Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, TS. Nguyễn Đình Cung, trong một diễn đàn về hội nhập mới đây đã thẳng thắn thừa nhận một nền kinh tế như Việt Nam không thể chối bỏ FDI, thậm chí còn phải kỳ vọng rất nhiều vào khu vực này.

Một trong những thành quả và cũng là hệ lụy mà khối doanh nghiệp (DN) FDI đang in dấu rất rõ lên nền kinh tế Việt Nam chính là kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 400 tỷ USD khi chưa kết thúc năm 2017.

So với con số hơn 30 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt được trong năm 2001 thì kết quả 400 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2017 thực sự là “kỳ tích” – như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận xét. Nhưng đằng sau những số liệu được bóc tách lại là câu chuyện giữa thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) với những giá trị thật mà Việt Nam thu về được.

Kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 400 tỷ USD khi chưa kết thúc năm 2017. (Ảnh: tapchitaichinh.vn)

Khu vực FDI đóng góp tới 145 tỷ USD cho xuất khẩu và 120,6 tỷ USD cho nhập khẩu, chiếm hơn 66% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Nếu chỉ tính riêng xuất khẩu, tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI đạt trên 71%.

Số liệu thống kê cũng thể hiện rõ nhóm công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng xuất khẩu nhanh. Trong đó, nhóm hàng dệt may và điện thoại, linh kiện “áp đảo” các mặt hàng còn lại. Đáng lưu ý, nhóm hàng này phần lớn nằm trong tay các ông lớn FDI.

Theo Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công thương nêu rõ cơ cấu xuất khẩu theo thành phần kinh tế của Việt Nam có sự “chuyển biến rõ rệt”, tuy nhiên theo hướng đáng phải suy nghĩ. Nếu năm 2007, khu vực kinh tế trong nước đóng góp 42,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến 2016 chỉ còn 28,5%. Tương ứng, tỷ trọng của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 57,2% năm 2007 lên 71,5% năm 2016.

“Các chính sách thu hút FDI trong lĩnh vực sản xuất đem lại kết quả tốt nhưng cũng thể hiện việc xuất khẩu của Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khối DN này. Sự phụ thuộc này không chỉ khiến xuất khẩu – động lực chính của tăng trưởng – trở nên nhạy cảm và bấp bênh hơn trước những biến động của kinh tế thế giới, mà giá trị gia tăng của sản xuất và xuất khẩu Việt Nam thu được rất thấp” – báo cáo chỉ rõ.

Theo TS Tuấn Anh thuộc Khoa Kinh tế học – Đại học Kinh tế Quốc dân, tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn vừa qua chưa bền vững, giá trị gia tăng của hàng hóa còn thấp do chủ yếu dựa vào khai thác các yếu tố về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động rẻ; hàng công nghiệp chế biến chủ yếu là gia công, lắp ráp dựa trên việc nhập khẩu nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện, chi tiết máy, bán thành phẩm.

“Chính sách đẩy mạnh xuất khẩu mới chỉ chú trọng đến bề rộng, chưa chú trọng đến nâng cao khả năng cạnh tranh và thương hiệu sản phẩm, những ngành mang lại giá trị gia tăng lớn; còn hạn chế trong việc đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu và chuyển dịch lên chuỗi giá trị toàn cầu, chưa thực sự quan tâm đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” – ông Tuấn Anh nhìn nhận.

Giai đoạn 2010-2015, Việt Nam có 323 lô hàng thủy hải sản bị cảnh báo không bảo đảm an toàn thực phẩm; nhiều lô hàng rau húng, thanh long, ớt bị cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và an toàn thực phẩm.

Nhiều sản phẩm của Việt Nam chưa đáp ứng được các quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu. Việc không tuân thủ các hàng rào này khiến nông sản Việt Nam bị mất uy tín, thậm chí có thể mất quyền xuất khẩu trong tương lai.

Đa phần DN Việt không có chiến lược kinh doanh bài bản theo hướng khai thác lợi thế so sánh trong thương mại quốc tế, hoạt động kinh doanh thường diễn ra theo các hợp đồng ngắn hạn, cạnh tranh lẫn nhau, thiếu tính liên kết và không có thương hiệu.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ góp ý cần cố gắng cải thiện trình độ để tăng tỷ lệ nội địa hóa trong mỗi sản phẩm, qua đó giúp nền kinh tế được hưởng lợi thực sự từ hoạt động giao thương. Trong đó, lưu ý nâng cao tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, bởi đây mới chính là lĩnh vực có giá trị với nền kinh tế và cải thiện thu nhập của nông dân, tuy rằng tỷ trọng đóng góp còn rất thấp.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng nhìn nhận DN Việt Nam còn yếu kém, sức cạnh tranh thấp, ít gắn kết với DN, hệ quả là tồn tại 2 nền kinh tế trong một quốc gia.

Quang Minh