Hải quan sẽ dùng Blockchain để quản lý, thông quan hàng hóa trong những năm tới,  ông Ngô Minh Hải – Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết.

Kết quả ứng dụng công nghệ trong thông quan hàng hóa được ông Ngô Minh Hải – Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát hải quan (Tổng cục Hải quan) nhắc lại Tại hội nghị Tạo thuận lợi thương mại do Ban phát triển kinh tế tư nhân phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức ngày 10/9.

Tính bất biến, minh bạch và loại bỏ các bên trung gian là một số trong những tính năng tuyệt vời nhất của Blockchain để khắc phục tình trạng nhiều gián đoạn đang xảy ra trong các ngành công nghiệp.

Hiện 100% hàng hóa xuất nhập khẩu trong hệ thống quản lý hải quan hiện nay được mã hóa, 100% tờ khai hải quan được làm tự động. Công nghệ, phần mềm hiện đại cũng được cơ quan này ứng dụng trong cơ chế hải quan một cửa.

Tuy nhiên, trước làn sóng cách mạng công nghệ 4.0, ngành này cũng hướng tới “Customs tech”, nghĩa là ứng dụng những xu hướng công nghệ mới, như Blockchain, nhằm kiểm soát hàng hóa theo chuỗi trong kiểm tra chuyên ngành, thông quan hàng hóa.

“Kỳ vọng 3-5 năm nữa, Blockchain sẽ được đưa vào lĩnh vực hải quan để thông qua một lộ trình nghiên cứu cụ thể”, ông nói và nhấn mạnh, để việc ứng dụng này triển khai thực tế nhanh hơn thì “ngành hải quan không thể đi một mình, mà cần sự đồng hành của nhiều bộ, ngành khác”.

Cán bộ hải quan kiểm tra hàng nhập khẩu của doanh nghiệp tại một cửa khẩu. (Ảnh: Vnexpress)

Cũng theo ông Hải, song song với phát triển, áp dụng công nghệ mới nhằm giảm thiểu chi phí, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, hải quan sẽ sớm có cơ chế bảo lãnh thông quan. Cơ chế này bước đầu sẽ được thí điểm từ năm 2020 dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại toàn cầu (GATF).

Cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đang bị “bủa vây bởi thủ tục kiểm tra chuyên ngành”, ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại nhận định, bảo lãnh thông quan sẽ là một giải pháp để cân bằng giữa tạo thuận lợi thương mại và quản lý rủi ro.

“Cần nghiên cứu kỹ kinh nghiệm các nước đã triển khai và vận dụng từng bước để gỡ nút thắt này”, ông Tuyển chia sẻ.

Ứng dụng Blockchain chính là một trợ thủ đắc lực đối với hoạt động hải quan nhờ khả năng truy xuất nguồn gốc và chất lượng cũng như các thông tin liên quan về hàng hóa. Nếu các thông tin về hàng hóa được lưu trữ trên blockchain từ khâu sản xuất, nuôi trồng tới khi xuất nhập khẩu, nhân viên hải quan sẽ dễ dàng xác định được nguồn gốc, chất lượng, tỷ lệ nội địa và các thông tin liên quan khác để áp mức thuế phù hợp và chính xác tối đa.

Chính nhờ khâu kiểm tra chính xác mà sản phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ chuẩn trên từng mm từ nguồn gốc đến chất lượng trên mặt bằng khá tạp nham, thiếu trung thực trong khâu khai báo sản phẩm của các nhà sản xuất hay nhà phân phối như hiện nay. Một lần nữa, chúng ta cần ứng dụng Blockchain để đưa ra quyết định tiêu dùng chính xác nhất.

Có thể bạn sẽ không ngờ rằng Walmart là một trong những doanh nghiệp tiên phong sử dụng ứng dụng Blockchain, thậm chí gã khổng lồ bán lẻ này đã sử dụng blockchain từ năm 2016 để theo dõi nguồn lợn nhập từ Trung Quốc đến Mỹ. Hay một nhóm nông dân ở tiểu bang Arkansas đã in mã QR trên thùng đựng thịt gà để theo dõi giao dịch.

Tất cả những ứng dụng này đều giúp nhà cung cấp giảm thiểu số lượng thực phẩm bị hư hỏng và ngăn chặn bệnh dịch tràn lan, mở ra một tương lai mới nói chung cho ứng dụng blockchain vào xuất nhập khẩu, đảm bảo an toàn tiêu dùng cho đầu ra mọi sản phẩm.

“Để giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh, việc đầu tiên là thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại. Muốn làm được cần phải tạo sự cải cách của ngành hải quan và khâu kiểm tra chuyên ngành. Quá trình này là minh bạch, công khai và có giám sát, giải trình chứ không phải nói trên giấy rồi không thực hiện”, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Người phát ngôn Chính phủ cho biết, hiện các Bộ, ngành đăng ký giảm 28% điều kiện kinh doanh và 25% thủ tục kiểm tra chuyên ngành. 23 dự thảo Nghị định cắt giảm điều kiện kinh doanh đang được các Bộ trình Chính phủ, khi thông qua sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí phi chính thức, tạo thuận lợi thương mại. Ngày 30/9, Văn phòng Chính phủ sẽ trình Thủ tướng ký ban hành các Nghị định này.

Blockchain là gì?

Blockchain hay cuốn sổ cái (dịch ra tiếng việt là chuỗi khối), tên ban đầu của nó là block chain, là một hệ thống cơ sở dữ liệu chứa thông tin, được dùng để lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau, và được quản lý bởi tất cả mọi người tham gia hệ thống, thay vì một bên thứ 3 riêng lẻ như nhà nước hay ngân hàng trung ương; đồng thời cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn bằng một hệ thống mã hóa phức tạp, và được mở rộng theo thời gian.

Blockchain được tạo ra để chống lại sự thay đổi dữ liệu trong hệ thống, đồng thời công nghệ blockchain (Blockchain technology) cũng có một tính năng rất đặc biệt đó là việc truyền tải dữ liệu không đòi hỏi một trung gian nào để xác nhận thông tin.

Bởi vì trong hệ thống Blockchain tồn tại rất nhiều nút hoạt động độc lập có khả năng xác thực các thông tin trong hệ thống mà không đòi hỏi “dấu hiệu của niềm tin”.

Thông tin khi được nhập vào trong chuỗi khối blockchain thì sẽ không thể thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự chấp thuận của tất cả mọi người trong hệ thống. Đây là một hệ thống đảm bảo sự an toàn rất cao cho các dữ liệu trước các nguy cơ bị đánh cắp, nhất là các dữ liệu nhạy cảm như tài khoản ngân hàng online, tài khoản thẻ thanh toán…

Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống blockchain bị tấn công, thì các phần khác không bị ảnh hưởng và vẫn tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin.

Blockchain được các chuyên gia trên thế giới ví như một cuốn sổ kế toán chính (hay còn gọi là cuốn sổ cái) của một công ty, nơi mà mọi hoạt động liên quan đến tiền của công ty được giám sát rất chặt chẽ. Trong trường hợp này Blockchain là một cuốn sổ cái hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, và dữ liệu được lưu trữ là các dữ liệu số.

Quang Minh (TH)