Những “con heo sát nhân” bị đưa lên giá treo cổ, chim sẻ bị khởi tố vì dám cả gan huyên thiên trong nhà thờ, hay bầy chuột trộm cắp bị triệu tập ra tòa,… đó chỉ là một vài trong số những vụ án lịch sử lạ kỳ về động vật Âu châu thời Trung Cổ.

Ngày 5/3/1986, những người dân quê sống gần thành phố Malacca ở Malaysia đã đánh đập một chú chó cho tới chết, bởi họ tin rằng con vật tội nghiệp ấy là thành viên trong băng đảng trộm cắp, đã hóa thân thành động vật để dễ bề hành sự. Câu chuyện ly kỳ này được báo cáo trên trang nhất của Thời báo Tài chính London (The London Financial Times). Bài báo viết: Khi một con chó cắn người, đó không phải là tin tức gì mới mẻ; nhưng khi người cắn chó, đó lại là điều đáng bàn!

Những vụ án kỳ lạ về động vật trong lịch sử

Những câu chuyện xét xử động vật đã từng là điều bình thường trong xã hội suốt một thời gian rất, rất dài. Nếu nhìn vào trang đầu trong cuốn sách xuất bản năm 1906 của tác giả Edward P. Evans, cuốn “The Criminal Prosecution and Capital Punishment of Animal” (Truy tố hình sự và trừng phạt động vật), bạn sẽ thấy hình ảnh một con heo, mặc chiếc áo khoác và quần ống chẽn, bị đưa lên giá treo cổ ngay giữa quảng trường của một thị trấn ở Normandy (Pháp) vào năm 1386. Đây chính là “con heo sát nhân” từng bị đưa ra xét xử tại tòa án địa phương và sớm bị quy kết tội giết người. Nhiều năm sau khi cuốn sách được phát hành, nhà tâm lý học Nicholas Humphrey vô tình đọc được mẩu tin này, ông kể lại: “Khi mượn cuốn sách từ thư viện của đại học Cambridge, tôi đã chỉ cho người thủ thư thấy bức tranh con heo ấy. Bà hỏi: ‘Đây là chuyện đùa à?’”.

Câu chuyện kỳ lạ trong lịch sử về vụ án con heo sát nhân - Hình ảnh trên trang đầu cuốn “The Criminal Prosecution and Capital Punishment of Animal” của E. P. Evans
Câu chuyện kỳ lạ trong lịch sử về vụ án con heo sát nhân – Hình ảnh trên trang đầu cuốn “The Criminal Prosecution and Capital Punishment of Animal” của E. P. Evans

Không, đó không phải chuyện đùa mà hoàn toàn là sự thật. Trên khắp châu Âu, xuyên suốt lịch sử thời Trung Cổ cho đến nhiều năm trong thế kỷ 19, không ít động vật đã bị đưa ra xét xử vì những “tội ác” giống như con người. Chó, heo, bò, chuột, thậm chí cả ruồi và sâu bướm cũng bị truy tố trước tòa vì những tội danh từ sát nhân, trộm cắp, cho tới cả… khiêu dâm. Các phiên tòa được diễn ra với đầy đủ mọi thủ tục: nguyên cáo, bị cáo, bằng chứng, nhân chứng, và cả luật sư bào chữa.

Một hình ảnh minh họa trong cuốn “The Criminal Prosecution and Capital Punishment of Animal” của E. P. Evans
Một hình ảnh minh họa trong cuốn “The Criminal Prosecution and Capital Punishment of Animal” của E. P. Evans

Một trong những vụ án điển hình nhất là vào năm 1494, gần tỉnh Clermont nước Pháp, một con heo đã bị bắt giữ với tội danh giết hại em bé trong nôi. Các nhân chứng có mặt tại tòa xác nhận rằng, vào buổi sáng lễ Phục sinh hôm ấy, khi ông bố Jehan Lenfant đang gác tòa lâu đài và bà mẹ Gillon vắng mặt trong làng Dizy, em bé bị bỏ lại một mình trong nôi. Khi ấy, con heo bị cáo đã xâm nhập vào nhà, làm em bé chết ngạt rồi ăn khuôn mặt và cổ của đứa nhỏ tội nghiệp. Sau khi cân nhắc các bằng chứng và nhận thấy không có tình tiết nào giảm nhẹ, tòa phẩm phán tuyên bố:

“Chúng tôi, trong nỗi ghê tởm và kinh hoàng về tội ác đã được nói đến, và cuối cùng, để tấm gương được thực hiện và công lý được thực thi, đã nói, xét xử, kết án, tuyên án, và chỉ định rằng con heo giờ đây sẽ bị giam giữ như một tù nhân trong tu viện… sẽ bị treo và siết cổ trên cây giá gỗ”.

Một vụ án lịch sử khác về con heo ở Lavegny, năm 1457 - Ảnh minh họa trong cuốn "The Book of Days" (1863) (Ảnh: Wikipedia)
Một vụ án lịch sử khác về con heo ở Lavegny, năm 1457 – Ảnh minh họa trong cuốn “The Book of Days” (1863) (Ảnh: Wikipedia)

Nhưng không phải con vật nào bị đưa ra xét xử cũng đều kết thúc bằng bản án tử hình. Thế kỷ 16 của nước Pháp có một câu chuyện về Bartholomew Chassenée, vị luật sư nổi tiếng nhờ những lời bào chữa hùng hồn cho một bầy chuột. Những con chuột này bị đưa ra xét xử tại tòa giáo hội vì đã “ăn hết và phá hoại một cách bừa bãi” đồng lúa mạch của địa phương. Khi các thủ phạm không chịu ra hầu tòa đúng như lịch hẹn, Chassenée đã khéo léo biện minh cho hành vi bất kính ấy: Rất có thể chúng đã không nhận được giấy triệu tập của tòa thẩm phán bởi còn bận di chuyển từ làng này sang làng khác? Và cho dù chúng có nhận được tráp mời đi chăng nữa, thì phải chăng chúng quá sợ hãi trước những con mèo mà không dám tuân lời tòa giáo hội? Nếu đúng là như vậy, Chassenée nói, khi một người không thể đến nơi được vì lý do an toàn, thì anh ta hoàn toàn được phép bất tuân lệnh một cách hợp tình hợp lý. Tòa án không thể ra lệnh cho tất cả mọi người phải nhốt mèo trong nhà, cuối cùng, họ buộc phải để bầy chuột trắng án.

Là tác giả viết đầy đủ và chi tiết nhất về những bản án động vật thời Trung Cổ, Edward P. Evans đã kể lại hơn 200 trường hợp tương tự như vậy: Đó là con chim sẻ bị khởi tố vì cả gan hót líu lo không ngừng trong nhà thờ, là con heo bị hành quyết vì lấy cắp chiếc bánh Thánh, là con gà trống bị đưa lên giàn hỏa thiêu vì…lỡ đẻ một quả trứng (?!), là bức tượng Hy Lạp bị kết tội sát nhân và bị ném xuống biển vì rơi trúng đầu một người qua đường, là chiếc chuông ở Nga bị buộc tội “phản quốc” và bị đày ải đến Siberia vì rung lên quá hân hoan vào cái ngày hoàng tử bị ám sát, v.v. Những tình tiết ly kỳ trong cuốn sách khiến người đọc không khỏi giật mình. Đó quả là những câu chuyện lịch sử khó tin nhưng hoàn toàn có thật. Đáng tiếc là tất cả chỉ còn lại trong những cuốn cổ thư hay nhiều tài liệu bị bỏ quên trên giá sách của thư viện, và đối với lớp trẻ thời hiện đại ngày nay, những sự kiện ấy nghe giống như một câu chuyện hoang đường trong cổ tích, ngụ ngôn, hay thần thoại.

Những vụ án động vật từng là điều bình thường trong lịch sử châu Âu thời Trung Cổ (Ảnh: medievalists.net)
Những vụ án động vật từng là điều bình thường trong lịch sử châu Âu thời Trung Cổ (Ảnh: medievalists.net)

Lý giải của Edwards P. Evans

Vậy, tại sao lại có những vụ án khôi hài đến vậy trong quá khứ? Tác giả Evans cho rằng, mục đích thật sự của điều này chính là giải pháp cho tâm lý. Khi con người sống trong màn đêm thời Trung Cổ, họ đều mang nỗi sợ về những gì vô luật lệ. Không phải lo sợ rằng luật pháp sẽ không được thực thi, mà là sợ rằng thế giới họ đang sống sẽ không còn trật tự vốn có của nó: Bầy châu chấu không rõ từ đâu đến và phá hoại mùa màng, đàn mối mọi hủy hoại khu vườn nho, bầy mèo gào thét làm cản trở những người thợ in ấn, hay Tòa Thánh trở nên hủ bại với vấn nạn tham nhũng,…

Cũng giống như ngày nay, khi đối mặt với những hiện tượng siêu nhiên khó giải thích, chúng ta lại dựa vào khoa học để trả lời cho tất cả, thì trong thời Trung Cổ, tòa án được tín nhiệm để giải quyết mọi mâu thuẫn phát sinh. Nói cách khác, tòa án là nơi “thuần hóa” những hỗn loạn để duy trì trật tự cho thế giới, và cũng là để làm dịu đi nỗi bất bình trong tâm lý con người. Nhưng khác với tòa án thời hiện đại, luật pháp tối cao nhất của những ngày Trung Cổ là ở giáo hội, hay là niềm tin vào Chúa trong tâm linh mỗi người.

(Dựa theo bài viết “Bugs and Beasts before the Law” của nhà tâm lý học Nicholas Humphrey, đăng trên Public Domain Review)

Hồng Liên biên tập

Xem thêm: