Đại diện Ngân hàng Việt Á chiều ngày 3/1 đã trả lời về đơn kêu cứu của khách hàng gửi 170 tỷ đồng tại Phòng giao dịch Đông Đô (Ngân hàng Việt Á) nhưng bất ngờ số tiền rất lớn này đã bị rút hết.

Chiều 3/1, trao đổi với Báo Người Lao Động, đại diện Ngân hàng Việt Á cho biết, nhóm khách hàng này có liên quan đến vụ đối tượng Nguyễn Thị Hà Thành vừa bị khởi tố để điều tra về hành vi lừa đảo hàng trăm tỷ đồng tại ngân hàng này.

Theo đó, nhóm khách hàng này có đến yêu cầu ngân hàng trả 170 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Việt Á, nhưng không xuất trình được giấy tờ hợp pháp liên quan đến các khoản tiền gửi. Theo quy định, ngân hàng không phát hành hợp đồng tiền gửi cho khách hàng cá nhân, mà chỉ phát hành cho khách hàng tổ chức, doanh nghiệp.

Với khách hàng cá nhân, ngân hàng sẽ phát hành sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi tiết kiệm và có các chứng từ chứng minh việc nộp tiền vào ngân hàng…, nhưng nhóm khách hàng này không xuất trình được. Sổ sách liên quan đến các khoản tiền gửi này cũng không có trên hệ thống của ngân hàng.

“Hiện Ngân hàng Việt Á đang phối hợp với cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ vụ việc. Nhóm khách hàng này chỉ đưa ra các hợp đồng tiền gửi, trong khi tính xác thực của các hợp đồng này cũng phải chờ cơ quan điều tra làm rõ” – đại diện ngân hàng Việt Á thông tin.

Như Thanh Niên thông tin, khách hàng Triệu Thị Tuyết Trinh và Triệu Hùng Cường (ở tổ 6, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, có gửi 6 món tiền với tổng số 170 tỷ đồng có kỳ hạn tại Ngân hàng TMCP Việt Á, Phòng giao dịch Đông Đô (18 T1, đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Tổng số tiền 170 tỷ đồng của các khách hàng trên được gửi tại 6 cuốn sổ tiết kiệm theo 6 hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn. Trong đó, 3 hợp đồng trị giá 90 tỷ đồng (30 tỷ/hợp đồng), 1 hợp đồng 35 tỷ, 1 hợp đồng 25 tỷ và 1 hợp đồng 20 tỷ đồng. Các sổ này có thời hạn gửi tiền từ khoảng tháng 9/10/2018, với thời hạn gửi 3 tháng, lãi suất 5,5%/năm. 

Tất cả sổ đều có chữ ký của Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Á, Chi nhánh Hà Nội, Phòng giao dịch Đông Đô ký và có đóng dấu đỏ của ngân hàng này.

Ngày 12/11/2018, Ngân hàng Nhà nước phê duyệt cho VietABank thành lập 7 chi nhánh tại Hà Nội. (Ảnh: VietABank)

Bà Trinh và ông Cường cho biết, ngày 8/12 khi lên Phòng giao dịch Đông Đô của ngân hàng Việt Á để rút tiền thì nhận được thông báo số tiền gửi của mình đã được rút, trong khi bản thân chưa tất toán sổ, chưa rút tiền và không uỷ quyền cho ai. Sau khi vụ việc xảy ra, cả hai người này cho hay có đến ngân hàng Việt Á gặp cán bộ ngân hàng là Nguyễn Thanh Tùng, tuy nhiên, người này “xin khất” một thời gian sau trả lời, không xác định thời hạn.

Trong tháng 12/2018, ngân hàng Việt Á có hẹn làm việc với khách hàng 2 lần. Lần thứ nhất vào ngày 10/12/2018 giữa ông Cường, bà Trinh cùng ông Nguyễn Thanh Tùng; lần thứ 2 là với ông Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng phòng giao dịch Đông Đô, nhưng cả 2 lần đều không có kết quả.

“Tôi xin gặp Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc để giải quyết, nhưng các lãnh đạo trên đều tránh mặt, gọi điện không liên lạc được, không hiểu các vị này còn ở trụ sở hay đã bỏ trốn. Trong khi số tiền gửi của tôi lại không có quyết định phong toả hoặc việc không trả tiền cho tôi cũng không thông báo vì lý do gì”, bà Trinh – ông Cường viết trong đơn.

Trong diễn biến mới nhất, sáng 3/1, ông Triệu Hùng Cường cho biết: “Đến thời điểm hiện tại không có ai của ngân hàng liên lạc hay hẹn gặp để giải quyết cho chúng tôi”.

Một trong những hợp đồng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng tại Việt Á Bank. (Ảnh: Anh Vũ)

Theo VietnamFinance, đại diện VietABank cho biết, vụ việc đang trong giai đoạn điều tra và không chỉ có trường hợp bà Trinh mà còn một số trường hợp khác trong tình trạng tương tự. Do vậy, tại thời điểm này, VietABank chưa thể phát ngôn gì thêm.

Liên quan đến vụ việc này, hiện tại, Công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự “Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại VietABank ở địa chỉ nêu trên.

Theo hồ sơ ban đầu, ngày 27/12/2018, Ngân hàng Việt Á đã gửi đơn đến Công an Hà Nội tố giác hành vi lừa đảo của bà Thành và các đối tượng thông qua giả mạo hồ sơ vay vốn thế chấp bằng sổ tiết kiệm tại các ngân hàng.

Nhóm lừa đảo trên sau khi ký hợp đồng tiền gửi đồng sở hữu với khách hàng đã làm giả giấy tờ cầm cố để vay lại tiền tại VietABank và ngân hàng khác. Đến thời hạn kết thúc hợp đồng, những khách hàng nêu trên đến ngân hàng rút tiền thì mới vỡ lẽ tiền mình đã “bốc hơi”.

Khôi Minh (tổng hợp)