Trái ngược với sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Mỹ, kinh tế Nhật Bản và Đức cùng suy giảm trong quý III/2018. Tại Trung Quốc, đang xuất hiện ngày càng nhiều dấu hiệu giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Có nhiều lý giải được đưa ra về sự suy giảm của kinh tế Nhật Bản và Đức trong quý vừa qua. Các chuyên gia kinh tế dự báo 2 nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư thế giới này sẽ tránh được cảnh rơi vào suy thoái và sớm tăng trưởng trở lại.

Tuy nhiên, các con số cho thấy các nền kinh tế hàng đầu thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn.

Quý III/2018 đánh dấu lần đầu tiên kinh tế Đức suy giảm kể từ năm 2015. Việc áp dụng các thủ tục mới về kiểm tra khí thải của xe hơi đã khiến doanh số thị trường ôtô nước này chững lại. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung cũng tác động tiêu cực tới xuất khẩu của Đức.

Các chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Đức có thể tiếp tục yếu đi do nhu cầu suy giảm tại các nền kinh tế là đối tác thương mại chính của Đức như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Trung Quốc.

Trong khi đó, Nhật Bản đã quen với sự trì trệ kinh tế, thậm chí là với những cuộc suy thoái, nhưng triển vọng kinh tế Nhật hiện nay không phải là quá tệ.

Trong quý III, nền kinh tế Nhật Bản suy giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, mạnh hơn mức giảm 1% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Nguyên nhân của sự suy giảm này một phần là do thảm họa thiên nhiên. Các chuyên gia kinh tế dự báo tiêu dùng ở Nhật sẽ tăng mạnh trong quý IV, bởi vào tháng 10 năm sau, Chính phủ Nhật sẽ triển khai kế hoạch tăng thuế tiêu dùng lên 10%.

Tại Trung Quốc, số liệu công bố mới đây cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang cùng lúc đối mặt với tăng trưởng tiêu dùng yếu đi, niềm tin suy giảm và tăng trưởng tín dụng gây thất vọng.

Theo các chuyên gia, chính phủ nước này sẽ sớm tăng cường các biện pháp kích cầu để giảm bớt ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Ting Lu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc thuộc ngân hàng đầu tư Nomura, cho rằng điều tồi tệ hơn còn chưa đến. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ suy giảm nhanh hơn vào đầu năm tới.

Bất chấp triển vọng hồi phục với nền kinh tế Đức và Nhật Bản trong quý IV năm nay, nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2019. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 2,5% trong năm 2019, so với mức tăng 2,9% của năm nay.

Những rủi ro cản trở triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu bao gồm chiến tranh thương mại và tác động của việc Mỹ nâng lãi suất đối với các thị trường mới nổi. Italy – quốc gia đang mâu thuẫn với Liên minh châu Âu (EU) về kế hoạch ngân sách quốc gia – có thể sẽ là nhân tố châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nữa ở châu Âu.

Andrew Kenningham, chuyên gia kinh tế của Capital Economics, nói: “Hiện tại, chúng tôi không nghĩ đến những khả năng như xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm nhiều vào năm tới. Chúng tôi cho rằng dự báo của IMF là quá lạc quan”.

Vỹ An (Tổng hợp)