Hà Nội có quy hoạch nhưng thiếu nhà đầu tư, nên việc thoát úng ngập của hơn 200km2 vẫn theo hình thức tự chảy.

Cuộc họp giám sát kết quả thực hiện Quy hoạch thoát nước trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức ngày 24/10 đã nêu những nguyên nhân khiến tình trạng úng ngập cục bộ tại Thành phố chưa được giải quyết.

Hệ thống thoát nước Hà Nội “bất khả kháng” với những trận mưa lớn (ảnh internet)

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, Hà Nội hiện chỉ có 70km2 khu vực sông Tô Lịch có thể thoát nước nhờ vào kết quả thực hiện Dự án thoát nước giai đoạn 2 sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản; một diện tích rộng tới 230 km2 phải dựa theo hình thức tự chảy.

Hiện nay khu vực Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, Hà Đông, Nam Từ Liêm và các khu đô thị mới xuất hiện tình trạng ngập úng cục bộ khi có mua lớn do hệ thống hạ tầng chưa theo quy hoạch.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tình trạng ngập úng tại các khu vực trên đang đặt ra yêu cầu cấp bách là xây dựng các trạm bơm lớn. Đó là trạm bơm Liên Mạc với công suất giai đoạn 1 là 90 m3/s và trạm bơm Yên Nghĩa công suất 120m3/s, kết hợp cải tạo sông Nhuệ để lưu thoát nước nhanh với lượng mưa cường độ 300mm/2 ngày.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhà đầu tư thực hiện các dự án chống ngập cho Hà Nội đang lâm vào thế khó.

Trao đổi với báo chí, ông Dục cho biết quy hoạch thoát nước, xử lý nước thải đã đầy đủ, nhưng thiếu doanh nghiệp muốn tham gia đầu tư. Danh mục đầu tư vào hệ thống thoát nước, xử lý nước thải theo các hình thức xã hội hóa, theo ông Dục, là “trống trơn.

Với các dự án thoát nước đã triển khai, song tiến độ cũng chậm so với kế hoạch.

Trên thực tế, hiện hệ thống thoát nước mưa của nội thành Hà Nội đáp ứng chỉ ở mức là 310 mm cho 2 ngày hoặc 50 mm trong 2 giờ, vì vậy khi lượng mưa lớn, thời gian kéo dài thì việc ngập úng là bất khả kháng.

Hoàng Minh