Một quan chức quân đội Trung Quốc đã nghỉ hưu mới đây đã lên án cuộc đàn áp môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công, một trong những chủ đề nhạy cảm và bị kiểm duyệt chặt chẽ nhất ở nước này.
Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần truyền thống của Trung Quốc, đã bị đàn áp ở quê hương mình từ năm 1999. Chiến dịch nhằm vào môn tập này đi kèm với sự tuyên truyền phỉ báng rầm rộ, nói rằng môn tập – bao gồm những bài tập thiền chậm rãi và những bài giảng về đạo đức – là một mối nguy hiểm cho sự ổn định xã hội và phải được “nhổ tận gốc”. Kể từ đó, việc thảo luận về môn tập nằm ngoài những tuyên truyền của chính quyền bị cấm nghiêm ngặt.
Nhưng hiện nay, ông Xin Ziling, một Đảng viên đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong quân đội trước khi về hưu, đã lên sóng để lên án cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Việc công khai lật tẩy chiến dịch chống Pháp Luân Công của Đảng là hiếm thấy ở Trung Quốc, và trong những năm qua bất cứ ai công khai lên tiếng phản đối cuộc đàn áp này có thể phải đón đợi sự trừng phạt nhanh chóng.
“Hãy đánh giá lại Mao Trạch Đông, bồi thường cho những nạn nhân của cuộc thảm sát Thiên An Môn và chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công”, ông Xin nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTD TV) có trụ sở ở New York.
Ông nói chuyện với NTD TV sau khi được hỏi về suy nghĩ của mình đối với tin tức rằng 200 triệu người Trung Quốc đã thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong phong trào Thoái đảng.
Ông Xin trước kia là một quan chức tại Trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc, một cơ quan hàng đầu cho việc đào tạo các quan chức quân đội ở nước này. Sau đó ông trở thành một người bỏ đảng công khai, và viết các cuốn sách phê phán Mao Trạch Đông. Người ta tin rằng ông đang bị quản thúc tại gia ở Bắc Kinh.
Một bầu không khí chính trị đang thay đổi
Khi cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công, ông này đã coi đó là một vấn đề có tầm quan trọng chính trị tột bậc, và bắt toàn bộ Đảng viên và quân đội phải thề trung thành với mình và với Đảng, và “đấu tranh” chống lại môn tập. Những người từ chối từ bỏ môn tập bị cưỡng bức cải tạo, thực ra là tẩy não.
Tầm quan trọng chính trị công khai của chiến dịch đàn áp có vẻ như đã phai mờ qua thập kỷ tiếp theo, mặc dù cuộc đàn áp vẫn còn tiếp diễn, và môn tập vẫn là một chủ đề cấm kỵ không được thảo luận công khai ở Trung Quốc.
“Điểm đột phá có lẽ là việc thu hoạch nội tạng của người còn sống. Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, và nghị viện của rất nhiều nước cùng với các tổ chức nhân quyền khác nhau đã chính thức lên án tội ác này”, ông Xin nói.
Những lời bình luận này của ông Xin là rất phi thường ở Trung Quốc. Hai năm trước đây một blogger ở Trung Quốc đã bị cảnh sát bắt giam vì bị cho là đã đưa lên mạng một số trường hợp thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm còn sống – phần lớn trong số đó là những người theo tập Pháp Luân Công.
Những phát biểu của ông Xin xuất hiện trong một bối cảnh chính trị đang thay đổi nhanh chóng, trong đó hàng chục quan chức đầy quyền lực có mối quan hệ thân thiết với ông Giang Trạch Dân đã bị bắt và đưa ra xét xử.
Những người này bao gồm Chu Vĩnh Khang, cựu trùm bộ máy an ninh, và Lý Đông Sinh, quan chức cao nhất phụ trách Phòng 610, cơ quan bí mật của Đảng được thành lập để tiến hành cuộc đàn áp. Các kênh tuyên truyền chính thức thậm chí còn buộc tội một số trong những quan chức này là đã thành lập một phe cánh để chiếm quyền lực.
Quy tội cho phe của ông Giang
Khi tầm ảnh hưởng chính trị của ông Giang tiếp tục phai mờ, nhiều người đã bước ra – có thể như một phần của một chiến dịch thông tin có chủ ý, cũng có thể là hành động tự phát với tư cách cá nhân – để quy tội thu hoạch nội tạng cho những quan chức có quan hệ với ông Giang.
Hồi tháng 3, Hoàng Khiết Phu, quan chức hàng đầu phụ trách việc ghép tạng ở Trung Quốc, đã nói ngụ ý rất rõ trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Phoenix có trụ sở ở Hong Kong và ủng hộ Bắc Kinh, rằng cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang đã dính líu vào việc buôn bán nội tạng phi pháp.
Xem thêm:
“Hãy đánh giá lại Mao Trạch Đông, bồi thường cho những nạn nhân của cuộc thảm sát Thiên An Môn và chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công”.
— Xin Ziling
Jiang Yanyong, bác sĩ phẫu thuật quân y đã phơi bày bệnh dịch SARS, nói với một đài truyền hình Hong Kong hồi tháng 3 rằng Từ Tài Hậu, cựu quan chức quyền lực thứ nhì trong quân đội, đã phụ trách việc thu hoạch nội tạng sống ở khắp các bệnh viện quân y Trung Quốc.
Vào ngày 10/4, Ge Jianxiong, một thành viên cao cấp của cơ quan tham mưu hàng đầu của ĐCSTQ, Chính hiệp – Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, nói với NTD TV rằng rất có thể là Chu Vĩnh Khang, người mà ông gọi là một “ác nhân”, đứng đằng sau việc thu hoạch nội tạng. Ông Ge cũng cảm thấy rằng các tội ác thu hoạch nội tạng của Chu Vĩnh Khang nên được đưa ra trong bản cáo trạng dành cho ông này.
Trong một cú điện thoại được ghi lại bởi các nhà điều tra thuộc Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), Bai Shuzhong, cựu Cục trưởng Quân y thuộc Tổng cục Hậu cần Quân đội Trung Quốc, nói rằng chính là ông Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng, đã ra lệnh việc mổ lấy nội tạng của các học viên Pháp Luân Công còn đang sống.
Xem thêm:
Giọng ông Bai có thể được nghe thấy rất rõ ràng, giống như giọng của ông này được ghi lại công khai. Các nhà điều tra nhân quyền đã đóng giả là cơ quan kiểm soát nội bộ của Đảng và gây sức ép với ông Bai trả lời những câu hỏi về ông Giang và việc thu hoạch nội tạng.

Một cuộc đàn áp tàn bạo
Ông Giang Trạch Dân đã trở nên khét tiếng vì đã biến cuộc đàn áp Pháp Luân Công thành một chiến dịch cá nhân của mình.
“Khi nói đến việc trấn áp Pháp Luân Công, 6 trong tổng số 7 Ủy viên Ban Thường vụ [Bộ Chính trị] đã phản đối”, ông Xin Ziling nói. “Vì thế, ông này đã tổ chức một cuộc họp khác và cuối cùng dùng quyền lực của mình để đưa ra quyết định”. Ban Thường vụ Bộ Chính trị là cơ quan ra quyết định cao nhất ở Trung Quốc.
Tại thời điểm đó, có khoảng 70 đến 100 triệu người theo tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Số người tập đã tăng lên nhanh chóng trên khắp cả nước kể từ khi môn tập bắt đầu được truyền ra từ đầu những năm 1990.
Các học viên công khai phản đối cuộc đàn áp đã bị bắt, bị tra tấn, và tẩy não trong khi bị giam giữ.
Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp (FDIC) đã báo cáo rằng hơn 3.800 học viên đã bị chết do tra tấn và ngược đãi. Do sự khó khăn của việc xác minh thông tin ở Trung Quốc, con số thực tế được tin là còn lớn hơn rất nhiều.
Vào năm 2006, hai nhà điều tra Canada – luật sư nhân quyền David Matas và nguyên Thứ trưởng Ngoại giao David Kilgour – đã công bố một bản báo cáo cáo buộc rằng hàng chục nghìn nội tạng của các học viên Pháp Luân Công đã bị thu hoạch để bán kiếm lời. Mới đây nhất, nhà báo Hoa Kỳ Ethan Gutmann đã đưa ra nghiên cứu tương tự của mình trong cuốn sách “Cuộc thảm sát”, kết luận rằng hơn 65.000 học viên đã bị giết chết để lấy nội tạng từ năm 2000 đến năm 2008.
Xem thêm:
Bất đồng quan điểm
Có vẻ như là không phải tất cả mọi người trong Đảng có thể chấp nhận sự tàn bạo này.
Trong cuộc phỏng vấn với NTD TV, ông Xin Ziling nói rằng cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đối đầu với Chu Vĩnh Khang về vấn đề thu hoạch nội tạng khi ông Chu vẫn còn lãnh đạo bộ máy an ninh của Đảng vào năm 2011.
“Họ thu hoạch nội tạng từ những người còn đang sống mà không gây mê. Việc này có nhân tính hay không? Chúng ta vẫn chưa thể đối mặt với vấn đề này hay giải quyết nó… Làm sao chúng ta có thể giải thích điều này với nhân dân đây?”, ông Ôn nói, theo lời ông Xin. “Nhiều người ở cấp cao đã đề xuất giải quyết vấn đề này; cuộc đàn áp Pháp Luân Công là di sản của ông Giang Trạch Dân, và không nên được tiếp tục từ thế hệ này sang thế hệ khác”, ông Ôn nói thêm, theo tường thuật của ông Xin.
Nhưng lời nói này, được nói là của ông Ôn Gia Bảo, trên thực tế đã được đăng tải trước kia. Thời báo Đại Kỷ Nguyên đã đưa tin về cuộc chạm chán giữa hai quan chức này vào năm 2013. Ông Xin, khi được hỏi về nguồn tin cho biết những lời của ông Ôn, đã cho biết rằng ông nghe nói từ các kênh thông tin nội bộ.
Tình thế thay đổi
Đảng vẫn chưa đánh giá lại Mao Trạch Đông, như ông Xin đã đề nghị. Họ cũng chưa nhìn nhận những nạn nhân của cuộc thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn – mặc dù cuối cùng họ đã cho phép chôn tro của Triệu Tử Dương, cựu Thủ tướng đã ủng hộ phong trào sinh viên đòi dân chủ, 10 năm sau khi ông Triệu qua đời.
Về Pháp Luân Công, ông Xin thừa nhận rằng vấn đề này rất khó.
“Đây là một vấn đề chính trị rất phức tạp”, ông Xin nói trong cuộc phỏng vấn của NTD TV, khi nhắc đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công. “Việc đó nên được tiết lộ như thế nào?”
Hiện nay, ông Tập Cận Bình vẫn đang trong quá trình nhổ tận gốc sự ảnh hưởng của ông Giang Trạch Dân đối với chính trị Trung Quốc, và nhiều người trong số những quan chức đã bị hạ bệ đã tham gia sâu vào cuộc đàn áp. Những người này bao gồm cựu ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai, cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang và những người khác.
Bối cảnh này có thể khiến cho ông Tập dễ giải quyết vấn đề Pháp Luân Công, nếu như có ngày nào đó những tội ác này bị đưa ra công lý, ông Xin nói.
“Một khi việc đó được tiết lộ, nó sẽ không chỉ là trách nhiệm của riêng Chu Vĩnh Khang. Ông Chu không thể tự mình gánh trách nhiệm đó được”, theo ông Xin. “Ai đã cho rằng Pháp Luân Công là một ‘dị giáo’? Đó là Giang Trạch Dân. Vì thế ông Giang Trạch Dân sẽ bị vướng vào”.
Larry Ong, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Chân Thành biên dịch
Xem thêm: