Tác phẩm nổi tiếng Tiếng thét (The scream) của danh họa Edvard Munch chứa nhiều thông điệp bí ẩn khiến nhân loại từng tốn nhiều thời gian giải mã. 

Tiếng thét được họa sĩ người Na Uy Edvard Munch vẽ năm 1893, nổi tiếng bởi những gam màu rực rỡ và thông điệp bí ẩn khiến các nhà khoa học phải đau đầu.

Điểm nhấn của bức họa là khuôn mặt người lộ rõ sự hốt hoảng, dùng đôi tay ôm lấy đầu giữa nền trời rực rỡ sắc màu đỏ cam. Hơn một thế kỷ qua, rất nhiều lời đồn đoán đã được đưa ra lý giải về bầu trời rực đỏ phía trên đầu nhân vật nhưng chưa đủ sức thuyết phục công chúng.

Giải mã bí ẩn của tuyệt tác 'Tiếng thét' sau hơn 120 năm
Bức họa Tiếng thét

Năm 2004, các nhà thiên văn Mỹ nhận định nền trời trong Tiếng thét phản ánh bầu trời bị bụi đỏ do ảnh hưởng từ trận phun trào núi lửa Krakatoa ở Indonesia năm 1883.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu từ các trường Đại học Rutgers, Đại học Oxford và Đại học London được công bố trên bản tin của Hiệp hội Khí tượng Hoa Kỳ lại hoàn toàn khác. Các nhà khoa học xác định bầu trời trong bức tranh Tiếng thét ánh lên sắc đỏ, vàng là từ những đám mây xà cừ lóng lánh (Nacreous cloud), bao phủ rộng khắp Thủ đô Oslo của Na Uy.

Mây xà cừ là một dạng mây hiếm, được hình thành ở những khu vực cực kỳ lạnh của tầng bình lưu (cách mặt đất khoảng 20-30 km). Chúng thường dễ quan sát vào lúc hoàng hôn hoặc bình minh.

Vào thế kỷ 19, những đám mây trắng đột ngột chuyển sang ráng đỏ, khiến tác giả và người chứng kiến sợ hãi. Bức họa Tiếng thét ra đời từ đó.

Giải mã bí ẩn của tuyệt tác 'Tiếng thét' sau hơn 120 năm
Họa sĩ Edvard Munch (1863 – 1944)

Giáo sư Alan Robock của trường Đại học Rutgers cho hay: “Những gì mà nhân vật trong bức tranh làm đó là đặt 2 bàn tay của mình che tai để không nghe thấy tiếng hét của nhiều người khi nhìn thấy sự kinh hoàng trên bầu trời”.

Giải mã bí ẩn của tuyệt tác 'Tiếng thét' sau hơn 120 năm
Hiện tượng mây xà cừ cực hiếm trong thiên nhiên.

Lý giải này cũng từng được các nhà khoa học thuộc Hiệp hội Khoa học Địa chất châu Âu (EGU) công bố trong cuộc họp tại Vienna (Áo) vào năm 2017. Theo các chuyên gia, Tiếng thét không chỉ là một bức tranh mà còn là tài liệu khoa học về hiện tượng mây xà cừ hiếm gặp của thiên nhiên.

Yến Yến