Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải giải thích cho người dân Trung Quốc tại sao họ lại đàn áp những người tập môn thiền định phổ biến có lợi cho xã hội này, theo lời một cựu biên tập viên cao cấp của tờ nhật báo của chính quyền Trung Quốc.

Ông Hà Yên Linh (He Yanling), 89 tuổi, người thiết kế biểu tượng/logo của tờ Nhân dân Nhật báo, phương tiện tuyên truyền của ĐCSTQ, nói với Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTD TV) có trụ sở ở New York rằng cuộc đàn áp năm 1999 của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bao gồm những bài giảng về đạo đức và các bài tập thiền nhẹ nhàng, là hoàn toàn không cần thiết.

Lời phát biểu trên của một Đảng viên nổi tiếng là điều rất bất thường khi đề cập đến một vấn đề nhạy cảm như vậy. Tuyên bố này diễn ra không lâu sau khi một cựu quan chức cấp cao khác, Tân Tử Lăng (Xin Ziling), có những lời bình luận tương tự, trong một cuộc phỏng vấn khác với NTD TV. “Hãy đánh giá lại Mao Trạch Đông, bồi thường cho những nạn nhân của cuộc thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn, và hãy chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công”, ông Tân nói.

Xem thêm:

Ông Hà Yên Linh đã nói chuyện với nhà báo Thường Tuấn (Chang Chun) qua điện thoại hôm 27/4 vừa qua, theo tin của NTD TV.

Cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã trở thành một cuộc vận động cá nhân của ông Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Trung Quốc. Ông Giang đã bẻ cong bộ máy của nhà nước để đàn áp môn tập này và cài đặt hàng loạt những người ủng hộ mình để đảm bảo rằng cuộc đàn áp được duy trì. Những quan chức thuộc phe của ông Giang đã trở thành mục tiêu của chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình trong 2 năm qua.

Ông Giang “đã cho rằng việc khiếu nại của Pháp Luân Công tại Trung Nam Hải sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của sự cầm quyền của mình”, ông Hà nói, nhắc đến sự kiện ngày 25/4/1999 trong đó khoảng 10.000 người tập Pháp Luân Công đi đến trụ sở chính quyền trung ương ở Bắc Kinh để phản đối việc bắt giam bất hợp pháp đối với những học viên ở thành phố Thiên Tân lân cận.

Thủ tướng lúc đó là Chu Dung Cơ cuối cùng đã ra gặp những người kiến nghị, và hứa trả tự do cho những người bị giam giữ và cho phép mọi người tập Pháp Luân Công mà không bị sách nhiễu. Những người đi thỉnh nguyện đã giải tán sau đó, khi đi còn dọn sạch rác ở nơi họ đứng. Hàng năm, những người tập Pháp Luân Công trên toàn thế giới vẫn kỷ niệm việc đòi hỏi quyền của mình một cách ôn hòa này.

Tuy nhiên, gần 3 tháng sau đó, ông Giang đã tiến hành việc đàn áp đối với Pháp Luân Công.

“Cuộc đàn áp này là hoàn toàn không cần thiết bởi vì họ không hình thành mối đe dọa nào đối với đất nước… Những người dân ở Trung Quốc cảm thấy rằng Pháp Luân Công có các lợi ích duy trì sức khỏe và họ đã tiếp nhận nó”, ông Hà nói.

Lập trường của ông Giang cũng không được nhiều sự ủng hộ trong chính quyền. Theo ông Hà: “Đảng đã không được hỏi ý kiến theo nguyên tắc về việc cấm Pháp Luân Công – tất cả đều là quyết định của ông Giang Trạch Dân, và không phải là một quyết định chính thức”.

Trên thực tế, 16 năm sau khi khởi động cuộc đàn áp, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa chính thức đặt Pháp Luân Công ra ngoài vòng pháp luật, họ cũng chưa chính thức gọi môn tập này là không chính thống.

Vì thế Đảng cần phải giải thích cho nhân dân Trung Quốc “chính xác là việc gì đang diễn ra vậy”, ông Hà nói.

Đầu năm 2015, người đứng đầu ngành ghép tạng và là cựu Thứ trưởng Y tế – ông Hoàng Khiết Phu, đã nhắc đến Chu Vĩnh Khang trong một cuộc phỏng vấn công khai của kênh truyền hình Phượng Hoàng (Phoenix) thân Bắc Kinh có trụ sở tại Hồng Kông, trong đó ám chỉ ông này có liên can đến hệ thống ghép tạng lạm dụng tù nhân ở Trung Quốc.

“Ông Chu từng là Bí thư Ban Chính trị và Luật pháp, là một Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Ai cũng biết điều này… Thế nên việc những nội tạng của tử tù này đến từ đâu chẳng phải rất rõ ràng rồi hay sao?” ông Hoàng Khiết Phu nói.

Cách nói này củng cố thêm những nghi ngờ rằng, khi thông tin không còn có thể che giấu được nữa, người ta sẽ bắt đầu tìm những con dê thế tội cho việc này.

Ngoài Chu Vĩnh Khang, trước đó, nhân vật quyền lực thứ 2 trong quân đội Trung Quốc – Từ Tài Hậu cũng đã bị ông Tưởng Ngạn Vĩnh cáo buộc dính líu đến việc thu hoạch nội tạng tù nhân của các quân y viện Trung Quốc – nhiều khi trong lúc nạn nhân vẫn còn sống. Ông Tưởng là người đã trở nên nổi tiếng vì là bác sĩ đầu tiên ở Trung Quốc phơi bày cho các phương tiện truyền thông nước ngoài về bệnh dịch SARS vốn bị giới quan chức che đậy.

Vẫn chưa rõ liệu những tuyên bố gần đây về sự liên can của ông Chu, ông Từ và hiện tại là của ông Giang đối với các vi phạm nhân quyền này có phải là một phần của chiến dịch thanh trừng phe phái của ông Tập hay không, hay đây là có mục đích để Đảng không phải chịu trách nhiệm gì cho việc giết người tập Pháp Luân Công hàng loạt nếu toàn bộ sự thật về cuộc đàn áp môn tập này được đưa ra ánh sáng trong tương lai?

Larry Ong, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh

Chân Thành biên dịch, Phan A biên tập

Xem thêm: