Chỉ trong 3 năm, riêng tại xã Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã có 22 phụ nữ vượt biên qua Trung Quốc bán bào thai. Phía chính quyền nói “rất đau xót” nhưng thừa nhận chưa thể ngăn chặn tình trạng này.

Theo điều tra của VnExpress, 3 năm qua, huyện miền núi Kỳ Sơn là “điểm nóng” của tình trạng buôn bán bào thai, tập trung chủ yếu tại xã Hữu Kiệm.

Ông Nguyễn Hữu Lượng – Chủ tịch xã Hữu Kiệm xác nhận, 3 năm qua có 22 phụ nữ ở xã vượt biên qua Trung Quốc bán bào thai, trong đó 21 người đã trở về địa phương. Những người này sinh sống ở hai bản Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn –  khu vực khó khăn nhất trong xã.

Theo chủ tịch xã Hữu Kiệm, những phụ nữ trở về hầu hết thừa nhận việc bán bào thai. Có người nói rằng day dứt, song cũng có người thể hiện thái độ thờ ơ.

“Thực sự chúng tôi rất đau xót nhưng chưa thể ngăn chặn”, ông Lượng nói.

Moong Thị Tho (26 tuổi) là người phụ nữ sau khi bán con còn cảm thấy day dứt. Chị kể, hơn một năm trước, khi đang mang bầu lần thứ 3 thì đến trung tâm huyện để siêu âm và biết là bé trai. Vài hôm sau, chị nhận được điện thoại của một người phụ nữ không quen biết, đặt vấn đề nếu qua Trung Quốc sinh con sẽ nhận được 40 triệu đồng cho bé trai.

Nghĩ đến khoản nợ 30 triệu đồng hai vợ chồng đang phải gánh, thu nhập từ vài sào lúa nương, ngô cùng dăm con lợn thả rông, tiền mặt trong nhà chưa bao giờ có quá 10 triệu đồng, người phụ nữ này gật đầu đồng ý mà không hỏi ý kiến chồng.

Chị Moong Thị Tho. (Ảnh: Nguyễn Hải/VnExpress)

Khi thai nhi hơn 8 tháng tuổi, theo chỉ dẫn của người phụ nữ từng liên lạc, Tho bắt xe khách từ Nghệ An ra Móng Cái (Quảng Ninh). Tới Móng Cái, người phụ nữ mang bầu được một người lạ dẫn qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.

“Một tháng sau, tôi sinh con. Bé chào đời trong vài phút thì có người đàn ông tới bế đi rồi trả cho tôi cục tiền bằng Nhân dân tệ trị giá 40 triệu đồng tiền Việt Nam”, Tho nói.

Cầm tiền, chị ở lại thêm bốn ngày rồi được yêu cầu lên xe trở về Móng Cái (Việt Nam). Hành trình qua Trung Quốc bán bào thai của Tho kéo dài trong 40 ngày. Sau đó chị cầm tiền về và kể lại sự việc với chồng. Hiện người phụ nữ này không biết địa điểm mình đã sinh con là địa phương nào của Trung Quốc và đã đi xa bao nhiêu km.

Chị Tho day dứt, nói với phóng viên VnExpress “tôi đã tự hứa với bản thân sẽ không làm điều tương tự nữa”. Còn anh Lữ Văn May (31 tuổi, chồng chị Tho) thì trầm ngâm: “Tôi không trách vợ, nhưng hai vợ chồng đã thống nhất có chết đói cũng không làm như vậy nữa”.

Chị Lữ Thị P – một người phụ nữ vừa bán con. (Ảnh: Sĩ Hòa/Báo Giao Thông)

Theo điều tra của phóng viên Báo Giao Thông, tình trạng bán thai nhi chủ yếu xảy ra với những người phụ nữ đồng bào dân tộc Khơ – mú ở 3 xã Hữu Kiệm, Hữu Lập, Chiêu Lưu của huyện Kỳ Sơn.

Mỗi đứa trẻ được mẹ bán với giá trung bình 40 – 80 triệu đồng, trong đó bé gái có giá cao hơn bé trai. Cũng có nhiều trường hợp vượt biên bán con trở về nhưng không nhận được tiền từ kẻ buôn người hoặc chỉ được trả với cái giá rẻ mạt.

Thậm chí, có trường hợp phải trả giá bằng chính mạng sống của mẹ và con. Theo UBND huyện Kỳ Sơn, ngày 20/9, một vụ tai nạn xe khách xảy ra ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Trên chuyến xe này có một công dân Việt Nam là Moong Thị Lâm (trú xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn) tử vong được xác định là đang mang thai tháng thứ 8. 3 phụ nữ khác ở huyện Kỳ Sơn được xác định đang mang thái ở tháng thứ 7-8 bị thương.

Bộ Công an yêu cầu xử nghiêm

Ngày 25/12, Bộ Công an ban hành công điện chỉ đạo tổ chức rà soát tình hình mua bán bào thai, các đường dây, đối tượng môi giới mua bán người, mua bán bào thai ra nước ngoài để triệt xóa; khẩn trương điều tra làm rõ các vụ việc đã xảy ra, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm pháp luật, đặc biệt là các vụ việc mua bán bào thai tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Vân Trường (tổng hợp)