Khoảng 30 trong số 123 doanh nghiệp Hàn Quốc từng hoạt động tại khu công nghiệp Kaesong bị đóng cửa cách đây hơn 2 năm đã chuyển hoạt động sản xuất nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Yonhap ngày 25/7 dẫn nguồn tin từ Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động ở Kaesong cho biết nhiều công ty đã chuyển hướng đầu tư tới Việt Nam và các nước khác do giá lao động ở Hàn Quốc ngày càng tăng cao sau khi họ rút khỏi khu công nghiệp liên Triều.

Một trong các doanh nghiệp này là công ty Young Inner Foam, nhà sản xuất đồ lót, đang xây dựng nhà máy thứ hai gần Tp.HCM, dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2019.

Ba tháng sau khi rút khỏi Kaesong, công ty này đã xây dựng nhà máy đầu tiên ở Tp.HCM vì không chịu nổi áp lực giá thuê lao động quá cao ở Hàn Quốc.

DMF, công ty chuyên sản xuất quần jean và các mặt hàng thời trang khác của Hàn Quốc, cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Sau khi rút khỏi Kaesong, công ty này đã xây một nhà máy ở Hà Nội và thuê khoảng 350 công nhân Việt Nam.

Chủ tịch DMF Choi Dong-jin cho biết việc vận hành một nhà máy sản xuất ở Hàn Quốc đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu lao động và giá nhân công rất đắt đỏ.

Theo CEO công ty Young Inner Foam, Lee Jong-duk, lương bình quân của người lao động tại Việt Nam trong năm 2019 dự kiến chỉ khoảng 270 USD/tháng, thấp hơn nhiều so với con số 1.600 USD/tháng mà công ty phải trả cho người lao động Hàn Quốc dựa trên mức lương tối thiểu mới của quốc gia này trong năm tới.

Hàn Quốc đã tăng mức lương tối thiểu 16,4% lên 7.530 Won (6,68 USD)/giờ từ 1/1/2018. Đây là mức tăng lớn nhất trong gần hai thập kỷ qua. Mức lương tối thiểu năm 2019 sẽ tiếp tục tăng thêm 10,9% so với năm nay, đạt 8.350 Won (7,3 USD)/giờ.

Hồi tháng 2/2016, Hàn Quốc đã quyết định đóng cửa khu công nghiệp Kaesong để trừng phạt Triều Tiên vì đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4 và phóng tên lửa tầm xa. Trước khi bị đóng cửa, 123 doanh nghiệp của Hàn Quốc, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã hoạt động tại khu công nghiệp này.

Khu công nghiệp Keasong từng được coi là biểu tượng của sự hợp tác kinh tế liên Triều vì kết hợp giữa vốn và công nghệ của Hàn Quốc với nguồn lao động giá rẻ của Triều Tiên.

Vỹ An