Bộ Công an khẳng định việc bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng xã hội không vi phạm các quy định của pháp luật là hoàn toàn hợp pháp.

Trước nhiều lo ngại khi luật an ninh mạng mới được quốc hội thông qua, Trung tướng Hoàng Phước Thuận khẳng định với truyền thông không cấm người dân bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội, cũng như  không cấm sử dụng Facebook và Google…

Chỉ nghiêm cấm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng

Trung tướng, Phó giáo sư-tiến sỹ Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an khẳng địnhLuật An ninh mạng chỉ nghiêm cấm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, không có quy định nào cấm Facebook, Google hoặc các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Trung tướng, Phó giáo sư-tiến sỹ Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng. (Ảnh cắt clip)

Luật An ninh mạng không cấm hoặc ngăn cản quyền tự do ngôn luận, quyền bày tỏ quan điểm của công dân. Đạo luật này cũng không có quy định nào cấm công dân sử dụng các dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Google…

Luật An ninh mạng cũng không cấm công dân tham gia hoạt động trên không gian mạng hoặc truy cập, sử dụng thông tin trên không gian mạng và cũng không có quy định nào cấm công dân khởi nghiệp, sáng tạo hay trao đổi, triển khai ý tưởng sáng tạo của mình trên không gian mạng.

Mọi người có thể yên tâm sử dụng Facebook, Youtube… nếu không vi phạm các điều cấm mà pháp luật quy định kể cả việc bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nếu bày tỏ quan điểm cá nhân mà xúc phạm nhân phẩm danh dự của người khác, xúc phạm đến tôn giáo, dân tộc… thì đây là hành vi bị cấm. Luật An ninh mạng quy định các hành vi bị cấm để mọi người biết các hoạt động nào được pháp luật bảo hộ, hoạt động nào bị cấm để người sử dụng mạng không mắc vào vi phạm,” Trung tướng Hoàng Phước Thuận cho biết.

Các hành vi bị nghiêm cấm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Mọi người đều phải chịu trách nhiệm trước các hành động, phát ngôn trên không gian mạng của mình nếu hành động, phát ngôn đó xâm phạm tới quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. (Ảnh: Vnexpress)

Trước đó, là một trong 15 đại biểu ấn nút không tán thành thông qua Luật An ninh mạng, ông Dương Trung Quốc đã công khai “lá phiếu” của mình và cho hay ông ấn nút như vậy “để tránh những rủi ro có thể đến” trong trường hợp quy định của Luật không phù hợp với thực tiễn.

Luật An ninh mạng sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019.

Luật An ninh mạng gồm bảy chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

An ninh mạng được định nghĩa là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bảo vệ an ninh mạng là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm trong lĩnh vực này.

Tùng Anh (TH)