Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung có thể gây sức ép lên các công ty may mặc đang hoạt động tại Trung Quốc, thúc đẩy những doanh nghiệp này di chuyển cơ sở sản xuất sang những quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam hay Campuchia.  

Hiệp hội Công nghiệp Thời trang Mỹ mới đây đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với các doanh nghiệp dệt may đang hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu cho thấy 67% số doanh nghiệp cho biết sẽ cắt giảm giá trị và khối lượng sản xuất tại đây trong vòng 2 năm tới để chuyển vốn đầu tư sang các thị trường khác.

Theo Bloomberg, với chính sách ưu đãi thuế và chi phí nhân công thấp hơn, Campuchia và Việt Nam được coi là những điểm đến đầy tiềm năng cho những doanh nghiệp dệt may đang muốn rời khỏi Trung Quốc.

Edward Rosenfeld, CEO của hãng thời trang Mỹ nổi tiếng Steven Madden, cho biết công ty này đã chuyển 15% hoạt động sản xuất túi xách từ Trung Quốc sang Campuchia trong năm nay. Dự kiến, tỷ lệ này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2019.

Thương hiệu thời trang xa xỉ Tapestry của Mỹ cũng đang thúc đẩy quá trình dịch chuyển phần lớn hoạt động sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Thực tế, không chỉ riêng các doanh nghiệp dệt may muốn “tháo chạy” khỏi Trung Quốc để “né” chính sách thuế của Mỹ, mà nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác cũng không còn cảm thấy háo hức với việc sản xuất tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Forbes dẫn lời ông Nathan Resnick, Giám đốc điều hành Công ty khởi nghiệp Sourcify, cho biết chi phí nhân công tại một số nước Đông Nam Á thực tế đã thấp hơn Trung Quốc từ trước khi cuộc chiến thương mại nổ ra. Giờ đây, biện pháp thuế quan của Mỹ khiến không ít công ty cảm thấy không có lợi gì khi sản xuất tại Trung Quốc.

Chia sẻ trên SCMP, đại diện công ty giao nhận vận tải Kerry Logistics Network (thuộc sở hữu của tỷ phú người Malaysia Robert Kuok) cho biết nhiều khách hàng của công ty đã chuyển một phần hoạt động sản xuất của họ từ Trung Quốc sang các nước ASEAN hoặc vận chuyển thành phẩm đến Mỹ. Nhờ vậy, nhu cầu sử dụng dịch vụ của công ty tăng đột biến trong thời gian gần đây.

Cũng theo vị này, việc thay đổi nơi sản xuất đang diễn ra sẽ dẫn đến sự tăng trưởng thương mại tại Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Lào bắt đầu từ nửa cuối năm nay. Xu hướng này có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm tới, ảnh hưởng đôi chút đến hoạt động của Kerry Logistics ở Trung Quốc, nhưng sẽ được bù đắp bởi tăng trưởng ở những nước châu Á khác.

Vỹ An