Sau khi trên mạng xã hội lan truyền clip về một người dân đổ vải xuống sông vì giá rớt xuống 2.000 đồng/kg, giới chức Bắc Giang và Hải Dương đều khẳng định, không có chuyện vải giá rẻ như cho, phải kêu gọi giải cứu.

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, khảo sát tại các điểm cân trong ngày 1/6 cho thấy, giá vải bình quân trên thị trường khoảng 13.000-17.000 đồng/kg. Vải trồng theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap đang được các doanh nghiệp thu mua dao động từ 20.000-40.000 đồng/kg, theo Thanh Niên.

Theo ông Tấn, vải bán trên thị trường hiện nay là loại vải u hồng chín sớm, chưa phải là vải thiều chính vụ. Đến cuối ngày 31/5, sản lượng vải chín sớm ở các huyện Tân Yên, Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế, Lục Ngạn đạt khoảng 10.000 tấn.

Ngoài ra, ông Tấn cho biết thêm, vải chín sớm cũng không có giá bán 6.000-8.000 đồng/kg hay đến mức phải kêu gọi giải cứu như thông tin lan truyền trên mạng xã hội.

“Hiện tại Bắc Giang chưa bước vào chính vụ vải thiều thì lấy đâu ra vải để chúng tôi kêu gọi giải cứu”, ông Tấn nói.

Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, dự kiến ngày 8/6, UBND tỉnh tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại cũng như bàn giải pháp tiêu thụ, xuất khẩu vải trong mùa vụ năm nay.

Ngoài các doanh nghiệp Việt Nam, phía Trung Quốc sẽ có khoảng 80 doanh nghiệp lớn sang tham dự và tìm hiểu vùng nguyên liệu ký hợp đồng thu mua.

Liên quan đến clip người nông dân đổ vải xuống sông vì giá quá rẻ, chỉ còn 2.000 đồng/kg được đăng tải trên mạng xã hội và gây xôn xao dư luận, ngay trong ngày 1/6, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo UBND huyện Lục Ngạn vào cuộc xác minh.

Hải Dương, Bắc Giang đồng loạt bác vải rớt giá, phải đổ xuống sông
Clip ghi lại cảnh người nông dân vứt gần 2 tạ vải xuống sông vì giá rẻ gây xôn xao dư luận. (Ảnh: Facebook)

Theo ông Cao Văn Hoàn, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, qua rà soát trong huyện thì không phát hiện chiếc cầu quay cảnh nông dân đổ vải.

Ông Hoàn cho biết, ở Lục Ngạn, vào thời điểm cuối chợ giá vải có xuống đến 8.000 đồng/kg nhưng đây là loại vải nông dân hái sớm, vỏ xanh, ăn vị chua nên nhiều điểm cân không thu mua.

Tuy nhiên, số lượng vải chất lượng thấp này ít, không phản ánh đúng thực tế của thị trường tiêu thụ vải.

Ngoài tỉnh Bắc Giang, thông tin kêu gọi giải cứu vải ở huyện Thanh Hà (Hải Dương) cũng được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội những ngày vừa qua.

Tuy nhiên, ông Ngô Đức Vinh, Phó chủ tịch huyện Thanh Hà khẳng định, không có chuyện nông dân hay cơ quan chức năng trong huyện kêu gọi giải cứu tiêu thụ vải khi mùa vụ năm nay chỉ vừa mới bắt đầu.

Clip ghi lại cảnh nông dân bức xúc vì giá vải rẻ, không bán được đã đem lên cầu vứt xuống sông đang được chia sẻ rầm rộ trên Facebook những ngày qua nhiều khả năng là cảnh dàn dựng nhằm mục đích khiến người trồng vải hoang mang, từ đó thao túng giá vải, ép giá nông dân, theo báo Hải Dương.

Hải Dương, Bắc Giang đồng loạt bác vải rớt giá, phải đổ xuống sông
Hải Dương cũng khẳng định không có chuyện người dân đổ vải xuống sông vì giá rẻ. (Ảnh: Facebook)

Nguyên nhân là bởi hiện vẫn đang vào vụ thu hoạch vải chín sớm còn vải thiều chính vụ phải gần nửa tháng nữa mới cho thu hoạch.

Cụ thể, tại khu Hà Đông (Thanh Hà), ở những vườn vải sớm, người nông dân đang tất bật thu hoạch vải và rất phấn khởi vì vải được mùa nhưng không mất giá.

Theo các hộ dân ở đây, với năng suất và giá bán vải sớm như hiện nay, bình quân mỗi sào cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với cấy lúa.

Tại khu vực trung tâm xã Thanh Bính có cả chục điểm cân vải chín sớm tấp nập người bán, người mua. Nhiều doanh nghiệp, tiểu thương ở trong và ngoài tỉnh, thậm chí là cả thương lái Trung Quốc đã về đây cân vải cho nông dân, đem đi tiêu thụ.

Vì vậy, không có chuyện nông dân bị ép bán vải với giá rẻ nên bức xúc phải vứt vải đi.

Bên cạnh đó, hiện nay đã có hàng chục doanh nghiệp đăng ký về thu mua vải thiều cho người dân Hải Dương. Có doanh nghiệp đăng ký thu mua cả chục nghìn tấn để sản xuất nước ép trái cây.

Đáng chú ý, lần đầu tiên vào ngày 10/6 tới, Hải Dương tổ chức Lễ hội vải thiều Thanh Hà – Hải Dương năm 2018.

Đây sẽ là dịp để Thanh Hà quảng bá mạnh mẽ hơn nữa đặc sản vải thiều, đồng thời là kênh để các doanh nghiệp, tiểu thương ký kết giao thương tiêu thụ vải cho bà con trong tỉnh.

Khôi Minh