào tháng Bảy năm 1999, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã phát động một chiến dịch nhằm diệt trừ môn tập luyện này một cách tàn bạo. Việc môn tập này trở nên quá phổ biến một cách quá nhanh chóng đã khiến ông Giang coi nhóm người tập luyện môn này như một nguy cơ. Ông ta xem việc đàn áp môn này như một cơ hội để tăng cường quyền lực của mình trong Đảng.
Dựa trên dữ liệu về bệnh viện, từ những lời khai của các nhân chứng, các cuộc điện thoại được bí mật ghi âm, các cuộc thử máu, và một loạt các bằng chứng khác, các nhà nghiên cứu đã thấy rằng bắt đầu từ năm 2000, Pháp Luân Công đã trở thành một nguồn tạng chủ yếu mang lại lợi nhuận cho ngành cấy ghép nội tạng của Trung Quốc. Nội tạng từ những người tập Pháp Luân Công đã tiếp nhiên liệu cho sự ra đời ồ ạt của các bệnh viện và các trung tâm dành riêng cho việc cấy ghép nội tạng và làm bùng phát việc buôn bán nội tạng người, một số nội tạng đó được bán cho người nước ngoài với giá từ $100.000 trở lên.
Cùng với bằng chứng nêu trên, một câu hỏi dai dẳng trong suốt cả một thời gian dài là liệu việc này nhanh chóng lan tỏa ra khắp Trung Quốc là do “tinh thần kinh doanh” ở cấp địa phương hay là do có sự chỉ đạo từ cấp cao nhất.
Giết người theo chỉ đạo hay là do tự phát
Vì thiếu các tài liệu làm bằng chứng, luận điểm mặc định là quá trình này là “tự phát”, một cụm từ mang tính chất chua chát mà ông Ethan Gutmann chọn dùng trong cuốn sách “Cuộc thảm sát” của mình, cuốn sách dành riêng cho việc nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề thu hoạch nội tạng từ những người tập Pháp Luân Công.
Nhưng giờ đây, có một cuộc điện thoại – được bí mật ghi âm – dường như cho thấy là một quan chức quân đội cấp cao của Trung Quốc đã thẳng thắn thừa nhận rằng thay vì là một trường hợp tìm kiếm lợi nhuận một cách bất lương tự phát từ dưới lên được nhanh chóng lan truyền, việc giết hàng chục ngàn người thực hành Pháp Luân Công để lấy nội tạng trên thực tế là từ một chỉ thị từ cấp cao nhất. Từ chính ông Giang Trạch Dân.
Vào lúc đó, chính là Chủ tịch Giang. Có một chỉ thị bắt đầu việc này, cấy ghép nội tạng.
-Bai Shuzhong, cựu Cục trưởng Cục Quân y thuộc Tổng cục Hậu cần, Quân đội Trung Quốc
“Vào lúc đó, chính là Chủ tịch Giang. Có một chỉ thị bắt đầu việc này, việc cấy ghép nội tạng”, quan chức này nói. Ông này nhắc lại là ông Giang (vào lúc đó là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, cơ quan Đảng trực tiếp nắm quân đội) nói “Tôi nghe thấy ông ấy đưa ra một chỉ thị…bán thận, làm các phẫu thuật…”
Ông Bai được thông báo rằng người điều tra ông ấy đã nghe thấy là “Các Liên Cục Hậu cần đã giam giữ một số người tập Pháp Luân Công như là những người hiến tặng nội tạng sống, điều đó có thật không?” ông Bai nói: “Việc này, việc này vào hồi đó, à, tôi nghĩ, ít nhất đây là điều tôi đã nhớ, bởi vì hồi đó sau khi Chủ tịch Giang ra lệnh, tất cả chúng tôi đã làm rất nhiều việc chống Pháp Luân Công”.
Ông nói thêm: “Chúng tôi trực tiếp kiểm soát các trường đại học quân y, những trường này là trực tiếp thuộc về Tổng cục Hậu cần của Quân đội Trung Quốc, và họ đã nhiều lần nhận chỉ thị, vì khi đó ông Giang rất chú ý đến việc này và rất nhấn mạnh về việc này”. Người gọi điện hỏi, “Ai đã rất nhấn mạnh về việc này?’, ông Bai nói: “ông Giang, đó là khi ông Giang đang nắm quyền”.
Cuộc gọi diễn ra trong vài phút. Không thể nhầm lẫn được, giọng nói chính là của ông Bạch Thư Trung, cựu Cục trưởng Cục Quân y thuộc Tổng cục Hậu cần Quân đội Trung Quốc. Là một quan chức quân đội nổi tiếng, băng ghi hình các bài phát biểu của ông này có đầy trên mạng để so sánh. Giọng nói trong đoạn băng ghi âm và giọng nói của ông Bạch Thư Trung giống hệt nhau.
Các cuộc gọi du kích
Việc làm thế nào mà một đội điều tra du kích tìm được cách để khiến ông này nói chuyện điện thoại, thậm chí là nhanh chóng thảo luận về các thông tin mang tính nhạy cảm về chính trị như vậy, là một việc khác.
Ông Vương Chí Viễn, người phát ngôn tại New York của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), một đơn vị nghiên cứu chuyên đào xới và thu thập các bằng chứng về những ngược đãi đối với môn tập luyện tinh thần này, và nhóm gọi điện thoại, không cho phép các phóng viên nói chuyện với cá nhân người đã thực hiện cuộc gọi. Vì điều này sẽ có thể làm hại đến danh tính của người gọi, ông nói.
Ông Vương không nói là cá nhân người gọi là ở trong hay ở bên ngoài Trung Quốc. Nhưng ông nói là phương pháp mà họ dùng đã được mài giũa trong nhiều năm, và đã thành công với sự giúp đỡ cảm thông của những người trong cuộc đã tiết lộ thông tin bí mật cho nhóm của họ.
Đặc biệt là trong trường hợp này, người gọi điện thoại giả bộ như là một quan chức cấp cao của Trung quốc đang điều tra sự việc. “Đó là danh tính của một quan chức cấp trên – người mà ông Bạch Thư Trung buộc phải trả lời, người mà ông này sợ”. Tại sao ông này không nhận ra giọng nói của họ? “Có rất nhiều quan chức cấp cao ở Trung quốc. Họ chưa từng gặp nhau.“ Ông Vương nói rằng họ đã nghiên cứu kỹ lưỡng thông tin về những mục tiêu và những người mà họ định đóng giả – đôi khi những cố gắng của họ không thành công do quan chức nhận điện thoại trở nên nghi ngờ và gác máy. Có những lần họ nói, và dường như là khá thoải mái.
Khi được hỏi về tính xác thực của cuộc gọi, ông Vương cho biết là tổ chức của ông có thể cung cấp cho một tòa án quốc tế hoặc một cơ quan có thẩm quyền khác các nhật ký cuộc gọi chi tiết cho thấy rằng cuộc gọi là có thực, cũng như số gọi đi và được gọi. Các cuộc gọi khác đi qua các tổng đài ở Trung quốc, cho thấy các tương tác với những người trực tổng đài và tương tự, không một điều nào, ông Wang nói, có thể là giả mạo. Ông nói rằng WOIPFG không thể công bố thông tin đó vào lúc này vì điều đó có thể có hại cho việc tiếp tục dùng các kỹ thuật này trong tương lai.
Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý rằng, “Nếu như chúng tôi giả mạo điều này, thì chẳng phải ông Bạch Thư Trung sẽ bước ra và chứng minh là chúng tôi sai? Điều đó rất dễ phải không? Tại sao họ không nói gì cả?”
‘Một kẻ giết người vĩ đại’
Ông Tập Cận Bình, người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc, hiện đang tiến hành một cuộc càn quét thanh trừng bộ máy của Đảng và quân đội, và đối với các nhà quan sát, thì rõ ràng là khá nhiều mục tiêu của ông này là các quan chức có dính dáng đến ông Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng. Trong bối cảnh này, thì việc khi một quan chức thật sự tin là ông ta đang bị một điều tra viên của quân đội hoặc tương tự hỏi đến, thì ông ta sẽ phản bội ông Giang, dường như là có thể hiểu được.
Tuy nhiên, kiểu đặt câu hỏi mang tính dẫn dắt này – khi mà các câu trả lời khả dĩ đã nằm trong câu hỏi – là không đủ tính thuyết phục đối với ông David Matas, một luật sư nhân quyền Canada, người là đồng tác giả của một bản báo cáo đáng lưu ý và một cuốn sách về việc thu hoạch nội tạng từ những người tập Pháp Luân Công của Đảng.
“Những thông tin có vẻ đáng tin cậy, nhưng không thể kiểm chứng được. Đó chính là vấn đề đáng quan tâm”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Giang Trạch Dân ra lệnh đó, là một phần tính cách của ông ta… ông ta là một kẻ giết người vĩ đại.
-David Matas, luật sư nhân quyền, người điều tra việc lạm dụng cấy ghép nội tạng
Ông Matas nói thêm: “Như tôi quan ngại, bằng chứng về việc giết những người tập Pháp Luân Công để lấy nội tạng là khá thuyết phục và chúng ta biết là ông Giang đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công”. Bản thân cuộc gọi không chứng minh được là liệu những tội ác đó có thực sự diễn ra hay không – điều đó đã được thấy rõ, ông Matas nói – nhưng “nó cho chúng ta biết có lẽ là một số cơ chế về việc nó đã xảy ra như thế nào và điều gì đã dẫn đến việc đó”.
Ông Matas coi cuộc điện thoại này mang tính gợi mở và có khả năng dùng để “kết tội”, mặc dù tự thân nó không phải là bằng chứng “không thể chối cãi”. Ông nói thêm: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Giang Trạch Dân ra lệnh đó, là một phần tính cách của ông ta… ông ta là một kẻ giết người vĩ đại ”.
Matthew Robertson, Epoch Times
Quá Dương biên tập
Xem thêm: