Ngày 14/11, trả lời trước câu hỏi liệu việc Triều Tiên không có hành động khiêu khích lớn nào trong 2 tháng qua có là 1 tín hiệu tốt hay không, Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên Joseph Yun bày tỏ mong muốn thúc đẩy tiến trình đàm phán hạt nhân trên bán đảo này.

Ông Yun hy vọng quốc gia này không tiến hành các động thái khiêu khích nhằm tạo môi trường thuận lợi để có thể tổ chức các cuộc đàm phán liên quan tới chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Theo đặc phái viên, chính quyền Washington không rõ điều này vì Bình Nhưỡng không thông báo sẽ ngừng hành động. Tuy nhiên, ông vẫn hy vọng phía Triều Tiên sẽ duy trì thái độ này.

Ông Joseph Yun nêu rõ “bước khởi đầu tốt” để khiến các bên cân nhắc tiến hành đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng là việc nước này chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã khẳng định điều này.

Trước đó, đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên đã tới Seoul hôm 13/11, bắt đầu chuyến thăm Hàn Quốc 4 ngày. Dự kiến, ông sẽ tham dự 2 hội nghị và gặp người đồng cấp Hàn Quốc Lee Do-hoon để thảo luận cách thức tiếp cận chung đối với Triều Tiên.

Triều Tiên ngừng tiến hành ngừng phóng thủ tên lửa hạt nhân từ ngày 15/9 vừa qua. (Ảnh: KCNA)

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên không tiến hành bất kỳ hành động khiêu khích nào kể từ ngày 15/9. Ông Yun cho biết nếu Triều Tiên ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân trong vòng 60 ngày, đây sẽ là tín hiệu mà Washington cần để nối lại đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng.

Cũng hôm 14/11, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng Seoul và cộng đồng quốc tế cần bắt đầu thảo luận những giải pháp có thể làm cho Bình Nhưỡng quyết định ngừng chương trình hạt nhân và ngồi vào bàn đàm phán phi hạt nhân.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi nỗ lực phi hóa hạt nhân Triều Tiên. (Ảnh: AFP)

Phát biểu với báo giới khi tham dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 31 và các hội nghị liên quan tại Philippines, Tổng thống Moon Jae-in cho rằng sẽ không dễ dàng tiến tới việc Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn hạt nhân trong tương lai gần.

Điều này có nghĩa Triều Tiên có thể đóng băng chương trình hạt nhân trước, sau đó tiến tới từ bỏ hoàn toàn. Nếu điều này xảy ra, Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế có thể thảo luận để đáp lại thiện chí này của Triều Tiên.

An Yên