Lĩnh vực giao đồ ăn, hàng hoá trực tuyến tại Việt Nam đang dần trở thành miếng bánh “béo bở” khi thu hút được rất nhiều nhà đầu tư sừng sỏ tham gia cuộc đua giành thị phần.  

Gần đây, Hà Nội liên tiếp đón thêm các hãng công nghệ cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hoá, đồ ăn. Sau hơn một năm hoạt động tại Tp.HCM, hãng giao nhận bằng xe 2 bánh Lalamove của Hồng Kông đã chính thức ra mắt tại Hà Nội ngày 3/10.

Trước đó 1 tháng, Go-Viet cũng Bắc tiến với 2 dịch vụ là Go-Bike (gọi xe ôm công nghệ) và Go-Send (giao nhận hàng hóa).

Trong khi đó, Grab cũng không ngừng đẩy mạnh các dịch vụ của mình tại Hà Nội. Ngoài GrabExpress (dịch vụ chuyển phát nhanh) xuất hiện từ đầu năm 2018, GrabFood (dịch vụ giao nhận đồ ăn) cũng ra mắt chỉ trước khi Lalamove Bắc tiến 1 ngày.

Chia sẻ trên Vnexpress, ông Philippe Rambaud, Trưởng bộ phận phát triển thị trường Hà Nội của Lalamove, cho biết dự kiến đến năm 2020 Việt Nam sẽ có hơn 50 triệu khách hàng mua sắm trực tuyến. Đây là một thị trường lớn với các hãng cung cấp dịch vụ giao nhận tức thời.

Riêng với thị trường đặt món trực tuyến, theo một báo cáo của Euromonitor, lĩnh vực này ở Việt Nam có giá trị khoảng 33 triệu USD trong năm 2018 và dự báo sẽ đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp muốn được chia phần.

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt ở Hà Nội, ông Nguyễn Đức Lợi, Giám đốc Điều hành Lalamove Việt Nam, cho biết hãng này sẽ cạnh tranh với tất cả đối thủ. Mặc dù không đưa ra mục tiêu con số thị phần cụ thể trong thời gian tới, song lãnh đạo của Lalamove Việt Nam cho biết đặt mục tiêu thu hút 10.000 đối tác tài xế vào quý I/2019.

Theo Tri thức trực tuyến tại, Lalamove sẽ nhắm đến khách hàng tại nội thành, chủ yếu là các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hình thức giao nhận chủ yếu trên xe 2 bánh và cam kết sẽ giao hàng với thời gian tối đa là 55 phút.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Grab Việt Nam, GrabFood có sự tăng trưởng ấn tượng sau một tháng thử nghiệm tại Hà Nội khi số lượng đối tác kinh doanh dịch vụ này với Grab đã tăng gấp 8 lần. Đồng thời, nhờ việc giao thêm hàng hoá, đồ ăn, thu nhập các tài xế Grab đã tăng thêm 20% so với tháng 8.

Đối với Go-Viet, hãng này hiện mới chỉ cung cấp dịch vụ giao hàng hóa, nhưng cũng đặt kế hoạch ra mắt dịch vụ giao đồ ăn tại Việt Nam vào cuối năm nay.

Có thể thấy, trong bối cảnh cuộc đua giao hàng trực tuyến nóng lên nhanh chóng trong thời gian qua, khách hàng sẽ ngày càng được hưởng lợi khi các hãng sẽ đua nhau tung khuyến mại, nâng cao chất lượng dịch vụ… để giành thị phần.

Đại diện các hãng như Grab, Go-Viet hay Lalamove cũng đều khẳng định cạnh tranh là tốt cho thị trường, người tiêu dùng và bản thân doanh nghiệp. Lãnh đạo một trong ba đơn vị này còn cho rằng thị trường Việt Nam sẽ có thêm nhiều đối thủ mới trong thời gian tới.

(Tổng hợp)