Nếu tham nhũng đã trở thành virut dịch bệnh thì bộ máy quản lý không khác mấy một hệ thống đã suy giảm chức năng miễn dịch. Không chỉ tham nhũng, mà lạm quyền cũng sẽ nhanh chóng phát triển như các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Phần 1: Khi mối nguy đến từ lãnh đạo

Muốn tinh giản biên chế, trước hết phải tinh giản lãnh đạo

Trong 10 năm (2003-2013) tiến hành tinh giản, bộ máy hành chính không những không thu hẹp mà còn phình thêm 20%. Cũng trong 10 năm đó, “…tổng chi ngân sách tăng 4,9 lần, trong đó chi thường xuyên tăng 7 lần, chi đầu tư từ ngân sách tăng được 3 lần”, TS Lê Xuân Nghĩa cho hay.

Như vậy là chi thường xuyên tăng rất lớn, trong khi chi đầu tư tăng khiêm tốn và nếu như trừ đi lạm phát thì hầu như không còn”, ông cho biết trên báo Tuổi Trẻ.

Cuối tháng 12/2015, vấn đề tinh giản biên chế tiếp tục được nhắc lại. “Trong khi chúng ta kêu gọi tinh gin biên chế mà viên chc li tăng lên rt mnh. C nước có 55.851 đơn v s nghip, 2 triu viên chc. Bây giờ c Trung ương, c h thng chính tr có 300.000 người, chưa k công an, quân đi”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các tỉnh, thành.

Tinh giản biên chế muốn đạt hiệu quả, trước hết hãy xét ở cấp lãnh đạo cấp trung ương, tức Chính phủ, Bộ, Sở.

Ở cấp Sở, xét trường hợp của Bộ NN&PTNT. Theo Thông tư 14 của Bộ NN&PTNT, mỗi Sở NN&PTNT có số lượng Phó Giám đốc (PGĐ) quy định không quá 03 người.

Nhưng Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh đang có tới 7 PGĐ, Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An có 6 PGĐ, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình có 4 PGĐ.

Chánh văn phòng Sở Nội vụ Thanh Hóa thừa nhận việc Sở NN&PTNT Thanh Hóa có 7 PGĐ là sai, nhưng là cái sai do quyết định của các thế hệ Thường vụ Tỉnh ủy trước. Tỉnh cam kết sẽ không bổ nhiệm thêm (!).

PGĐ Sở Nội vụ Nghệ An cho biết, việc Sở NN&PTNT Nghệ An có 6 PGĐ là do trước sáp nhập nhiều sở với nhau. Hiện nay các sở đang sắp xếp lại (!).

Còn đối với tỉnh Hà Tĩnh, Chánh văn phòng Sở Nội vụ Bùi Khắc Phước cho hay: Bộ gửi về nên phải bổ nhiệm (!).

Vậy ở cấp Bộ thì sao? Theo Nghị định số 36/2012/NĐ-CP, số Thứ trưởng ở mỗi bộ không vượt quá 4 người, nhưng nhiều bộ vẫn dư vượt cấp thứ. Bộ Quốc phòng có 10 thứ trưởng. Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải có 7 thứ trưởng. Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 6 thứ trưởng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, mỗi bộ có 5 thứ trưởng.

Ngay cả Bộ Nội vụ, bộ chịu trách nhiệm quản lý chính về nhân sự, hành chính, địa giới hành chính…, cũng “vượt rào” khi có tới 6 Thứ trưởng.

Mục 3, Điều 3 của Nghị định 36 viết: “Số lượng Thứ trưởng ở mỗi Bộ không quá 04 người. Đối với Bộ quản lý nhà nước nhiều ngành, lĩnh vực lớn, quan trọng, phức tạp, số lượng Thứ trưởng có thể nhiều hơn 04 người do Thủ tướng Chính phủ quyết định“.

Như vậy, việc các Bộ bị “lạm phát” cấp thứ thì trách nhiệm lại truy ngược về Chính phủ. Sự việc thành một vòng luẩn quẩn.

“Cỗ” bày trước mặt, sao lại không “lạm quyền”?

Theo báo Tầm Nhìn, báo Công Luận, Phó GĐ Sở NN&PTNT Thái Nguyên Bùi Tiến Chính vẫn giữ chức Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Thái Nguyên ngay cả khi đã được bổ nhiệm PGĐ. Một mình hai cương vị, ông Chính “vừa đá bóng vừa thổi còi”, một mặt ký các dự án xây dựng, gia cố đê điều… mặt khác ký các quyết định chọn nhà thầu, nghiệm thu…

Trong năm 2014, Chi Cục Thủy lợi Thái Nguyên đã đóng vai trò chủ đầu tư đối với hàng loạt dự án có tổng giá trị lên tới gần 50 tỷ đồng.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phan Minh Nguyệt được bổ nhiệm từ năm 2014, tới 2015 mới phát hiện ra một loạt tội danh từ khi còn giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc một doanh nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp thành phố, theo Việt Nam Net. Từ 2011-2013, ông Nguyệt đã thu bất chính khoảng 25 tỷ đồng, đồng thời bỏ ngoài sổ sách 18 tỷ đồng.

Nói về quyết định bổ nhiệm năm 2014, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long giải thích: “Do chưa phát hiện được sai phạm nên vẫn bổ nhiệm […]“.

Tháng 8/2015, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Yên Lê Thanh Phương bị cách chức vì cố ý làm trái nguyên tắc tài chính gây thất thoát hơn 1 tỉ đồng, lãng phí hơn 320 triệu đồng. Trong đó, ông Phương đã thông đồng “rút ruột” dự án 268 triệu đồng.

Ngoài ra, ông Phương chỉ đạo nhân viên cấp dưới lập khống, hợp thức hóa nhiều chứng từ để thanh toán sai thực tế hơn 240 triệu đồng; để một số nhân viên của Trung tâm Tích hợp dữ liệu Phú Yên tự ý nâng khống thanh toán, chiếm đoạt hơn 620 triệu đồng, theo báo Người Lao Động.

Trong vụ sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực, hai cá nhân nắm chức vụ cao nhất bị thanh tra TP quy trách nhiệm đều đã về hưu, gồm ông Nguyễn Quốc Tuấn – Phó giám đốc Sở Xây dựng và bà Lê Thị Nhung – trưởng phòng Quản lý cấp phép, Sở xây dựng.

Không tinh giản, tinh giản không hiệu quả, thậm chí càng tinh giản càng phình to với tình trạng “lạm phát” lãnh đạo thì đó là cái nguy đối với hệ thống.

Bởi vì bộ máy nhân sự đó không chỉ dư thừa mà còn sách nhiễu, không chỉ chi tiêu tốn ngân sách mà còn lạm quyền. Hệ thống đó như những “vòi bạch tuộc”, một bên cắm vào ngân sách của tỉnh, của trung ương, một bên tiếp tục theo các cấp hành chính từ tỉnh, huyện, xã… găm vào từng đơn vị quản lý hành chính nhỏ nhất để rồi tiếp tục lũng đoạn tài nguyên qua đủ loại thuế, phí từ dân chúng, doanh nghiệp.

Báo Người Lao Động cho hay, trong một thống kê về tình hình tham nhũng nội bộ hồi năm 2005, Ban Nội chính TW đã dẫn một phát biểu của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu: “Tham nhũng ở nước ta là do cả cơ chế lẫn con người”.

Đón xem: Phần 2 – Sự tiếp tay của cơ chế

Phan A

Xem thêm: