Trong một diễn văn đọc trước Hiệp hội vì tiến bộ khoa học của Anh quốc, diễn ra tại Edinburgh vào Tháng 8/1871, Lord Kelvin, người khám phá ra Định luật thứ 2 của Nhiệt động lực học, nhận xét Thuyết Tiến hóa của Darwin không phải là một lý thuyết thực sự, mà chỉ là một giả thuyết. Thật thú vị để nhấn mạnh rằng khoa học càng phát triển càng chứng tỏ Kelvin đúng…

 Quý độc giả lưu ý:

Loạt bài về thuyết tiến hóa trên Đại Kỷ Nguyên được phân thành 2 mục chính sau:

Quý độc giả có thể bookmark, ghi lại đường link hai mục trên để tiện theo dõi loạt bài này một cách có hệ thống. Các bài mới sẽ được thêm vào hai mục trên. Trân trọng thông báo.

Độc giả đã biết Louis Pasteur và Gregor Mendel là hai nhà sinh học vĩ đại nhất thế kỷ 19 và cả hai đều bác bỏ học thuyết Darwin. Điều thú vị là ở chỗ không những các định luật sinh học mà các ông khám phá đã tự động bác bỏ học thuyết Darwin, mà chính bản thân các ông cũng lên tiếng bác bỏ học thuyết này, trực tiếp hoặc gián tiếp, mặc dù các ông đều tế nhị không nhắc đến cá nhân Darwin.

Có một nhà khoa học lỗi lạc khác cùng thời với Pasteur và Mendel, có những điểm tương đồng với hai ông, đó là Lord Kelvin, tức William Thomson, người từng có giai đoàn là chủ tịch Hội Hoàng gia Anh – cương vị ngày xưa Isaac Newton từng nắm giữ. Điểm tương đồng thú vị giữa Kelvin với Pasteur và Mendel là ở chỗ, không những Định luật thứ 2 của Nhiệt động lực học do ông khám phá đã tự động bác bỏ học thuyết Darwin, mà chính bản thân Kelvin cũng lên tiếng bác bỏ học thuyết này, thậm chí còn mạnh mẽ hơn Pasteur và Mendel.

lord kelvin tiến nóa

Xin lưu ý rằng Kelvin, giống như Pasteur và Mendel, là một tín đồ Thiên Chúa giáo trung thành, nhưng ông không dùng Kinh Thánh để phê phán học thuyết Darwin, mà đứng trên lập trường khoa học của một nhà khoa học bậc thầy để phê phán nó. Đây là điểm cần chú ý, bởi nếu không, chúng ta sẽ lại được nghe những lời rêu rao của giới tiến hóa rằng Lord Kelvin chống thuyết tiến hóa chỉ vì lý do bảo vệ tôn giáo mà thôi.

Quả thật Kelvin đánh giá thấp tư duy của giới vô thần và ông luôn thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ vào Đấng Sáng tạo. Đối với giới tiến hóa, chừng ấy đã là đủ để họ bác bỏ mọi ý kiến của ông, với cái cớ rằng ông là người của tôn giáo, đối thủ không đội trời chung với thuyết tiến hóa.

Đó là một chiêu trò giới tiến hóa thường áp dụng để tự vệ ─ cách tự vệ tốt nhất là biến cuộc tranh luận xung quanh thuyết tiến hóa thành cuộc tranh luận giữa khoa học với tôn giáo, trong đó họ tự coi mình là đại diện cho khoa học, còn đối thủ của họ là những người bảo vệ tôn giáo. Đây là trò đánh lận con đen, một cách đánh lạc hướng dư luận, nhằm thu phục sự ủng hộ của những người có tâm lý bài tôn giáo hoặc những người nhẹ dạ cả tin. Tuy nhiên, kiểu đánh lừa này chỉ có hiệu quả đối với những người có trình độ thấp.

Chỉ cần có nhận thức từ trung bình trở lên, mọi người đều có khả năng phân biệt tôn giáo với triết học, phân biệt khái niệm Chúa của tôn giáo với khái niệm Chúa của triết học. Một người tin vào sự hiện hữu của Đấng Sáng tạo có thể là một người không tin vào Chúa của tôn giáo, điển hình là Albert Einstein.

Thật vậy, Einstein là nhà khoa học nhắc đến Chúa nhiều nhất (có lần ông làm cho Niels Bohr khó chịu đến nỗi phải đề nghị ông ngừng nhắc đến Chúa), nhưng Chúa của Einstein chỉ là Đấng Sáng tạo vũ trụ, thay vì Chúa của bất cứ một tôn giáo cụ thể nào. Tôn giáo truyền thống của gia đình ông là Do Thái giáo, nhưng cha mẹ ông là những người có tư tưởng tự do, không giữ đạo. Bản thân ông cũng không giữ đạo, thậm chí ông còn có những phát biểu phê phán đức tin Thiên Chúa giáo. Ông đề xướng một kiểu tôn giáo mới được gọi là tôn giáo vũ trụ, tôn giáo này chỉ tin vào Đấng Sáng tạo, không tin vào Chúa quan phòng tới số phận của con người. Nhưng tôn giáo của ông chỉ nằm trong sách của ông, không có giáo dân, không có nghi lễ tôn giáo, không đáng được gọi là một tôn giáo. Vậy Einstein là ai? Ông là người hữu thần hay vô thần?

Nếu người vô thần tuyệt đối không tin vào Đấng Sáng tạo thì chắc chắn Einstein không phải người vô thần. Nếu tin vào Đấng Sáng tạo được coi là hữu thần thì Einstein là một người hữu thần mạnh mẽ, vì ông nhiều lần khẳng định vai trò của Đấng Sáng tạo mà ông gọi là Chúa (God). Nhưng niềm tin của ông thể hiện tư tưởng triết học và khoa học nhiều hơn là tôn giáo, nếu ta quan niệm tôn giáo là một đức tin có sự tôn thờ và có những nghi lễ tôn giáo cụ thể mà giáo dân phải tuân thủ gìn giữ.

Tóm lại, vấn đề vô thần hay hữu thần trước hết là vấn đề của triết học và vũ trụ quan, thay vì của tôn giáo, bởi vì trong số những người hữu thần, có nhiều người không có tôn giáo. Nói cách khác, một cuộc tranh luận về vô thần hay hữu thần trước hết là một cuộc tranh luận về VŨ TRỤ QUAN KHOA HỌC. Đây là chỗ giới tiến hóa không hiểu, hoặc cố tình không hiểu, do đó họ thường hướng cuộc tranh luận về tiến hóa thành cuộc tranh luận đả phá tôn giáo. Mọi độc giả cần CẢNH GIÁC với ý đồ này.

Đến đây phải kết luận Einstein là một nhà khoa học điển hình theo Thuyết Sáng tạo (Creationism) hoặc Thuyết Thiết kế Thông minh (Theory of Intelligent Design), thay vì một người bênh vực tôn giáo. Điều này cũng đúng với Pasteur, Mendel, Kelvin,… khi các ông thể hiện niềm tin vào Đấng Sáng tạo, hoặc Nhà Thiết kế Thông minh của vũ trụ.

Với nhận thức đó, chúng ta có thể tìm hiểu vũ trụ quan của Lord Kelvin, nhà khoa học lỗi lạc đã khám phá ra Định luât 2 của Nhiệt động lực học, một trong những định luật phổ quát nhất trong toàn vũ trụ.

Tư tưởng của Lord Kelvin

Có một tác phẩm triết học hay nhất mà tôi được biết, đó là cuốn Pensées (Tư tưởng) của Blaise Pascal. Pascal coi tư tưởng là thước đo tầm vóc của một con người, vì thế dường như ông dồn hết tâm trí và niềm say mê vào cuốn sách này. Tư tưởng của ông dàn trải trên khắp các lĩnh vực nhận thức, bao trùm một phạm vi rất rộng trong cái biển nhận thức của loài người, vì thế ông trình bày các tư tưởng của mình dưới dạng liệt kê đánh số, rất tiện lợi cho việc ghi nhớ và suy ngẫm. Tôi xin bắt chước kiểu trình bày đó để giới thiệu tư tưởng của Lord Kelvin. Trong khi chuyển ngữ, tôi cố gắng dịch sát từng chữ của tác giả. Nếu vì thế mà khó hiểu thì sẽ có ý kiến chú thích của người dịch, thậm chí là những bình luận nhằm làm sáng rõ vấn đề. Trong một số trường hợp, nếu dịch sát từng chữ trở thành quá khó hiểu thì tôi sẽ dịch ý, nhưng tuyệt đối không tự cho phép mình làm sai lệch hoặc thêm bớt ý kiến của tác giả. Tất cả các ý kiến đều có nguồn dẫn đầy đủ trong phần chú thích và tài lieu tham khảo ở cuối bài. Sau đây là những phát biểu của Lord Kelvin đã được đánh số.

1* Tôi tin rằng một lần nữa các nhà sinh học hiện đại đang đi tới một sự chấp nhận chắc chắn về một cái gì đó vượt quá ngay cả lực hấp dẫn, lực hóa học và các lực vật lý; và rằng cái không biết ấy là một nguyên lý về sự sống (Modern biologists are coming, I believe, once more to a firm acceptance of something beyond mere gravitational, chemical, and physical forces; and that unknown thing is a vital principle).

Bình luận: Có nghĩa là để giải thích sự sống, những hiểu biết về vật lý và hóa học là không đủ. Có những nguyên lý mà loài người chưa biết, nằm ngoài vật lý và hóa học, có thể cao hơn vật lý và hóa học. Ý kiến này giống như một lời tiên tri, vì quả thật sau này, việc khám phá ra DNA đã dẫn sinh học tới một thế giới hoàn toàn mới, nằm ngoài vật lý và hóa học, đó là lý thuyết thông tin. Để giải thích sự sống, bắt buộc phải có những hiểu biết về lý thuyết thông tin. Không có thông tin sẽ không có sự sống. Thông tin là những hướng dẫn để vật chất thực hiện những tương tác theo chương trình. Không có thông tin, vật chất mãi mãi tồn tại ở dạng hỗn độn, ngẫu nhiên, không thể tập hợp lại thành vật chất sống. Nhưng Lý thuyết Thông tin giáng một đòn chết người vào thuyết tiến hóa khi nó khẳng định rằng thông tin không phải là vật chất. Thông tin tồn tại độc lập với vật chất. Do đó mọi tương tác vật chất không thể tạo ra thông tin ─ tương tác vật chất chỉ có thể đẻ ra vật chất, không thể đẻ ra bất cứ cái gì là phi vật chất. Giống như một chiếc computer, dù tinh vi đến mấy, tự nó không thể tạo ra chương trình. Chương trình do con người viết ra. Thông tin trong computer xuất phát từ nguồn thông minh của nó, đó là con người, nhà lập trình. Trong sinh học cũng vậy, thông tin của sự song không xuất phát từ bản thân vật chất, mà xuất phát từ NGUỒN THÔNG MINH của nó.

lord kelvin tiến nóa

Nguồn thông minh ấy là gì, nếu không phải Đấng Sáng tạo, hoặc Nhà Thiết kế Thông minh? Đây là chỗ để người theo Thuyết Sáng tạo và Thuyết Thiết kế thông minh reo lên sung sướng vì thấy rõ vai trò của Đấng Sáng tạo hoặc Nhà Thiết kế vĩ đại, nhưng lại là chỗ bế tắc của thuyết tiến hóa, mặc dù các nhà tiến hóa vẫn NÓI BỪA, NÓI LIỀU rằng sự tiến hóa trong hàng tỷ năm có thể đẻ ra thông tin (!!!). Thật là hoang đường hết chỗ nói. Trong hàng nghìn câu chuyện hoang đường từ xưa tới nay, không có chuyện hoang đường nào có thể so sánh với chuyện hoang đường này. Đó là nói bừa, nói vô trách nhiệm, một kiểu ngoan cố cãi chầy cãi cối, bất chấp logic khoa học, vì logic không thể chấp nhận lý lẽ cho rằng tương tác vật chất đẻ ra phi vật chất. Trong khi đó, Kelvin, người sống trước chúng ta khoảng 150 năm, không hề biết gì về Lý thuyết Thông tin, nhưng bằng trực giác thiên tài, ông đã cảm thấy tồn tại một “nguyên lý của sự sống” mà nhân loại chưa hề biết. Thông tin có lẽ là một bộ phận nền tảng trong “nguyên lý của sự sống”, nhưng không có gì đảm bảo chắc chắn rằng đó là tất cả bí mật của sự sống. Bí mật của sự sống có thể còn lớn hơn nhiều!

2* Giới hạn của các giai đoạn địa chất, áp đặt bởi khoa học vật lý, tất nhiên không thể bác bỏ giả thuyết về sự đột biến của các loài; nhưng dường như nó đủ để bác bỏ học thuyết cho rằng sự đột biến xảy ra thông qua các thế hệ với sự biến đổi nhờ chọn lọc tự nhiên (The limitations of geological periods, imposed by physical science, cannot, of course, disprove the hypothesis of transmutation of species; but it does seem sufficient to disprove the doctrine that transmutation has taken place through ‘descent with modification by natural selection).

Bình luận: Trong hơn 150 năm qua, giới tiến hóa đã ra sức tiến hành những thí nghiệm hòng chứng minh sự đột biến dẫn tới loài mới. Nhưng thật cay đắng cho họ, không có thí nghiệm nào thành công. Tất cả những thí nghiệm đều chứng minh rằng đột biến dẫn tới bệnh hoạn và cái chết. Về mặt lý thuyết: khoa học về DNA chỉ ra rằng sự biến đổi loài, nếu có, đòi hỏi sự tăng thông tin, nhưng đột biến không hề làm tăng thông tin, mà chỉ làm hỏng thông tin, là, méo thông tin. Các nhà tiến hóa không chỉ ra được bất cứ một trường hợp thực tế nào mà trong đó đột biến dẫn tới tăng thông tin. Thực tế chỉ thấy đột biến dẫn tới quái thai. Sự lai tạp dẫn tới những đột biến nhỏ, nhưng không hề làm thay đổi loài. Chó mãi mãi là chó. Khỉ mãi mãi là khỉ. Chó không bao giờ biến thành mèo. Khỉ không bao giờ biến thành người. Lý thuyết vượn tiến hóa thành người là lý thuyết 100% tưởng tượng và bịa đặt! Darwin là ông tổ của một học thuyết bịa đặt. Lord Kelvin, với con mắt tinh đời, từ lâu đã cho rằng sự hạn chế của các giai đoạn địa chất đủ để bác bỏ lý thuyết về đột biến. Đó cũng là một trực giác thiên tài.

3* Tôi cần phải nói công khai rằng sự khởi đầu và sự duy trì sự sống trên trái đất hoàn toàn vượt quá phạm vi của mọi phỏng đoán hợp lý trong khoa học động lực (tức các khoa học tự nhiên như vật lý, hóa học,… chú thích của tác giả). Đóng góp duy nhất của khoa học động lực cho sinh học lý thuyết là sự phủ định tuyệt đối về sự khởi đầu tự động hoặc sự duy trì tự động của sự sống (I need scarcely say that the beginning and maintenance of life on earth is absolutely and infinitely beyond the range of all sound speculation in dynamical science. The only contribution of dynamics to theoretical biology is absolute negation of automatic commencement or automatic maintenance of life).

Bình luận: Ý kiến này có những điểm tương đồng với ý kiến 1* ở trên, rằng các khoa học vật lý, hóa học, hay nói chung là khoa học tự nhiên không đủ để giải thích sự hình thành và duy trì sự sống. Điều ngược lại mới đúng: khoa học tự nhiên cung cấp những bằng chứng thuyết phục đẻ phủ định hoàn toàn lý thuyết sự sống hình thành tự phát. Đó là thí nghiệm bình cổ cong thiên nga nổi tiếng của Louis Pasteur năm 1861, dẫn tới Định luật Tạo Sinh (biogenesis), khẳng định rằng sự sống chỉ ra đời từ sự sống. Thuyết tiến hóa bất chấp sự thật này, bất chấp định luật tạo sinh, vẫn đưa ra lời giải thích nguồn gốc sự sống với nội dung thực chất là lặp lại lý thuyết sự sống tự phát đã bị Pasteur bác bỏ. Vậy thuyết tiến hóa chính là một học thuyết phản khoa học!

4* Toán học và động lực học làm cho chúng ta phá sản khi chúng ta chiêm ngắm trái đất, thích hợp với sự sống nhưng không có sự sống, và cố gắng tưởng tượng sự khởi đầu sự sống trên đó. Điều này chắc chắn không xảy ra bởi bất kỳ tác động nào của hóa học, hoặc điện, hoặc tinh thể gắn kết các phân tử dưới ảnh hưởng của lực, hoặc bởi bất kỳ một kiểu tập hợp ngẫu nhiên nào của các nguyên tử. Chúng ta phải dừng lại, mặt đối mặt với bí mật và phép mầu của sự sáng tạo các sinh vật sống (Mathematics and dynamics fail us when we contemplate the Earth, fitted for life but lifeless, and try to imagine the commencement of life upon it. This certainly did not take place by any action of chemistry, or electricity, or crystalline grouping of molecules under the influence of force, or by any possible kind of fortuitous concourse of atoms. We must pause, face to face with the mystery and miracle of creation of living creatures).

Bình luận: Một lần nữa Kelvin đề cập tới tham vọng của thuyết tiến hóa giải thích sự hình thành sự sống một cách ngẫu nhiên từ vật chất không sống. Ông khẳng định rằng toán học và các môn khoa học tự nhiên đã làm cho tham vọng này phá sản. Thật vậy, toán học đã đưa ra hàng loạt kết quả tính toán xác suất để sự sống hình thành tự phát. Tất cả những xác suất này đều quá nhỏ, nhỏ hơn rất nhiều so với xác suất Borel (1/10)^50, do đó có thể khẳng định rang hiện tượng sự sống hình thành tự phát chắc chắn không bao giờ xảy ra, bất kể có bao nhiêu cơ hội và thời gian kéo dài bao lâu. Bản thân Kelvin là một nhà toán học nên ông biết rõ điều đó hơn ai hết. Ông khuyên giới tiến hóa hãy dừng lại, đừng ngoan cố nữa, và hãy thừa nhận sự sống như một phép mầu ─ một công trình sáng tạo vượt quá khả năng giải thích của khoa học.

5* Nhiều nhà tự nhiên học vẫn bám chặt lấy một phỏng đoán rất cổ lỗ cho rằng dưới những điều kiện thiên văn rất khác với hiện nay, vật chất chết có thể đã tập hợp lại với nhau, hoặc bị tinh thể hóa, hoặc lên men để biến thành vi sinh vật sống, hoặc biến thành những tế bào hữu cơ, hoặc chất nguyên sinh. Nhưng khoa học đã mang đến một đống bằng chứng quy nạp chống lại giả thuyết về sự hình thành sự sống tự phát, như các bạn đã nghe thấy từ người tiền nhiệm của tôi trong ghế chủ tịch (của Hội Hoàng gia Anh, chú thích của tác giả). Sự khảo sát kỹ lưỡng đủ cẩn thận trong mọi trường hợp cho tới tận ngày nay đã khám phá ra rằng sự sống đến từ sự sống trước nó. Vật chất chết không thể trở thành sống mà không có vật chất sống trước nó. Đối với tôi dường như điều này quá rõ ràng như một bài giảng khoa học về định luật hấp dẫn vậy (A very ancient speculation still clung to by many naturalists (so much so, that I have a choice of modern terms to quote in expressing it), supposes that, under meteorological conditions very different from the present, dead matter may have run together or crystallized or fermented into ‘germs of life,’ or ‘organic cells,’ or ‘protoplasm.’ But science brings a vast mass of inductive evidence against this hypothesis of spontaneous generation, as you have heard from my predecessor in the presidential chair. Careful enough scrutiny has, in every case up to the present day, discovered life as antecedent to life. Dead matter cannot become living without coming under the influence of matter previously alive. This seems to me as sure a teaching of science as the law of gravitation)

lord kelvin tiến nóa

Bình luận: Đây vẫn là một ý kiến của Kelvin về giả thuyết sự sống hình thành tự phát của thuyết tiến hóa. Thuyết tiến hóa sáng tác ra nhiều tên gọi khác nhau cho lý thuyết của họ nhằm giải thích nguồn gốc sự sống, như “lý thuyết nồi soup nguyên thủy” và bây giờ là “thuyết tiến hóa hóa học”,… nhưng thực chất đó chỉ là chuyện “bình mới rượu cũ”. Rượu cũ ở đây là “lý thuyết sự sống hình thành tự phát” đã có từ thời cổ đại, và đã bị Pasteur đập tan. Vì thế Kelvin nói rằng nhiều nhà tự nhiên học vẫn bám lấy những lý thuyết cổ lỗ, và trước sau vẫn chỉ đưa ra những phỏng đoán vô căn cứ, không hề có bất cứ một chứng minh thuyết phục nào cả. Chẳng hạn họ bịa đặt ra những điều kiện môi trường tự nhiên thời tiền nguyên thủy rất khác với bây giờ, mà không có cách nào kiểm chứng. Thực tế những khám phá khoa học gần đây cho thấy những môi trường bịa đặt này không hề tồn tại. Kelvin khẳng định lại tư tưởng của Định luật tạo sinh, rằng sự sống chỉ có thể ra đời từ sự sống trước nó. Nói cách khác, mọi sinh vật đều có cha mẹ. Đối với Kelvin, đó là một chân lý rõ ràng. Ý kiến của ông thể hiện một thái độ bất bình rõ rệt đối với những nhà tự nhiên học cố chấp. Những nhà tự nhiên học ấy là ai vậy? Nhà tự nhiên học số 1 cùng thời với Kelvin chính là Darwin. Vậy ý kiến 5* của Kelvin có thể xem như một thông điệp gửi đích danh tới Charles Darwin.

6* Khi xem xét vấn đề nguồn gốc sự sống, tôi không thể chấp nhận quan điểm cho rằng khoa học không thể khẳng định cũng như không thể bác bỏ sự hiện hữu của Đấng Sáng tạo. (Tôi cho rằng) khoa học khẳng định một cách chắc chắn Quyền năng Sáng tạo. Rõ ràng là không phải trong vật chất chết mà chúng ta sống hoặc vận động hoặc có sự sống của chúng ta, mà trong Quyền năng sáng tạo và hướng dẫn mà khoa học buộc chúng ta phải chấp nhận như một tín điều (I cannot admit that, with regard to the origin of life, science neither affirms nor denies Creative Power. Science positively affirms Creative Power. It is not in dead matter that we live and move and have our being, but in the creating and directing Power which science compels us to accept as an article of belief.)

Bình luận: Ý kiến này thể hiện vũ trụ quan của Kelvin một cách dứt khoát. Với ý kiến này, có thể khẳng định ông là người theo Thuyết Sáng tạo một cách mạnh mẽ, tương tự như Einstein, Newton, Pasteur, Pascal,… và hàng loạt những nhà khoa học vĩ đại khác. Với ông, ý kiến cho rằng khoa học không thể khẳng định cũng như bác bỏ sự hiện hữu của Đấng Sáng tạo là không đúng. Theo ông, khoa học cung cấp nhiều bằng chứng mạnh mẽ khẳng định sự hiện hữu của Đấng Sáng tạo. Đây là một thái độ dứt khoát khẳng định sự hậu thuẫn của khoa học đối với Thuyết Sáng tạo hoặc Thuyết Thiết kế Thông minh. Đặc biệt đối với bí mật của sự sống, theo Kelvin, Thuyết Sáng tạo càng chiếm ưu thế, vì thuyết tiến hóa sẽ vĩnh viễn không đủ sức giải thích nguồn gốc của sự sống.

7* Từ quan điểm khoa học, Quyền năng Sáng tạo là câu trả lời khả dĩ duy nhất đối với nguồn gốc sự sống (Creative Power is the only feasible answer to the origin of life from a scientific perspective)

Bình luận: Đây là sự khẳng định ý kiến 6*, và cũng là sự bác bỏ tuyệt đối đối với thuyết tiến hóa. Ý kiến này đồng nghĩa với tuyên bố rang tham vọng của thuyết tiến hóa hòng giải thích nguồn gốc sự song là KHÔNG TƯỞNG! Kết luận này cũng có thể xem như một lời tiên tri, vì vài chục năm sau, Định lý Bất toàn của Kurt Godel ra đời, chỉ ra rằng mọi hệ logic đều không thể giải thích được nguyên nhân đầu tiên (hệ tiên đề) của nó. Nguyên nhân đầu tiên của mọi hệ logic chỉ có thể được khám phá và thừa nhận bằng trực giác. Bản thân Godel cũng tuyên bố: “Giải thích mọi thứ là bất khả!” (To explain everything is IMPOSSIBLE). Áp dụng tư tưởng của Godel vào thuyết tiến hóa, có thể khẳng định rang bí mật của sự hình thành sự sống vĩnh viễn nằm ở phía bên kia tầm với của khoa học! Có nghĩa là Kelvin đúng!

8* Bằng chứng vững chắc của thiết kế thông minh và nhân từ có mặt khắp nơi xung quanh chúng ta (Overwhelming strong proofs of intelligent and benevolent design lie around us)

lord kelvin tiến nóa

Bình luận: Trong khi không có bằng chứng để chứng minh sự hình thành sự sống tự phát như thuyết tiến hóa tưởng tượng thì, theo Kelvin, có vô số bằng chứng chắc chắn của thiết kế thông minh xung quanh chúng ta. Darwin phạm một sai lầm vô cùng lớn khi cho rang tế bào đơn giản nhất là một cấu trúc đơn giản, và sự sống bắt đầu từ một sự sống đơn giản đó rồi tiến hóa dần dần thành những cấu trúc phức tạp hơn. Khoa học hiện đại đã chứng minh rang đó là một nhận thức ấu trĩ của thế kỷ 19. Thực tế tế bào đơn giản nhất cũng là một cấu trúc VÔ CÙNG PHỨC TẠP, MỘT PHÉP MẦU trong Tự nhiên. Một cách tổng quát có thể nói bản thân sự sống là một phép mầu. Một khi đã thừa nhận có phép mầu thì đã gián tiếp thừa nhận Đấng Sáng tạo. Phép mầu vĩ đại nhất trong khoa học về sự sống là DNA và mã của nó. Francis Collins gọi đó là ngôn ngữ của Chúa. Phép mầu này kỳ diệu đến nỗi đã làm cho một lãnh tụ trụ cột của giới khoa học vô thần là Antony Flew, nguyên giáo sư triết học của Đại học Oxford và nhiều đại học danh tiếng khác, đã thay đổi vũ trụ quan 180 độ từ vô thần sang hữu thần, và tuyên bố ắt phải có Nhà Thiết kế Thông minh, tác giả của chương trình DNA vĩ đại! Sự thay đổi lập trường của Antony Flew bị giới tiến hóa xem như một sự phản bội. Đây là một cái tát vào mặt giới vô thần và tiến hóa. Nhưng bất chấp những bài học tưởng như đã quá rõ ràng đó, tại sao vẫn có những người không tin rằng DNA là bằng chứng của thiết kế thông minh? Đơn giản vì trên thế gian luôn luôn có hai loại người, như Albert Einstein đã mô tả: “Có hai cách để sống. Bạn có thể sống như chẳng có gì là phép mầu cả. Bạn có thể sống như mọi thứ đều là phép mầu” (There are two ways to live: you can live as if nothing is a miracle; you can live as is everything is a miracle). Có thể ngầm hiểu Einstein thuộc loại người thứ hai. Pasteur, Mendel, Kelvin… cũng vậy. Những người thuộc loại thứ hai là những người đa cảm, biết NGƯỠNG MỘ và THÁN PHỤC công trình sáng tạo của Đấng Tạo Hóa, và do đó tin chắc phải có Đấng Sáng tạo. Còn những người thuộc loại một là những ai? Đó là những kẻ dốt nát nhưng tự phụ, vô cảm, không biết thán phục và ngưỡng mộ các phép mầu. Những kẻ đó thời nào cũng có, ở đâu cũng có, nên những giả thuyết bịa đặt phản khoa học luôn luôn có một đám quần chúng ủng hộ. Đám quần chúng này có thể đông, có thể thưa, tùy theo vùng địa lý và thời đại, nhưng không bao giờ hết. Đó là cơ sở xã hội của những học thuyết phi khoa học, nhưng nhân danh khoa học!

9* Tôi tin rằng khoa học càng được nghiên cứu kỹ lưỡng thì nó càng kéo chúng ta rời xa khỏi quan điểm vô thần (I believe that the more thoroughly science is studied, the further does it take us from anything comparable to atheism)

Bình luận: Đây là một tuyên bố tiên tri. Thực tế là ngày càng có nhiều người từ bỏ thuyết tiến hóa. Sự khám phá ra DNA là một cột mốc vô cùng lớn đánh dấu ngày cáo chung của thuyết tiến hóa bắt đầu. Thực ra ngay từ khi nhân loại tái khám phá ra các định luật di truyền của Gregor Mendel, thuyết tiến hóa đã rơi vào tình trạng nguy khốn, vì các định luật này tự động bác bỏ khái niệm biến đổi loài này thành loài khác. Giới tiến hóa đã lập tức cứu nguy bằng cách bịa đặt ra một đường lối mới cho thuyết tiến hóa, được gọi là thuyết Tân-Đác-uyn (Neo-Darwinism). Nếu không nghiên cứu lịch sử khoa học sẽ không hiểu Tân Darwin là gì. Học thuyết Tân Darwin ra đời để sửa chữa sai lầm về khái niệm di truyền trong thuyết tiến hóa nguyên thủy của Darwin. Thật vậy, tư tưởng nguyên thủy về di truyền của thuyết tiến hóa là tư tưởng của Lamark-Darwin, một nhận thức HOÀN TOÀN SAI LẦM VỀ DI TRUYỀN, TRÁI VỚI các định luật di truyền của Mendel. Theo các định luật Mendel, con cái chỉ nhận được những yếu tố di truyền từ cha và mẹ, ngoài ra không từ đâu khác. Nhưng Lamark-Darwin cho rang những biến đổi không bẩm sinh, tức những biến đổi xuất hiện trong quá trình sống của sinh vật, những biến đổi để thích nghi với môi trường, gọi chúng là những biến đổi mới giành được, có thể di truyền lại cho các thế hệ kế tiếp. Điều này đã bị khoa học chứng minh là SAI và trái với các định luật di truyền của Mendel. Vì thế các nhà tiến hóa phải vội vàng sửa chữa mô hình tiến hóa, và đó là lý do đẻ ra cái gọi là Tân Darwin. Thực chất đó là một mớ hổ lốn trộn lẫn 2 lý thuyết vốn không tương thích với nhau – thuyết tiến hóa và lý thuyết di truyền của Mendel. Nói cách khác, đó là sự NHẬN VƠ của thuyết tiến hóa, một sự nhận vơ trơ trẽn, cứ làm như Mendel là người của mình. Để việc nhận vơ này thông đồng bén giọt, họ sang chế ra lý thuyết di truyền các đột biến có lợi thông qua chọn lọc tự nhiên, kéo dài trong một thời gian khổng lồ. Nhưng không may cho họ, Hội nghị chuyên đề Wistar 1966 ở Philadelphia, nơi các nhà toán học và các nhà khoa học khác trong những lĩnh vực liên quan đã họp lại để đánh giá xem liệu thuyết Tân-Darwin có thể thực hiện được hay không, đã đi đến kết luận rằng thuyết Tân-Darwin không thể bảo vệ được bằng toán học. [1] . Công cụ toán học để phủ nhận thuyết tân Darwin là xác suất. Xác suất để những đột biến có lợi xảy ra liên tiếp dẫn tới sự biến đổi loài là một con số nhỏ đến mức để có thể coi như bằng 0. Chỉ có những con đà điểu rúc đầu xuống cát mới chối bỏ sự thật này.

10* Càng nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng tôi càng tin rằng khoa học loại bỏ chủ nghĩa vô thần (The more thoroughly I conduct scientific research, the more I believe that science excludes atheism)

Bình luận: Câu này tương đương với một ý kiến của Albert Einstein, rằng “Càng nghiên cứu khoa học tôi càng tin vào Chúa” (The more I study science, the more I believe in God), và một ý kiến của Louis Pasteur, rằng “Một ít khoa học làm ta xa rời Chúa; nhiều khoa học làm ta quay lại với Chúa” (Un peu de science éloigne de Dieu, beaucoup de science y ramène). Câu nói bất hủ của Pasteur có lẽ là một lời nhắn nhủ đặc biệt dành cho các nhà tiến hóa và những người vô thần. Tôi hy vọng những người này đủ tri thức để hiểu được câu nói đó. Nếu đọc đến câu đó mà vẫn không hiểu, vẫn tự phụ coi trời bằng vung, thì nên ý kiến câu sau đây của Lord Kelvin.

11* Tư tưởng vô thần là vô nghĩa đến nỗi tôi không biết tôi có thể mô tả nó bằng những lời lẽ như thế nào (The atheistic idea is so nonsensical that I do not see how I can put it in words)

lord kelvin tiến nóa

Bình luận: Đó là một cách nói rất lịch sự, rất văn hóa của một nhà khoa học từng có thời làm chủ tịch Hội Hoàng gia Anh. Rõ ràng là Kelvin thất vọng tràn trề về trí tuệ của những người vô thần, và tất nhiên của những người tin vào thuyết tiến hóa. Ông không thể nói những lời nặng nề hơn thế nữa. Đó là giới hạn!

Tất cả những phát biểu của Lord Kelvin nói trên đều chưa nhắc đến đích danh Darwin. Nhưng bày tỏ sau đây, như độc giả sẽ thấy, là một phê phán trực tiếp đối với học thuyết Darwin, rằng nó không phải là một lý thuyết khoa học. Ý kiến này được trích từ một diễn văn nhan đề “Về Nguồn gốc các loài” (On the Origin of Species), do Kelvin trình bày trước Hiệp hội vì tiến bộ khoa học của Anh quốc, diễn ra tại Edinburgh vào Tháng 8/1871. Xin mời độc giả đọc và suy ngẫm.

12* Darwin kết luận công trình lớn của ông về “Nguồn gốc các loài” bằng những lời sau đây: “Thật thú vị khi thưởng ngoạn một khu đất rậm rạp được che phủ bởi nhiều cây cối đủ loại, với chim chóc hót ca trong những khóm cây, với vô số sâu bọ di chuyển loanh quanh, và với những con giun trườn qua đất ẩm ướt, và để nghĩ rằng những dạng sinh vật được tạo dựng công phu tỉ mỉ này, vô cùng đa dạng, và phụ thuộc lẫn nhau theo một cách hết sức đặc biệt, tất cả đều được tạo ra theo những định luật tác động xung quanh chúng ta”….. “Có một sự cao quý trong quan điểm này về cuộc sống với những sức mạnh khác nhau, lúc đầu đã được Đấng Sáng tạo thổi sinh khí vào một và hoặc một vài sinh vật; và rằng, trong khi hành tinh này chuyển động tuần hoàn theo chu kỳ phù hợp với định luật cố định về hấp dẫn, từ một sinh vật vô cùng đơn giản vô số các sinh vật đẹp nhất và kỳ diệu nhất đã và đang được tiến hóa. Tôi có thiện cảm chân thành nhất với cảm xúc biểu lộ trong hai câu này. Tôi đã bỏ hai câu nằm giữa hai câu này, hai câu ấy mô tả ngắn gọn giả thuyết về “nguồn gốc các loài bởi chọn lọc tự nhiên”, bởi vì tôi luôn cảm thấy giả thuyết này không chứa đựng một lý thuyết đúng đắn về tiến hóa, nếu đã có sự tiến hóa trong sinh học.

lord kelvin tiến nóa

(Darwin concludes his great work on “The Origin of Species” with the following words: “It is interesting to contemplate an entangled bank clothed with many plants of many kinds, with birds singing on the bushes, with various insects flitting about, and with worms crawling through the damp earth, and to reflect that these elaborately constructed forms, so different from each other, and dependent on each other in so complex a manner, have all been produced by laws acting around us” ….. “There is grandeur in this view of life with its several powers, having been originally breathed by the Creator into a few forms or into one; and that, whilst this planet has gone cycling on according to the fixed law of gravity, from so simple a beginning endless forms, most beautiful and most wonderful, have been and are being evolved”. With the feeling expressed in these two sentences I most cordially sympathize. I have omitted two sentences which come between them, describing briefly the hypothesis of “the origin of species by natural selection,” because I have always felt that this hypothesis does not contain the true theory of evolution, if evolution there has been, in biology.)

Bình luận: Đoạn (…..) nằm giữa 2 đoạn chữ nghiêng trong ngoặc kép ở trên là đoạn Kelvin bỏ, không trích dẫn, với lý do như ông đã giải thích: đoạn ấy mô tả ngắn gọn giả thuyết của Darwin về sự tiến hóa của các loài thông qua chọn lọc tự nhiên, mà theo Kelvin, giả thuyết này không đủ tư cách để có thể được xem như một lý thuyết khoa học đích thực, nó chỉ xứng đáng được coi như một giả thuyết thuần túy, vì thế Kelvin không hứng thú để trích dẫn. Trong khi đó, 2 câu của Darwin (chữ nghiêng mầu xanh) được Kelvin trích dẫn thì có ý nghĩa gì?

Câu thứ nhất của Darwin mà Kelvin tán thưởng, có nội dung ca ngợi tính đa dạng của tự nhiên, gợi ý về sự tồn tại một mối liên hệ nào đó giữa các sinh vật trong thế giới đa dạng ấy. Quả thật là sự đa dạng của tự nhiên thật kỳ diệu, đáng suy ngẫm. Và quả thật chúng ta có thể liên tưởng tới một cái gì đó liên hệ tất cả các sinh vật với nhau. Chẳng hạn, một người hữu thần có thể thán phục kỳ công của Đấng Sáng tạo. Hầu như tất cả các động vật đều có những cấu trúc going nhau, như đều có đầu, mình và chân tay,… Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng cùng có một tổ tiên chung. Điều đó chỉ nói lên rằng chúng đều là sản phẩm thiết kế của một Nhà Thiết kế vĩ đại, Ngai tạo ra chúng theo những nguyên lý thiết kế do Ngài quyết định. Giống như các nhà thiết kế xe hơi tạo ra nhiều kiểu xe hơi khác nhau, thay vì chiếc xe này “tiến hóa” thành chiếc xe đời mới hơn.

Câu thứ hai có lẽ làm cho Kelvin tán thưởng nhiều hơn nữa, bởi vì chính Darwin ca ngợi Đấng Sáng tạo đã thổi sinh khí vào MỘT hoặc MỘT VÀI sinh vật đầu tiên. Có nghĩa là lúc ban đầu Darwin vẫn thừa nhận vai trò của Đấng Sáng tạo. Vậy tại sao sau này Darwin lại từ bỏ tư tưởng sáng tạo để trở thành một người bất khả tri (agnoticist)? Đó là câu hỏi dành cho các nhà nghiên cứu lịch sử và xã hội học, tâm lý học, nằm ngoài chủ đề đang bàn. Cá nhân tôi, tôi coi đó là một sự thụt lùi về trí tuệ của Darwin. Trong khi đó, ta có thể đoán được dụng ý của Kelvin khi ông cố ý trích dẫn câu nói đó của Darwin: phải chăng Kelvin muốn nói với các đệ tử của Darwin rằng này các bạn, các bạn hãy mở to mắt ra mà nhìn ông thầy của các bạn, vốn ban đầu cũng tin vào Đấng Sáng tạo đấy!

Kết

1/ Càng nghiên cứu về Lord Kelvin chúng ta càng thấy rõ ông là người tin tưởng mạnh mẽ vào Đấng Sáng Tạo. Với uy tín khoa học lớn lao của ông, tư tưởng ủng hộ Thuyết Sáng tạo và Thuyết Thiết kế thông minh của ông mang lại sức thuyết phục lớn lao cho hai lý thuyết này, đồng thời làm cho giới tiến hóa lo lắng run sợ. Thật vậy, những người này run sợ trước uy tín của Kelvin đến nỗi đã trơ trẽn viết bài chứng minh Lord Kelvin không phải là người theo Thuyết Sáng tạo. Điển hình là bài báo sau đây của Trung tâm Quốc gia về Giáo dục Khoa học (National Center for Science Education) ở Mỹ: Kelvin Was Not a Creationist . Chú ý rằng đối tượng của các nhà giáo dục là tuổi trẻ. Vậy các bạn trẻ hãy tỉnh táo. Ngoài kiến thức nhà trường, các bạn nên mở rộng sự học hỏi. Trong thời đại internet ngày nay, thông tin không thiếu. Quyền lựa chọn là của bạn. Ngay tại Mỹ, các nhà giáo dục cũng có thể sẵn sang nói sai sự that như bài báo nói trên. Tất nhiên không phải mọi nhà giáo dục đều như thế. Nhưng có nhiều nhà giáo dục như thế, vì họ được phân công giảng dạy thuyết tiến hóa, và họ lĩnh lương nhờ công việc đó. Hãy nhớ rằng ở Mỹ năm 2014 cũng chỉ có 19% người được hỏi tin vào thuyết tiến hóa mà thôi. Đọc bài báo trên của Trung tâm Quốc gia Mỹ về Giáo dục Khoa học, tôi thấy xấu hổ, vì khó có thể tưởng tượng được việc một nhà khoa học hoặc giáo dục dám đổi trắng thành đen như vậy. Tôi cũng nhận thấy vai trò của Lord Kelvin that lớn lao, lớn đến nỗi những kẻ ngấm ngầm chống lại ông vẫn phải nhận vơ ông là người thuộc phe cánh của họ. Đó là kiểu nhận vơ, tương tự như trong quá khứ họ đã nhận vơ thuyết di truyền của Mendel như một bộ phận của thuyết Tân Darwin, như ở trên tôi đã trình bày. Tất cả những trò nhận vơ này đều xảy ra khi người bị nhận vơ đã khuất bóng. Chắc chắn họ không thể làm những điều đáng xấu hổ này khi Mendel hoặc Kelvin còn đang sống.

Chú thích:

[1] Xem “Mendel disproved Darwinism / Mendel bác bỏ học thuyết Darwin” trên PVHg’s Home ngày 28/08/2015

Tài liệu gốc: “Mathematicians and Evolution”, Casey Luskin, July 11, 2006

Tài liệu tham khảo:

pham viet hungTác giả: Phạm Việt Hưng

Thông tin về tác giả: Giáo sư Phạm Việt Hưng từng giảng dạy các môn Toán Kinh tế; Cơ học Lý thuyết; Sức bền Vật liệu; Toán luyện thi đại học. Hiện ông đang thỉnh giảng Toán cao cấp tại một đại học ở Việt Nam. Ông đang có nhiều hoạt động báo chí với nhiều bài viết được đăng trên nhiều báo in và báo mạng, ví như Khoa học & Đời sống của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Tạp chí Vật lý Ngày nay của Hội Vật lý Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trang mạng Vietsciences.