Nhiều người cho rằng cùng với động thái tăng giá, việc buộc người dùng phải trả tiền ngay cả khi không dùng dịch vụ cho thấy Grab ngày càng chứng tỏ vị thế “một mình một chợ” tại Việt Nam sau khi thâu tóm Uber.

Grab Việt Nam vừa công bố chính sách phạt hủy chuyến đối với hành khách. Theo đó, mức phạt sẽ là 10.000 đồng cho mỗi lần hủy chuyến.

Cụ thể, phí huỷ chuyến sẽ được áp dụng khi khách hàng đã huỷ từ 7 chuyến Grab trở lên trong vòng 7 ngày. Khi huỷ từ 6 chuyến trở lên trong vòng 7 ngày, người dùng sẽ nhận được yêu cầu liên kết thẻ tín dụng với Grabpay để có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ.

Grab cho rằng, việc đặt xe, sau đó huỷ chuyến sẽ gây nhiều bất tiện cho cả đối tác tài xế và khách hàng. Đối tác tài xế bị động hơn khi sắp xếp các cuốc xe còn khách hàng khó đặt xe hơn khi hủy chuyến nhiều lần. Vì vậy, chính sách huỷ chuyến dành cho khách hàng sẽ được Grab chính thức áp dụng.

Khách không đi, hủy chuyến bị phạt tiền: Grab ngày càng chứng tỏ vị thế độc quyền tại Việt Nam?
Grab áp dụng chính sách hủy chuyến bị phạt 10.000 đồng.

Theo Grab, hiện tại chính sách hủy chuyến dành cho khách hàng mới chỉ áp dụng cho các dịch vụ di chuyển của Grab (GrabCar, GrabTaxi, GrabBike). Các dịch vụ khác như GrabFood, GrabExpress vẫn chưa áp dụng hình thức này.

Grab cũng nêu rõ khách hàng có quyền từ chối nếu đối tác tài xế yêu cầu người dùng huỷ chuyến. Để duy trì tỷ lệ đặt xe nhanh và dễ dàng, Grab khuyến khích khách hàng không huỷ chuyến.

Chính sách phạt hủy chuyến này khiến nhiều người dùng cảm thấy hụt hẫng. Thậm chí, không ít người dùng cho rằng sau hơn 2 tháng sau thương vụ mua lại Uber, Grab đang dần mất đi thương hiệu một hãng gọi xe giá rẻ tại Việt Nam. Thay vào đó, Grab liên tục bị người dùng than phiền về việc tăng giá vô tội vạ khi Uber rời khỏi thị trường Việt Nam.

Liên quan đến thương vụ sáp nhập 2 ứng dụng gọi xe lớn nhất Việt Nam, ngày 18/5 vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã quyết định điều tra chính thức vụ việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam.

Thời hạn điều tra chính thức vụ việc là 180 ngày kể từ ngày có quyết định điều tra chính thức; trường hợp cần thiết, có thể gia hạn không quá hai lần, mỗi lần không quá 60 ngày.

Trước đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã tiến hành điều tra sơ bộ trong 30 ngày. Kết quả sơ bộ cho thấy, việc tập trung kinh tế giữa hai doanh nghiệp này khiến thị phần vượt ngưỡng 50% nên có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh 2004.

Theo quy định Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Nếu vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.

Như vậy, phải chờ ít nhất gần 3 tháng đến nửa năm nữa mới có kết quả điều tra thương vụ sáp nhập giữa Grab và Uber. Trong khi đó, người dùng vẫn không có nhiều quyền lựa chọn các ứng dụng gọi xe khác vì việc chọn một ứng dụng taxi truyền thống vẫn chưa được “trơn tru” với những thông báo không tìm thấy xe hay lỗi ứng dụng.

Nguyễn Trang