Trong báo cáo tổng hợp ý kiến của các bộ ngành về việc tăng cường quản lý hoạt động liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo khác, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ tạm dừng nhập khẩu đối với các loại máy đào tiền kỹ thuật số.

Theo Bộ Tài chính, các thiết bị nói trên không nằm trong danh mục hàng cấm nhập khẩu, không thuộc danh mục quản lý chuyên ngành hay hàng hoá gây mất an toàn nên doanh nghiệp được nhập khẩu theo nhu cầu.

Tuy nhiên, thực tế, việc sử dụng máy xử lý dữ liệu tự động giải mã Bitcoin, Litecoin cho mục đích khai thác tiền ảo có nhiều dấu hiệu cho thấy sự phức tạp trong công tác quản lý, dễ bị các đối tượng lợi dụng để sử dụng như tiền tệ hoặc một phương pháp thanh toán khác, vi phạm Nghị định 101 về việc thanh toán không dùng tiền mặt đã được sửa đổi bổ sung.

Bộ Tài chính cho rằng vụ lừa đảo 15.000 tỷ đồng xảy ra tại Tp.HCM mới đây là ví dụ điển hình cho thấy sự bất cập trong công tác quản lý khi có tới hơn 32.000 người đã bị lừa thông qua mô hình đầu tư tiền ảo iFan, Pincoin. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần cần có biện pháp quản lý chặt chẽ với việc nhập khẩu và sử dụng mặt hàng này.

Để ngăn chặn kịp thời các sự vụ lừa đảo tiền ảo khác có thể xảy ra, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng biện pháp tạm dừng nhập khẩu đối với các loại máy đào tiền kỹ thuật số.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính từ năm 2017 đến nửa đầu tháng 4/2018, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 15.600 máy đào tiền ảo, gồm máy xử lý dữ liệu Bitcoin, dữ liệu Bitmain, máy xử lý thuật toán, thiết bị xử lý dữ liệu thuật toán, máy xử lý dữ liệu tự động và máy xử lý dữ liệu tự động dùng cho hệ thống quản lý điều khiển từ xa, nội bộ.

Số lượng máy đào tiền ảo nhập khẩu về chủ yếu tập trung tại 3 thành phố lớn gồm Tp.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.

Trong khi đó, chỉ tính riêng hơn 4 tháng đầu năm 2018, lượng máy đào tiền ảo nhập về Việt Nam đã đạt con số hơn 6.300 bộ, tập trung hầu hết ở hai thành phố lớn gồm Hà Nội và Sài Gòn.

Trước đó, tháng 4/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ thị yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo khác. Chỉ đạo này được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO), sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp, gây rủi ro và mất trật tự xã hội.

Vụ bê bối gần đây nhất liên quan đến mô hình kinh doanh tiền ảo xảy ra hồi đầu tháng 4/2018 khi hàng chục nhà đầu tư đã kéo đến trụ sở Công ty cổ phần Modern Tech tại Nguyễn Huệ (Quận 1, Tp.HCM) giăng băng rôn tố cáo công ty này chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng bằng hình thức kêu gọi rót vốn mua đồng tiền ảo iFan, Pincoin (được trả lãi).

Những người tố cáo iFan và Pincoin cho biết cách thức tham gia kênh đầu tư tiền ảo này tương tự mô hình kinh doanh đa cấp. Công ty Modern Tech cam kết với nhà đầu tư mua tiền ảo iFan và Pincoin rằng khoản lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng tại các sự kiện tổ chức hoành tráng năm 2017. Nếu mời được thành viên mới vào hệ thống sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia.

Để tạo lòng tin với các nhà đầu tư, những người đại diện Modern Tech tuyên bố đang đàm phán với các ca sĩ nổi tiếng tại Việt Nam ký hợp đồng độc quyền, nhà đầu tư có thể sử dụng iFan mua sản phẩm âm nhạc, mua vé máy bay…

Ngày 21/5, lãnh đạo Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an chỉ đạo phối hợp với Công an Tp.HCM điều tra hành vi liên quan đến việc kêu gọi nhà đầu tư mua iFan, Pincoin của nhóm thành lập Modern Tech.

Cơ quan cảnh sát điều tra nhận định Modern Tech hoạt động dựa trên hình thức kinh doanh đa cấp sử dụng tiền kỹ thuật số iFan, vì vậy phải sớm điều tra việc hưởng lợi của các cá nhân sáng lập, thiệt hại của các nhà đầu tư… Cơ quan điều tra cũng kêu gọi các nạn nhân trong đường dây này cung cấp chứng cứ, tài liệu liên quan đến việc đầu tư tiền ảo iFan.

Nguyễn Trang