Thay vì tiến hành những cuộc biểu tình chính trị như hồi cuối năm 2017, giới trung lưu ở Venezuela hiện nay cũng phải lao ra đường tranh cướp đồ ăn nếu không muốn bị chết đói.

Theo AP, ngay sau khi rút khỏi Puerto Cabello, cảng lớn nhất của Venezuela, Carlos Del Pino, tài xế chuyên lái xe tải lương thực đã chứng kiến cảnh tượng 20 người dân nước này chặn đầu một chiếc xe tải phía trước và nhanh chóng cướp những bao tải ngô trên thùng hàng mà lẽ ra được mang tới nhà máy chế biến lương thực. Người lái xe thì bị đe dọa bằng một khẩu súng.

“Bạo loạn tràn ngập ở khắp nơi”, Del Pino cho biết.

Del Pino cho biết ông làm nghề lái xe chở lương thực đã được 14 năm, mỗi tháng kiếm khoảng 100 USD, đủ để nuôi vợ và 2 con gái. Tuy nhiên, bất chấp nỗi sợ hãi khi chứng kiến những cảnh cướp bóc giữa đường phố, Del Pino vẫn bày tỏ sự thông cảm với các đồng hương nghèo khổ của mình, những người đang tuyệt vọng trong tình trạng thiếu lương thực lan tràn khắp Venezuela và lạm phát cao. “Họ buộc phải cướp bóc để sống sót”, Del Pino chia sẻ.

Thực tế, bạo loạn, cướp bóc thực phẩm trên đường của những người nghèo đói ở Venezuela vẫn diễn ra từ trước đến nay. Tuy nhiên, những cuộc nổi dậy gần đây có vẻ khác hoàn toàn, khi những người đi cướp lại thuộc tầng lớp trung lưu.

Venezuela là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới và từng là một trong những nước giàu có nhất châu Mỹ Latinh. Tuy nhiên, sau gần 2 thập kỷ cai trị đất nước lỏng lẻo và quản lý kém công ty dầu khí quốc doanh, Venezuela đã và đang bị chìm sâu trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất lịch sử.

Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt tài chính do chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra vào tháng 8/2017 càng làm tăng thêm tình trạng khốn khổ của người dân Venezuela.

Theo một tổ chức phi chính phủ của Venezuela chuyên theo dõi tình trạng bất ổn của đất nước này, trong nửa đầu tháng 1/2018, có ít nhất 110 vụ cướp bóc, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Điều đáng chú ý là thực phẩm và tiền mặt ngày càng trở nên khan hiếm, đặc biệt ở khu vực bên ngoài thủ đô Caracas. Thậm chí, ngay cả khi có tiền, người dân cũng khó có thể mua được đồ ăn khi giá cả vượt quá tầm với của họ bởi tỷ lệ lạm phát tăng vọt lên trên 2.600% vào năm 2017.

Ông Roberto Briceno Leon, Giám đốc Cơ quan giám sát về bạo lực Venezuela tại thủ đô Caracas, cho biết nhiều người đói không mua được thức ăn thường ăn cắp thực phẩm bằng cách ăn chúng ngay trong các cửa hàng.

Theo Del Pino, nạn đói đang hoành hành ở Venezuela khiến những tài xế lái xe tải chở lương thực thực phẩm như ông trở thành mục tiêu bị tấn công khi đỗ hoặc nghỉ chân tại các trạm giao thông.

“Vấn đề chính ở đây là đói. Nạn đói đang giết chết mọi người”, Del Pino cho biết.

Nguyễn Trang