Triều cường dâng cao đã gây vỡ đê Tân Bắc, khiến 70 hecta sầu riêng đang cho trái ở Châu Thành (Bến Tre) bị ảnh hưởng, thiệt hại hàng tỷ đồng.

Báo Người Tiêu Dùng đưa tin, sau một tuần bị ảnh hưởng bởi triều cường gây vỡ đê Tân Bắc, người nông dân ở hai ấp Tân Bắc và Tân Tây phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng khi nhiều hecta sầu riêng đặc sản bị ngập nặng, úng rễ và giờ đang chết khô cây.

Những vườn sầu riêng đang ra trái và dự báo sẽ mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân khi mức giá sầu riêng đang dao động 60.000-85.000 đồng/kg thì hiện chỉ sau một đợt triều cường gây vỡ đê, toàn bộ vườn sầu riêng đã khô héo.

Sầu riêng bị ngập úng và bắt đầu chết khô. (Ảnh: Người Tiêu Dùng)

Vườn sầu riêng 9.000 m2 với 200 gốc của ông Hồ Văn Hưởng ở xã Tân Phú (Châu Thành, Bến Tre) bị chết gần như toàn bộ. Phần lớn lá lẫn hoa đã khô héo, rụng đầy gốc.

Ông Hưởng buồn rầu nói: “Vườn sầu riêng này đã 10 năm tuổi, mùa trước tôi lãi 200 triệu đồng. Vụ này cây phát triển tốt, hoa nhiều, cao điểm mỗi ký sầu riêng có giá hơn 80 nghìn đồng mỗi kg nên tôi dự tính lợi nhuận sẽ gấp đôi”.

Ông Hưởng cho biết trên báo VnExpress, do bị nước ngập từ hai đợt triều cường cao bất thường trước đó, vườn sầu riêng dần héo lá rồi chết hẳn. Nếu tính bình quân mỗi cây đến mùa thu hoạch khoảng 100 kg trái, vụ này gia đình ông thua lỗ khoảng một tỷ đồng.

Cách đó 3 km, bên vườn sầu riêng 3.000 m2 vừa đốn bỏ, ông Lê Văn Em cho biết: “Cây trồng bảy năm rồi, mới thu hoạch được mấy vụ thì bị vỡ đê, nước tràn vào ngập úng, lá héo rụng từ từ. Tôi hoảng quá chạy đi hỏi khắp nơi sau đó xử lý bằng cách lặt hoa bỏ nhưng cây vẫn chết”.

Vườn sâu riêng vừa cưa ngang gốc với hy vọng đâm chồi mới của ông Em. (Ảnh: VnExpress)

Sau một tuần gần như bất lực nhìn sầu riêng chết, mấy hôm trước ông Em đành cưa ngang gốc toàn bộ vườn với hy vọng cây sẽ đâm chồi mới. “Tưởng đâu vụ này cầm chắc lãi trên 300 triệu đồng, ai ngờ giờ lâm vào cảnh trắng tay, lỗ cả tỷ đồng, không biết có đủ khả năng nuôi hai đứa con đang đi học nữa không”, ông Em chia sẻ.

Những chùm hoa héo khô chưa kịp đậu trái rụng đầy gốc. (Ảnh: VnExpress)

Theo người dân địa phương, để tái sản xuất lại vườn sầu riêng thì trước mắt phải chặt bỏ toàn bộ những cây bị chết và phải mất 5 năm sau khi trồng lại thì mới có thể thu hoạch. Nhưng vấn đề khó khăn nhất hiện nay đó là người dân đã mất trắng vốn đầu tư của mình. Trong khi thị trường cây giống có giá khá cao, từ 120.000 – 150.000 đồng/cây. 

Ông Phạm Hoàng Khôi – Phó chủ tịch xã Tân Phú cho biết, đợt vỡ đê bao từ hơn một tuần trước làm nước tràn, ngập úng khoảng 70 ha vườn sầu riêng và 10 ha chôm chôm của người dân.

“Năm nay, triều cường cao bất thường so với các năm trước nên người dân không trở tay kịp, ước tính thiệt hại ban đầu gần 8 tỷ đồng”, ông Khôi nói và cho biết, địa phương đang đề xuất cấp trên phân bổ kinh phí để gia cố các tuyến đê xung yếu trên địa bàn nhằm bảo vệ hơn 1.500 ha diện tích cây ăn trái còn lại.

Đỉnh triều cường hôm 10/10, mực nước tại Mỹ Thuận là 2,07 m, Cần Thơ đạt 2,23 m, vượt số liệu lịch sử 40 năm qua. Triều cường kết hợp lũ đầu nguồn sông Mekong tràn về làm hàng loạt đê bao ở các tỉnh miền Tây bị vỡ, nước nhấn chìm nhiều tuyến đường, nhà cửa; nhiều diện tích cây ăn trái, ao cá, ruộng lúa, mía… bị thiệt hại.

Các chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến miền Tây ngập sâu, trong đó quan trọng nhất là đất lún do khai thác nước ngầm quá mức. Mỗi năm Đồng bằng sông Cửu Long bị lún 2-3 cm, gấp 10 lần nước biển dâng.

Khôi Minh (tổng hợp)