Quyết định tăng thuế của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ nhanh chóng khiến ông hối hận, hãng tin Nikkei nhận định.

Sau 2 lần trì hoãn, mức thuế tiêu dùng 10% của ông Shinzo Abe đã được kích hoạt kể từ tháng 10/2018 thay vì 8% như trước kia.

Thế nhưng, giới chuyên gia lại cho rằng lần tăng thuế này là một sai lầm nghiêm trọng.

Công bằng mà nói, chương trình kích thích kinh tế Abenomics của ông Shinzo Abe đưa ra trong thời gian qua đã khá thành công với tỷ trọng xuất khẩu và lợi nhuận doanh nghiệp không ngừng tăng cao.

nikkei quyet dinh tang thue se khien thu tuong nhat ban shinzo abe hoi han
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: AFP)

Tính đến tháng 6/2018, mức lương sau điều chỉnh lạm phát tại Nhật đã tăng mạnh nhất trong vòng 21 năm qua. Điều này đã khiến giới đầu tư chứng khoán cảm thấy hài lòng, thúc đẩy mua mạnh cổ phiếu, đưa chỉ số Nikkei lên mức cao nhất trong 27 năm.

Tuy nhiên, nếu nhìn về tương lai, thời điểm tăng thuế của Thủ tướng Abe là không hợp lý. Triển vọng tăng trưởng của kinh tế Nhật xám xịt do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.

Ngân hàng Trung ương Nhật đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Nhật năm 2019 xuống còn 0,8%, chỉ bằng 1/2 mức tăng trưởng của năm 2018. Trong khi đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật năm 2019 đạt 0,9%.

Giờ đây khi mà đồng Yên tăng giá mạnh hơn, các dự báo tăng trưởng kinh tế trên dường như vẫn còn quá lạc quan.

Trong tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin phát đi tín hiệu rằng Mỹ sẽ vẫn yêu cầu đưa điều khoản cấm thao túng tỷ giá đồng tiền vào các thỏa thuận thương mại mới. Thông điệp trên đồng nghĩa với việc tuyên bố: “Đồng Yên cần phải mạnh lên”.

Tuy nhiên, đồng Yên mạnh lên sẽ tác động trực tiếp đến chương trình kích thích kinh tế Abenomics. Sự thành công của Abenomics kể từ năm 2012 được hỗ trợ rất nhiều từ việc đồng Yên giảm giá đến 30% so với đồng USD.

Trong 6 năm qua, Thủ tướng Abe đã hưởng lợi nhiều nhờ đồng Yên yếu hơn. Việc bảo vệ được quan điểm chính sách tiền tệ của Nhật trước Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể coi là một thành công ông Shinzo Abe.

Từ khi ông Abe đến thăm ông Trump tại New York vào năm 2016, ông Trump đã không ngừng phàn nàn về đồng USD quá mạnh nhưng không hề nhắc gì đến Nhật Bản. Điều này sẽ thay đổi.

Ông chủ Nhà Trắng đang trông chờ vào hiệp định thương mại mới với Nhật Bản để củng cố thêm địa vị chính trị của mình. Tổng thống Trump sẽ có nhiều cách để khiến phía Nhật phải thay đổi quan điểm về chính sách tỷ giá.

Giờ đây, khi quyết định tăng thuế có hiệu lực càng đẩy Nhật Bản vào khó khăn. Thuế tiêu dùng tuy có thể giúp Nhật Bản có thêm tiền cho các quỹ phúc lợi xã hội và chi phí để trả nợ, nhưng đây sẽ là một gánh nặng cho người lao động nước này. Chi tiêu tiêu dùng sẽ giảm mạnh.

Còn nhớ khi mà Thủ tướng Abe quyết định tăng thuế vào tháng 4/2014, từ 5% lên 8%, kinh tế Nhật đã chịu sự gián đoạn tồi tệ nhất tính từ sau vụ động đất năm 2011. Đến tháng 12/2014, đảng cầm quyền LDP phải tung ra gói kích thích tài khóa và tiền tệ đầu tiên trị giá 30 tỷ USD.

Thuế sẽ chỉ khiến quốc gia hoa Anh đào rơi vào tình cảnh nợ nhiều hơn. Hiện tại, tỷ lệ nợ/GDP tại Nhật Bản ước tính khoảng 253%, con số cao đáng kinh ngạc. Vào năm 2014, tỷ lệ nợ/GDP là 149%.

Nhiều người đã đặt câu hỏi: Vậy cuối cùng tiền thu được từ tăng thuế trước đây đã đi về đâu?

Kiều Ngọc (Tổng hợp)