Chứng khoán Việt Nam chốt lại phiên cuối cùng của năm 2017 ở mức cao nhất trong 1 thập kỷ qua, nhưng mức tăng cả năm vẫn kém hơn so với 3 thị trường khác trên thế giới. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc láng giềng lại có một năm kém khả quan.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/12/2017, chỉ số chứng khoán chính của Việt Nam, VN-Index, dừng ở mức 984,24 điểm, tăng 48,04% so với mức 664,87 điểm ghi nhận vào cuối năm 2016.

Chứng khoán Việt Nam tăng mạnh thứ tư thế giới trong năm 2017. (Ảnh: ĐKN)

Với mức tăng trên, Việt Nam trở thành thị trường có mức tăng mạnh thứ tư thế giới theo thống kê của trang World Market Indices.

Thị trường thăng hoa nhất trong năm qua là Argentina tăng 77,72%, tiếp đến là Mông Cổ tăng 66,48% và Thổ Nhĩ Kỳ tăng 48,17%.

Một số thị trường tăng mạnh khác trong năm 2017 là Nigeria tăng 42,79%, Hồng Kông tăng 37,30%, Ai Cập tăng 32,02% và Ấn Độ tăng 29,77%.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường ảm đạm nhất trong năm qua, với chỉ số Chinext (giống với chỉ số tổng hợp Nasdaq của Mỹ) giảm 10,54% – mức giảm lớn nhất trong số các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới.

Những thị trường giảm nhiều tiếp theo là UAE giảm 4,55%, Abu Dhabi giảm 3,75% và Luxembourg giảm 1,84% và Jordan giảm 1,76%.

Chứng khoán
Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất thế giới trong năm 2017. (Ảnh: ĐKN)

Tại thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới là Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones trong năm qua tăng 25%, chỉ số S&P 500 tăng 19% và chỉ số Nasdaq tăng 27%.

Quay lại với Việt Nam, thị trường đã tăng một mạch từ đầu năm đến cuối năm 2017 mà không có nhiều đợt điều chỉnh. Với mức 984 điểm, chỉ số VN-Index hiện đang đứng ở mức cao nhất trong 10 năm qua.

Một chỉ số khác của Việt Nam là HNX-Index cũng tăng tới 46% trong năm 2017, cho thấy thị trường Việt Nam năm qua đã tăng trên diện rộng.

Tính đến hết năm 2017, thị trường Việt Nam đã có 1.423 doanh nghiệp niêm yết, trong đó Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) có 349 mã niêm yết, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) có 384 mã, còn sàn UPCoM có tới 690 mã.

Minh Tuệ