Chỉ trong vòng chưa đầy 7 tháng, một nữ kế toán ngân hàng đã dùng các thủ thuật và ký giả chữ ký chiếm đoạt hơn 82,3 tỷ đồng của 12 khách hàng gửi tiền tại Ngân hàng Bản Việt.

Theo Vietnamnet, ngày 3/5, TAND Tp.HCM đã tuyên phạt bị cáo Trần Thị Thu Trang, nguyên Phó phòng kế toán giao dịch và ngân quỹ Chi nhánh Gia Định thuộc Ngân hàng TMCP Bản Việt, tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Năm đồng phạm của Trang nguyên là nhân viên kế toán, nhân viên ngân quỹ của Chi nhánh Gia Định cũng lãnh mức án từ 3 năm tù treo tới gần 4 năm tù cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Nữ kế toán ngân hàng giả chữ ký rút hơn 80 tỷ đồng tiền tiết kiệm của khách
Các bị cáo tại tòa. (Ảnh: Vietnamnet)

Theo Pháp luật Tp.HCM, kết quả điều tra cho thấy, do làm ăn thua lỗ, bắt đầu từ tháng 6/2008, Trang vay tiền của những người thân quen với lãi suất cao. Đến đầu năm 2013, Trang mất khả năng thanh toán. Lúc này, Trang đã “tung chiêu” để lấy tiền của ngân hàng nhằm trả nợ cho mình.

Cụ thể, từ ngày 7/2/2013 đến ngày 4/9/2013, Trang đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền lập 53 chứng từ khống rồi giả chữ ký, tất toán sổ tiết kiệm của 12 khách hàng để chiếm đoạt hơn 82,3 tỷ đồng của Ngân hàng Bản Việt.

Nữ kế toán này chỉ đạo nhân viên lập chứng từ tất toán sổ tiết kiệm, chi tiền mặt cân đối bù trừ chứng từ cuối ngày. Sau đó, tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của Trang hoặc tài khoản ảo do Trang tự lập ra, tài khoản của chủ nợ.

Qua điều tra xác định, Trang đã sử dụng tiền chiếm đoạt được trả cho 15 chủ nợ. Tổng cộng số tiền Trang đã chi để trả lại cho ngân hàng là 7,5 tỷ đồng. Như vậy, số tiền mà cơ quan điều tra kết luận Trang chiếm đoạt của khách hàng tại Ngân hàng Bản Việt còn lại là 74,8 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, một loạt các vụ các vụ tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng bỗng dưng “bốc hơi” khiến dư luận không khỏi hoang mang. Trong đó, đáng chú ý nhất là hai vụ lùm xùm mất gần 300 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).

Để phòng tránh mất tiền trong tài khoản, luật sư T.Đ.P (văn phòng luật sư quận Tân Phú, Tp.HCM) trong một chia sẻ cuối năm 2017 cho rằng tất cả khách hàng dù là khách hàng VIP hay các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, gửi tiền dưới bất kỳ hình thức nào ở ngân hàng cũng cần lưu ý thực hiện đúng quy trình gửi tiền tại ngân hàng như: Đến giao dịch trực tiếp tại quầy (trừ gửi online), không ký khống chứng từ và khi tất toán thì cần làm đúng quy trình.

Ngoài ra, TS. Bùi Quang Tín cũng đưa ra lời khuyên là các khách hàng gửi tiền ở ngân hàng nên bảo quản sổ tiết kiệm cẩn thận vì đây là bằng chứng chứng minh mình có giao dịch với ngân hàng, nếu mất phải báo ngay cho các ngân hàng có thể đến trụ sở hoặc qua điện thoại.

Bên cạnh đó, thi thoảng khách hàng cũng cần kiểm tra sổ để nếu có sai sót gì thì báo ngay cho ngân hàng. Khi giao dịch trực tuyến, khách hàng nên cẩn thận, kiểm tra cẩn thận về nội dung, tên, các thông tin liên quan một cách cẩn thận.

Thêm vào đó, người gửi tiền không nên đưa sổ tiết kiệm cho người khác, không nên ký trước vào những giấy tờ không có nội dung.

Nguyễn Trang